Thí điểm cơ chế đặc thù 'đòn bẩy' để phát triển
Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế vừa được Quốc hội thông qua ngày 13/11, được kỳ vọng góp phần tạo thuận lợi cho 4 địa phương trong thu hút nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng, miền, và tạo tiền đề để áp dụng cho các địa phương khác.
Tiếp tục xem xét cơ chế đặc thù với thành phố Cần Thơ
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhất trí ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời các Nghị quyết của Đảng, góp phần tạo thuận lợi trong thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính đột phá về cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển nhanh, tạo tiền đề để áp dụng cho các địa phương khác.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc ban hành cơ chế đặc thù đối với các tỉnh trên cần cân nhắc để bảo đảm công bằng với các địa phương khác. Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng thí điểm cho các tỉnh, thành trên đều đã được các Nghị quyết của Bộ Chính trị quán triệt.
Vì vậy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm là nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả quản lý, UBTVQH đề nghị việc thực hiện cần tuân thủ đúng nguyên tắc: Việc điều chỉnh và ban hành mới các khoản phí, lệ phí phải có lộ trình phù hợp với thực tế; không tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm công khai, minh bạch; không ảnh hưởng đến các địa phương khác.
Về căn cứ thực tiễn, cơ chế đặc thù đang được áp dụng đối với các thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, qua sơ kết đánh giá, các cơ chế này đã và đang phát huy tác dụng tích cực, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo tác động lan tỏa vùng miền. Theo UBTVQH, các tỉnh, thành được lựa chọn là các địa phương có đặc thù về địa lý, dân số, lịch sử, văn hóa và tiềm năng phát triển kinh tế.
Thanh Hóa, Nghệ An là các tỉnh có diện tích đất rộng, dân số đông, có tiềm năng nhưng chưa có cơ chế bứt phá. Thừa Thiên Huế là cố đô có bề dày lịch sử, đặc thù văn hóa song năng lực tài chính rất hạn chế.Hải Phòng là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, một trong những đầu tàu kinh tế nhưng với cơ chế chỉ như các tỉnh, thành khác thì sẽ khó phát huy thế mạnh, nhất là kinh tế biển.
“Xuất phát từ những lý do trên, UBTVQH xin Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù áp dụng thí điểm cho các địa phương nêu trên. Trong thời gian tới, trên cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội cũng sẽ tiếp tục xem xét việc áp dụng cơ chế đặc thù đối với thành phố Cần Thơ để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Tây Nam bộ. Đồng thời, trên cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thí điểm sẽ nhân rộng, bảo đảm có cơ chế, chính sách phổ quát áp dụng trên diện rộng, trong phạm vi toàn quốc”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ.
Bốn tỉnh thành thí điểm được hưởng cơ chế vượt trội
Giải trình về cơ chế, chính sách cụ thể, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường, việc quy định mức trần dư nợ vay đối với các địa phương là nhằm tạo dư địa cho các địa phương chủ động huy động nguồn lực, trên cơ sở tổng kết sẽ xác định mức phù hợp. Mặt khác, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, căn cứ nhu cầu huy động, dự kiến khả năng thu, khả năng hấp thụ vốn, khả năng trả nợ của từng địa phương, hằng năm Quốc hội quyết định mức vay cho từng địa phương, bảo đảm điều tiết hợp lý, công bằng.
Theo đó, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Nghệ An với 6 cơ chế, chính sách và tỉnh Thanh Hóa với 8 cơ chế, chính sách. Theo Nghị quyết, tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh, Thành phố được hưởng theo phân cấp.
Ngoài ra, với tỉnh Nghệ An và Thừa Thiên Huế, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.
Đối với thành phố Hải Phòng, Nghị quyết nêu rõ, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng giao.
“Xuất phát từ những lý do trên, UBTVQH xin Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù áp dụng thí điểm cho các địa phương nêu trên. Trong thời gian tới, trên cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội cũng sẽ tiếp tục xem xét việc áp dụng cơ chế đặc thù đối với thành phố Cần Thơ để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Tây Nam bộ. Đồng thời, trên cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thí điểm sẽ nhân rộng, bảo đảm có cơ chế, chính sách phổ quát áp dụng trên diện rộng, trong phạm vi toàn quốc”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ.
Cùng với đó, Hải Phòng được thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn Thành phố; được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án; Ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố.
Đối với tỉnh Thanh Hóa, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán, nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Cùng với đó, Quốc hội cũng thống nhất nội dung trên địa bàn thành phố Hải Phòng và Thanh Hóa, Hội đồng nhân dân được quyết định áp dụng trên địa bàn các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Ngân sách Thành phố, tỉnh được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí.
Cùng với đó, Quốc hội cũng cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế, để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ Quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý.
Về quản lý quy hoạch, có ý kiến đề nghị thực hiện đúng quy định pháp luật về quy hoạch để bảo đảm công bằng, minh bạch; báo cáo rõ lý do phân cấp điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Đồng tình với nhận định trên, theo UBTVQH, một trong những mục tiêu khi ban hành Luật Quy hoạch là bảo đảm tính thống nhất quy hoạch trên cả nước.Do đó, các quy định trong dự thảo Nghị quyết chỉ cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị, không cho phép điều chỉnh quy hoạch tổng thể nhằm bảo đảm nguyên tắc thống nhất trong quy hoạch chung… Các Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thi-diem-co-che-dac-thu-don-bay-de-phat-trien-132774.html