Thi… cùng 'sĩ tử'!
Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra trong 3 ngày nhưng với những 'sĩ tử' đó là cả chặng đường dài ôn luyện, 'nấu sử sôi kinh'. Song, trên suốt chặng đường gian nan ấy, không chỉ gia đình mà còn có cả cộng đồng luôn quan tâm, dõi theo từng ngày thi của thí sinh. Không phải người thân nhưng họ là người tiếp thêm động lực để 'sĩ tử' an tâm vượt 'ải môn quan'.
Những kỳ thi THPT quốc gia gần đây, “Tiếp sức mùa thi” không còn áp lực như trước. Một phần do thí sinh thi tại chỗ nên đỡ tốn kém về nhân lực và vật lực hơn xưa rất nhiều. Song, với những trường hợp thí sinh phải qua đò đi thi, cả đi - về sẽ không kịp thời gian đến điểm thi. Vậy là, thí sinh được hỗ trợ ngay cơm nước miễn phí và chỗ ăn nghỉ để an tâm tập trung cho việc thi cử. Đó là việc làm ý nghĩa của Hội Bảo trợ người tàn tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên. Hội đã phối hợp Trường Tiểu học Châu Văn Liêm (TP. Long Xuyên) hỗ trợ cơm và chỗ nghỉ cho các em Trường THCS và THPT Mỹ Hòa Hưng.
“Thức ăn “tiếp sức” các em là những món do chính tay các thành viên của hội nấu, đảm bảo đủ dinh dưỡng với các món: canh, kho, xào, trái cây. Ngày thi đầu tiên (25-6), chúng tôi đã tổ chức buổi cơm trưa cho 145 thí sinh Trường THCS và THPT Mỹ Hòa Hưng với kinh phí hơn 7 triệu đồng do các bậc phụ huynh hỗ trợ. Sau khi ăn trưa, thầy hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Văn Liêm đã bố trí chỗ nghỉ ngơi và phòng ôn bài riêng cho các em” - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên Nguyễn Thị Bảo Châu cho hay.
Chặng đường đi thi của “sĩ tử” luôn được cộng đồng quan tâm
Trực tiếp đến nơi các em dùng cơm mới biết, đó là biết bao công sức và tấm lòng của các cô chú giàu lòng thiện nguyện. Mọi người đa phần đều đã cao tuổi nhưng tranh thủ dậy thật sớm, dành thời gian riêng của mình để đi chợ mua từng miếng thịt ngon, cải tươi để thí sinh được ngon miệng. Quý hơn là khi có em dùng cơm xong, mang chén đi rửa thì các cô chú lại “đuổi” đi nghỉ ngơi ngay. Nhìn cử chỉ và ánh mắt từng người, cứ nghĩ các cô chú ấy đang chăm sóc cho con, cháu ruột của chính mình. Thương lắm câu nói: “Mấy đứa ăn thật nhiều vào, không lo hết thức ăn đâu nha!” hay “Ai ăn rồi thì có thể đi ngủ hoặc ôn bài cho môn buổi chiều, chén dĩa cứ để đó!”… Trong buổi ăn là những cuộc hỏi han, quan tâm ân cần về sức khỏe, về việc làm bài thi thế nào giữa những người xa lạ ấy dành cho thí sinh. Thoáng chút, chúng tôi nghĩ rằng đó là ăn trưa thân mật của một đại gia đình, ở đó ông bà, cha mẹ lo lắng cẩn thận từng miếng ăn, giấc ngủ cho con cái.
Cứ đến kỳ thi THPT quốc gia là có nhiều hoạt động “muôn màu, muôn kiểu” tiếp sức nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh tham dự kỳ thi. “Hôm “sĩ tử” thi môn Ngữ văn. Ở trong phòng thi “nóng” bao nhiêu là thầy cô như chúng tôi lo lắng, đứng ngồi không yên bấy nhiêu. Lo không biết đề thế nào, học trò của mình có làm bài được không… Cứ thế, 120 phút thi như kéo dài hơn với nỗi lo của chính mình. Niềm vui lớn nhất với chúng tôi khi học trò mình báo tin làm tốt bài thi. Nhìn các em vui vẻ chia sẻ về môn thi, tôi thấy nhẹ lòng. Chuyện thi cử mà, mấy ai suôn sẻ hết. Khi một trong số học sinh của mình làm bài chưa tốt, tôi động viên để các em giữ vững tinh thần, tập trung cho những môn thi kế tiếp” - cô Tuyến (giáo viên dạy môn Văn, Trường THPT Vọng Thê, Thoại Sơn) chia sẻ. Trực tiếp tác nghiệp tại các điểm thi, chúng tôi cảm nhận rất rõ nỗi lo lắng ấy của thầy cô, có người đứng hàng giờ liền đợi trước cổng trường thi dù trời nắng gay gắt, họ kiên nhẫn đợi học trò mình thi ra để hỏi han, động viên. Thương lắm hình ảnh thí sinh thi ra, vui mừng khi thấy thầy cô đứng đợi tự bao giờ. Rồi thì thầy trò vây quanh nhau chia sẻ bài thi, về cách làm bài, về đáp án…
Còn về các bậc cha mẹ, không phải nói ai cũng biết họ lo lắng thế nào cho con. Hình ảnh cha mẹ “đội nắng” hay “đội mưa” đợi con trước cổng trường thi không còn xa lạ với chúng ta. Ngay cả những người xa lạ cũng có thể dành sự quan tâm đặc biệt cho con em mình thì những phụ huynh ấy lo lắng còn hơn thế gấp nhiều lần. Những ánh mắt luôn “dán chặt” về phía cổng trường, bỗng sáng bừng khi thấy hình ảnh đứa con thân yêu từ phía xa. Họ vui với bài thi tốt và buồn cùng con khi nghe câu trả lời “cũng tạm thôi ạ!”. “Trước ngày thi thấy con lo lắng quá, cả nhà ai cũng “đứng ngồi không yên”. Chúng tôi cố gắng động viên, chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ để con giữ tinh thần thoải mái, không bị áp lực. Nhà cách đây không xa nhưng con đi thi, tôi phải đích thân đưa rước mới an tâm” - anh Đựng (ngụ xã Định Mỹ, Thoại Sơn) bày tỏ.
Câu chuyện đi thi cùng “sĩ tử” là vậy, dù không thân quen nhưng cứ đến mỗi kỳ thi là cả cộng đồng lại chung tay, dõi theo các em. Chúc các “sĩ tử” “vượt vũ môn hóa rồng” để không phụ lòng những người đã bên cạnh động viên, quan tâm mình!
Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/thi-cung-si-tu--a249279.html