Thí điểm 'Chuyển đổi số Quản lý chất thải' tại TP.Tân An
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu xây dựng chính quyền số; bảo đảm hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tốt hơn, UBND tỉnh Long An ban hành kế hoạch thực hiện thí điểm 'Chuyển đổi số Quản lý chất thải' trên địa bàn TP.Tân An.
TP.Tân An có 9 phường và 5 xã với tổng diện tích tự nhiên là 8.173,37ha. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, TP.Tân An hình thành nhiều khu đô thị, khu dân cư tập trung phát triển nhanh chóng, kéo theo đó là sự gia tăng lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt cần xử lý.
Mỗi ngày, TP.Tân An phát sinh chất thải rắn sinh hoạt khoảng 130 - 150 tấn. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 3087/KH-UBND, ngày 18/7/2023 về triển khai, thực hiện phân loại rác tại nguồn giai đoạn 2023 – 2025, trong đó, giao chỉ tiêu năm 2023 các phường phải đạt 90%, các xã đạt 50%; năm 2024, các phường phải đạt 100%, các xã phải đạt 80%, bảo đảm năm 2024 TP.Tân An đạt 90% việc thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Hiện trạng công tác quản lý về chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong công tác thống kê, quản lý số liệu rác thải sinh hoạt phát sinh; quản lý công tác, phương tiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; quản lý công tác lập bộ, thu phí, chi trả cho thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải,… còn nhiều hạn chế. Do đó, thí điểm mô hình chuyển đổi số Quản lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông chuyển đổi số trong công tác vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho địa phương.
Thí điểm mô hình chuyển đổi số Quản lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác quản lý về quản lý chất thải trên địa bàn TP.Tân An. Các cơ quan quản lý có công cụ hiệu quả giám sát việc thu gom rác thải của các đơn vị thu gom, khối lượng rác tiếp nhận và hoạt động xử lý rác thải tại các nhà máy. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông các quy định pháp luật về quản lý rác thải, phổ biến kiến thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt đến rộng rãi người dân trên môi trường số.
Theo đó, mục tiêu cụ thể 100% tuyến đường thu gom trên địa bàn TP.Tân An được số hóa, trực quan hóa và đưa và phần mềm để giám sát lịch trình thu gom của từng phương tiện thu gom. 100% phương tiện thu gom rác thải được trang bị thiết bị giám sát lịch trình và cung cấp số liệu cho hệ thống giám sát. 100% hộ dân được tiếp cận thông tin về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt và tra cứu lịch trình thu gom trên các ứng dụng trực tuyến.
Nội dung triển khai, thực hiện là xây dựng hệ thống số quản lý chất thải rắn sinh hoạt và triển khai thiết bị giám sát hành trình. Hệ thống số quản lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm phân hệ Web App và Mobile App để cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, người dân và đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt khai thác, sử dụng. Đồng thời, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho phương tiện xe chuyên dùng lấy chất thải rắn sinh hoạt từ 5 tấn trở lên trên địa bàn TP.Tân An để quản lý giám sát lịch trình thu gom trên bản đồ số. Thời gian thí điểm là 6 tháng kể từ khi đưa vào vận hành chính thức hệ thống.
Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm thực hiện thí điểm tại TP.Tân An sẽ tổng kết, đánh giá làm cơ sở triển khai đồng bộ mô hình chuyển đổi số Quản lý chất chải rắn sinh hoạt cho toàn tỉnh trong thời gian tới./.