Thi công xây dựng tại các công trình: An toàn phòng, chống dịch là trên hết

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ ngày 24-7, các công trình xây dựng dân dụng, không quan trọng, cấp bách trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đã dừng hoạt động. Đối với các công trình được phép thi công, việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch đã được các đơn vị đặt lên hàng đầu.

Công nhân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình thi công dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: Đỗ Tâm

Tuân thủ nghiêm quy định

Là công trình trọng điểm, cấp bách được phép thi công trong thời gian giãn cách xã hội, việc an toàn phòng, chống dịch tại công trường xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được đặt lên hàng đầu. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (chủ đầu tư), hiện toàn bộ 5 gói thầu xây lắp chính đang được thi công. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào quý II-2023.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Trưởng phòng Giám sát 2 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội) Đỗ Đình Phan cho biết: Trên công trường hiện có 7 nhà thầu với khoảng 500 cán bộ, công nhân, toàn bộ không được tiếp xúc với bên ngoài phạm vi công trường. 7 nhà thầu lập 7 khu lán trại thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ) đối với khoảng 400 nhân sự. 100 nhân sự còn lại đi và về nơi tạm trú trong ngày, được yêu cầu thực hiện nguyên tắc “một cung đường, hai điểm đến”. Danh sách 100 nhân sự này được gửi cho chính quyền địa phương quản lý, giám sát. Ngoài ra, trên công trường cũng bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn, đo thân nhiệt hằng ngày đối với tất cả lao động...

Tại Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương (nút giao Khuất Duy Tiến - Tố Hữu), kỹ sư Ban Điều hành liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 Nguyễn Tuấn Nghĩa thông tin, công trường đang triển khai 3 mũi thi công, với 40 cán bộ, công nhân làm việc 24/24 giờ. Ngoài bảo đảm tiến độ, nhiệm vụ phòng, chống dịch cũng được đặt ra với yêu cầu chặt chẽ. Lao động trên công trường phải giữ khoảng cách, khai báo y tế, đo thân nhiệt hằng ngày và thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên…

Trong khi đó, tại dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), dự kiến vận hành vào giữa tháng 9-2021, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội (chủ đầu tư) Trịnh Nhật Cường nhấn mạnh, hiện chỉ còn 30% nhân viên quản lý đến công trường, còn lại làm trực tuyến. Lực lượng công nhân cũng giảm khoảng 60% so với trước thời điểm giãn cách, còn 528 người. Ngoài việc tuân thủ yêu cầu “5K”, chủ đầu tư đã bố trí ăn, ở tại chỗ cho cán bộ, nhân viên trực thuộc. Với công nhân do nhà thầu quản lý, thực hiện quy định “một cung đường, hai điểm đến”.

Tăng cường giám sát, kiểm tra

Đo thân nhiệt cho công nhân tại dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Yên Khánh

Bên cạnh việc tuân thủ của chủ đầu tư, nhà thầu, công tác kiểm tra, giám sát việc bảo đảm phòng, chống dịch tại các công trình xây dựng cũng được Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện triển khai nghiêm túc.

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, 100% công trình xây dựng dân dụng không quan trọng đều tạm ngừng thi công từ ngày 24-7. Với các công trình trọng điểm, cấp bách (được cấp thẩm quyền cho phép thi công), đến ngày 2-8, Sở đã kiểm tra, giám sát 7 công trình. Qua kiểm tra cho thấy, chủ đầu tư đã xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống dịch; tổ chức thi công theo phương án được UBND quận, huyện duyệt; chưa phát hiện trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, hay xuất hiện ca nhiễm bệnh.

Về phía chính quyền địa phương, theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, từ ngày 24-7, toàn bộ 260 công trình không quan trọng, cấp bách trên địa bàn quận đã tạm dừng thi công. Quận chỉ đạo Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị chủ động phối hợp với UBND các phường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm trong thời gian giãn cách xã hội. Với 5 công trình trọng điểm, cấp bách do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận làm chủ đầu tư, UBND quận chấp thuận cho phép tổ chức thi công xây dựng, như: Cải tạo Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa (phường Liễu Giai); sửa chữa khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội (phường Phúc Xá)..., chủ đầu tư đang hoàn chỉnh phương án, kế hoạch thi công, bảo đảm phòng, chống dịch; phương án ứng phó khi có ca mắc/nghi nhiễm Covid-19 trình UBND quận chấp thuận trước khi tiếp tục triển khai.

Tại quận Hoàn Kiếm, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị Vũ Tuấn Trung thông tin, trên địa bàn quận có 2 công trình trọng điểm, cấp bách được UBND thành phố cho phép thi công, là công trình ga ngầm S12 (Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) và công trình Bệnh viện K. UBND quận đã hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu bảo đảm yêu cầu cao nhất về phòng, chống dịch Covid-19; gửi danh sách đăng ký số lượng người lao động tại công trình; kiểm soát chặt chẽ hoạt động ra - vào công trình hằng ngày (khai báo y tế theo mã QR, đo thân nhiệt, sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, vào sổ theo dõi...), phun khử khuẩn định kỳ nơi ăn ở, văn phòng và công trường thi công. Chủ tịch UBND quận cũng chỉ đạo UBND các phường Hàng Bông, Cửa Nam (địa bàn có 2 công trình đang thi công) thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; xử lý các trường hợp không nghiêm túc chấp hành.

Có thể thấy, việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các công trình trọng điểm, cấp bách được đặt lên trên hết nhằm vừa giữ tiến độ, vừa không làm lây lan dịch bệnh.

Dạ Khánh - Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1007876/thi-cong-xay-dung-tai-cac-cong-trinh-an-toan-phong-chong-dich-la-tren-het