Thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM: Khơi thông nguồn lực

Sáng nay, 26/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

TP.HCM cần cơ chế để phát triển. Ảnh: Hải An.

TP.HCM cần cơ chế để phát triển. Ảnh: Hải An.

Các cơ chế, chính sách đề xuất trong nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM lần này gói trong bốn chữ: "Khơi thông nguồn lực".

Nếu được Quốc hội thông qua và làm tốt các cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, nhất là thu hút nguồn vốn đầu tư, TP.HCM sẽ có nguồn thu hút cả trăm nghìn tỉ đồng vốn đầu tư, đó là động lực phát triển dành cho cả nước.

“Chiếc áo” cơ chế, chính sách cho TP.HCM bây giờ đã “chật”

Thời gian qua, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ TP.HCM giữ vững vai trò đầu tàu phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, và cả nước.

Trong đó, có Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 là quyết sách kịp thời, tạo không gian cho TP.HCM phát triển. Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết cũng cho thấy, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao, chưa thực sự tạo sự bứt phá cho thành phố.

Cách đây hơn 1 năm, khi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lưu ý, sau 5 năm triển khai thực hiện, TP.HCM cần tổng kết việc thực hiện nghị quyết, nghiên cứu đề xuất xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, không phải đến năm 2021 mà trước đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, “dường như các động lực tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh đã bị bào mòn”, “chiếc áo” cơ chế, chính sách cho TP. Hồ Chí Minh bây giờ đã “chật”.

Quả thực, “chiếc áo” cơ chế, chính sách cho TP. Hồ Chí Minh đã bị “chật”! Là một địa phương luôn khẳng định vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, điều tiết số thu về ngân sách Trung ương cao nhất nhưng chính sách hiện hành lại “cơ bản chỉ tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù”, quy mô, tính chất của các chính sách còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá.

Do đó, việc ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm tạo lập khung khổ pháp lý về chính sách vượt trội, tạo bước đột phá cho TP. Hồ Chí Minh theo đúng tinh thần nghị quyết của Trung ương là điều rất cần thiết.

Chính sách đột phá này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với riêng TP. Hồ Chí Minh mà còn có ý nghĩa với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Với vị thế đặc biệt của thành phố, Nghị quyết mới này phải bảo đảm một khung khổ pháp lý mang tính đột phá mạnh mẽ và phải “vượt trội về chính sách” để thành phố đi trước, hành động trước, tiếp tục khẳng định được vị thế đầu tàu về kinh tế của cả nước.

Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội lần này có 2 nhóm chính sách với tổng cộng 44 nội dung cụ thể. Trong đó, có các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54 và các Nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng các địa phương khác hoặc đang quy định tại các dự thảo Luật trình Quốc hội.

Ngoài ra, có các chính sách mới lần đầu tiên được quy định tại dự thảo Nghị quyết với 4 nhóm vấn đề gồm: Đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy.

Một trong số chính sách được coi là đột phá được nêu trong dự thảo nghị quyết như: Đề xuất thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Chính sách mới này được nhiều ý kiến cho rằng rất cần thiết, góp phần huy động nguồn lực đầu tư các dự án, tạo đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tạo quỹ đất sạch triển khai các dự án phát triển đô thị. Cơ chế này sẽ tạo nguồn lực xã hội cho phát triển, giảm chi ngân sách cho thành phố.

TP.HCM không xin "đặc lợi" cho riêng mình

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, nếu mục tiêu của cơ chế, chính sách ở nghị quyết 54 tập trung tạo nguồn thu, thì nghị quyết mới lại tập trung nhiều cho thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục dự án, thí điểm các hình thức đầu tư mới.

Nói cách khác, lần này TP.HCM đề xuất thí điểm các cơ chế để tạo ra sự phát triển, từ đó đóng góp thực tiễn, nguồn lực cho cả nước, chứ không xin "đặc lợi" cho riêng mình.

Ngoài một số nghị quyết đã có trong nghị quyết 54, ba nhóm còn lại tập trung ở các cơ chế, chính sách đặc thù được quy định cho các địa phương khác; cơ chế, chính sách đặc thù có trong các dự thảo luật sẽ sửa đổi thời gian tới và các cơ chế, chính sách mới, chưa được quy định.

Với bốn nhóm cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội vừa giúp TP tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn về thủ tục, dự án đã làm trước đây để dòng vốn đầu tư chạy nhanh hơn, đồng thời kiến tạo động lực phát triển mới lớn hơn, mạnh hơn để TP phát triển, thúc đẩy vai trò đầu tàu kinh tế.

Cùng với đó, nghị quyết mới giúp thành phố phân cấp, ủy quyền kịp thời, chủ động hơn, có được chiếc áo cơ chế vừa vặn để TP Thủ Đức phát triển.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, TP.HCM có rất nhiều tiềm năng về nguồn lực ở nhiều lĩnh vực cần được khơi thông, tạo động lực phát triển mới để từ đó giữ vững vị trí đầu tàu, đóng góp cho kinh tế cả nước.

Nguồn lực đó bao gồm con người, đất đai, tài chính, khả năng tập trung tích lũy cơ sở hạ tầng, tài sản nông nghiệp, nghiên cứu, dịch vụ và thúc đẩy hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước.

Tiềm năng, lợi thế về nguồn lực rất lớn của TP.HCM chưa được khai thác hiệu quả. Ảnh: Hải An.

Tiềm năng, lợi thế về nguồn lực rất lớn của TP.HCM chưa được khai thác hiệu quả. Ảnh: Hải An.

Nếu có những cơ chế vượt trội, đột phá để gỡ vướng về thể chế, tạo động lực mới để TP tổ chức bộ máy, tập trung triển khai các dự án hạ tầng, chương trình chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm môi trường, thu hút nhà đầu tư chiến lược, quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… thì sức hấp thụ vốn của TP.HCM sẽ tăng lên. Động lực phát triển mới cho TP chắc chắn được tạo lập.

Theo chương trình, dự thảo Nghị quyết sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều 30/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường vào chiều 8/6 và sẽ xem xét, biểu quyết thông qua vào ngày 24/6. Với những chính sách mới, mang tính đột phá, Nghị quyết này nếu được các đại biểu đồng thuận và bấm nút thông qua sẽ tạo cú huých lớn cho thành phố phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

N.Nguyệt

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/thi-diem-co-che-dac-thu-phat-trien-tphcm-khoi-thong-nguon-luc-c8a53915.html