Thi công nâng cấp Quốc lộ 19 gây ngập lụt nhà dân
Nhiều ngôi nhà ở cạnh QL19 (H.Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) bị nước 'bủa vây' chỉ sau trận mưa lớn. Việc ngập úng ở khu dân cư này xảy ra từ khi thi công nâng cấp QL19, khiến người dân bức xúc, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục.
Ngập lụt 'chưa từng thấy'!
Đưa tay chỉ những bao cát chắn ngang trước cửa nhà, ông Nguyễn Thành Trung (ngụ thôn Cầu Vàng, xã Kdang, H.Đăk Đoa), cho biết, những bao cát này do gia đình dựng lên để ngăn nước và đất đá từ QL19 tràn vào nhà. Bên trong nhà, ông Trung còn đặt sẵn một máy bơm để khi nước vào là cho máy bơm hoạt động để cứu tài sản.
“Sống mấy chục năm ở đây không hề có chuyện ngập lụt, nhưng khi QL19 thi công thì cuộc sống của gia đình bị xáo trộn. Trước khi chưa làm đường, mưa xuống nước chảy theo mương ra suối. Cách đây khoảng 5 tháng, đơn vị thi công QL19 tiến hành đào đất 2 bên để mở rộng đường nên mưa xuống không thoát được, gây ngập lụt. Từ khi thi công QL19, nhà tôi đã 4 lần bị nước và đất đá tràn vào nhà”, ông Trung bức xúc.
Cạnh nhà ông Trung, nhà ông Võ Bé cũng bị ngập nước, đất đá tràn vào. Sau trận mưa lớn ngày 15-9, nước đã rút ra sân, nhưng ở bức tường trong nhà vẫn còn ẩm ướt, hiện rõ mực nước dâng lên.
“Cứ mưa là ngập, ở miền núi mà chẳng khác gì đồng bằng. Cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư QL19 có biện pháp khắc phục, thi công đoạn nào xong đoạn đó, chứ không có kiểu đào bới lên rồi bỏ đó”, ông Bé nói.
Cũng rơi vào hoàn cảnh như các hộ dân ở thông Cầu Vàng, người dân thôn Cây Điệp, xã Kdang từ khi thi công nâng cấp QL19 cũng đã trải qua 3 trận ngập lụt lớn. Theo quan sát, nhà dân cạnh QL19 từ đầu cho đến cuối con dốc đều xảy ra tình trạng bị nước và đất đá tràn vào nhà. Trước cổng mỗi nhà đều dựng các bức tường bằng bao cát.
Chị Phạm Thị Kim Quyên cho biết, từ tháng 8-2022, nhà đã bị 3 lần nước tràn vào nhà và vườn hồ tiêu. “Mưa xuống, nước từ đường cuồn cuộn như lũ chảy vào nhà. Có những đêm gia đình phải thức trắng để đưa tài sản lên cao. Gia đình đã lấy bao đựng cát chồng lên thành 1 bức tường trước cửa”, chị Quyên kể.
Bà Bùi Thị Liễu (thôn Cây Điệp) phản ánh: “Lần nào mưa cũng ngập. Ngập từ nhà ra vườn, cánh đồng lúa sau nhà cũng bị đất đá vùi lấp. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, yêu cầu đơn vị thi công QL19 khắc phục nhưng đâu lại vào đấy”.
Theo người dân thôn Cây Điệp, trước đây dù có mưa lớn tới đâu nhưng không bao giờ chảy tràn vào nhà. Gần đây, con suối của thôn chạy ngang qua QL19 được đơn vị công làm cầu tạm, dòng chảy bị hẹp lại, cộng với đường 2 bên bị đào rồi để đó. Do đó, cứ mưa xuống không thoát được, nước tràn vào nhà dân.
Ngay sau khi xảy ra ngập cho các hộ dân 2 bên QL19, UBND xã Kdang đã cho kiểm kê thiệt hại. Theo đó, thôn Cây Điệp có 28 hộ bị nước, đất đá tràn vào nhà, thôn Cầu Vàng có 11 hộ bị thiệt hại. Toàn xã có hơn 33 héc-ta lúa bị ngập, hơn 3,3 héc-ta lúa mất trắng do bị đất bồi lấp. Rất nhiều tài sản của các hộ dân cũng bị hư hại như: xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, cây trồng, nông sản…
Trong đó, nhà bà Lê Thị Mỳ (thôn Cây Điệp) bị thiệt hại nặng nhất, khi 300 cây cà phê, 20 cây tiêu biêu bị lật gốc; 30 mét tường bị đổ; hư hỏng máy lọc nước, máy giặt; trôi 1 xe máy. Nhà ông Phó Đức Toàn cũng bị cuối trôi 4,5 tạ ngô; 160 cây cà phê, cây mít, sầu riêng bị lật gốc.
Ông Đan - Chủ tịch UBND xã Kdang, H.Đăk Đoa cho biết, khi xảy ra ngập đường và nước tràn vào nhà dân, UBND xã đã cử lực lượng đảm bảo ATGT trên QL19 và giúp dân giảm thiểu thiệt hại. Hiện UBND xã đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư dự án QL19 cử cán bộ xuống cùng xã để kiểm kê thiệt hại của người dân, từ đó đưa ra phương án hỗ trợ.
Thu hồi giấy phép thi công nếu không chịu khắc phục
Mới đây, Cục Quản lý đường bộ III phối hợp với Sở GTVT Gia Lai đi kiểm tra hiện trường thi công QL19. Kết quả kiểm tra, Cục Quản lý đường bộ III nhận thấy, công tác triển khai thi công trên toàn tuyến còn nhiều tồn tại, chưa được khắc phục.
Cụ thể, mặt đường phát sinh nhiều ổ gà, bong tróc nhưng không được vá. Thi công mở rộng nền đường 2 bên thiếu cọc tiêu, dây phản quang, rào chắn, không có người hướng dẫn điều tiết giao thông, nguy cơ mất ATGT.
Ngoài ra, các cây cầu tạm thường xuyên gây ùn tắc giao thông nhưng không có người hướng dẫn giao thông 2 đầu cầu. Móng cầu tạm làm bằng rọ đá nguy cơ xói mòn, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ. Đường dẫn 2 cầu tạm bị sình lầy.
Việc thi công đào khuôn đường đã lâu nhưng không trả lại kết cấu mặt đường, gây khó khăn cho đi lại, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, tạo sự bức xúc của dư luận.
Theo Cục Quản lý đường bộ III, dù nhiều lần đơn vị đã có văn bản nhắc nhở, và ban hành 10 quyết định xử phạt hành chính, tuy nhiên chủ đầu tư và các đơn vị thi công thực hiện không đạt yêu cầu, gây nguy cơ mất ATGT, ùn tắc giao thông trên tuyến.
Cục Quản lý đường bộ III nhấn mạnh, Ban Quản lý dự án 2 - Bộ GTVT (chủ đầu tư dự án) chịu trách nhiệm, nếu để xảy ra mất ATGT do việc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án. Trường hợp Ban Quản lý dự án 2 không quyết liệt chỉ đạo nhà thầu khắc phục các tồn tại, Cục sẽ thu hồi giấy phép thi công đã cấp và báo cáo lên cấp trên xem xét trách nhiệm của Ban Quản lý dự án 2.
Sở GTVT Gia Lai cũng đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án 2, về việc đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công QL19.
Theo Sở GTVT Gia Lai, việc thi công không đảm bảo an toàn giao thông, gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vì đây là tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa, kết nối cảng Quy Nhơn với các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng.
Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (nâng cấp QL19) có chiều dài 143km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định do Ban Quản lý Dự án 2 - Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (hơn 3.600 tỷ đồng), thi công từ cuối tháng 8-2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Clip nước lũ ồ ạt từ QL19 tràn vào nhà dân: