Thí điểm đào tạo nhiều ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn, Du lịch: Trường ĐH nói gì?
Một số ngành được thí điểm đào tạo là cơ hội cho các trường đại học, giúp việc giảng dạy của nhà trường được tiếp cận gần hơn với khu vực và thế giới.
Ngày 07/06/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học.
Trong đó, với trình độ đại học, ở lĩnh vực Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân có các ngành mới nằm trong danh mục ngành thí điểm là: Di sản học, Giới và phát triển, Châu Á - Thái Bình Dương học, Châu Mỹ học, Hoa Kỳ học, Du lịch văn hóa…
Các đơn vị đào tạo đã có ngành tiệm cận
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng, Trưởng Phòng Đào tạo, Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Trong giai đoạn hiện tại, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đang có kế hoạch giữ quy mô để tập trung tăng cường chất lượng đào tạo.
Hơn nữa, trường đã có ngành Du lịch, ngành Quản trị dịch vụ và du lịch lữ hành, ngành Bảo tàng học, ngành Quản lý Văn hóa. Các ngành đào tạo thí điểm như Du lịch Văn hóa, Di sản học có nội dung tương thích, gần như giống với ngành hiện có của trường, vì vậy chúng tôi chưa có ý định mở ngành mới”.
Theo thầy Lượng, kiến thức một số ngành trên đã từng được đào tạo như một chuyên ngành hoặc nằm trong các học phần của chương trình đào tạo ngành tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Cụ thể, đối chiếu với khung chương trình của ngành Du lịch, có chuyên ngành Văn hóa Du lịch. Trong đó, sinh viên sẽ được học các học phần như Văn hóa doanh nghiệp, Quản trị sự kiện du lịch, Xây dựng sản phẩm du lịch... Hay như trong nhóm kiến thức ngành của ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành cũng có học phần Văn hóa Du lịch.
Kiến thức về Bảo tàng học, Di sản văn hóa cũng là học phần bắt buộc thuộc khối kiến thức ngành. Hoặc với ngành Quản lý văn hóa, học phần Quản lý di sản là bắt buộc trong khối kiến thức ngành.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ thực tế này tại đơn vị.
Hiện tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo một số ngành tương đồng với ngành đào tạo thí điểm như Quan hệ quốc tế, Xã hội học, Công tác xã hội… Các học phần của những ngành này có nội dung kiến thức của một số ngành thí điểm trong danh mục.
Ví dụ, ở nhóm kiến thức chuyên ngành của ngành Xã hội học, sinh viên được học môn tự chọn là Xã hội học về giới, Xã hội học phát triển. Đối với ngành Quan hệ quốc tế, ở khối kiến thức chuyên ngành, nếu sinh viên chọn chuyên ngành Chính trị ngoại giao sẽ được học môn An ninh Châu Á - Thái Bình Dương, Chính sách đối ngoại Mỹ.
Thầy Hạ cho biết thêm, trong tương lai tùy thuộc vào nhu cầu của người học và nhu cầu lao động của xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu đào tạo một số ngành để đáp ứng. Hơn nữa, nhà trường đã có kinh nghiệm đào tạo những ngành tiệm cận nên đây sẽ là điểm thuận lợi lớn để thực hiện hóa việc giảng dạy ngành mới.
Việc bổ sung ngành học mới là cần thiết
Mặc dù cả Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại đều chưa có ý định đào tạo ngành thí điểm, tuy nhiên, về phía các thầy đều khẳng định mức độ cần thiết của những ngành học trên.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ bày tỏ: “Khi đào tạo ngành thí điểm, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức đầy đủ, đảm bảo được dung lượng kiến thức cơ sở ngành, chuyên ngành tốt hơn so với việc chỉ tiếp cận học phần trong một ngành nào đó.
Ví dụ với ngành Giới và phát triển, trước đây các bạn chỉ học một số môn trong ngành Xã hội học hoặc ngành liên quan như Công tác xã hội. Do đó, các bạn không có điều kiện để tiếp cận sâu hơn với lĩnh vực mà các bạn mong muốn.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội cho phía cơ sở đào tạo, giúp việc giảng dạy của nhà trường được tiếp cận gần hơn với khu vực và thế giới. Đội ngũ giảng viên được trao đổi về học thuật, nghiên cứu… Điều mà nếu chỉ ở trong trong ngành hẹp thì cơ hội không nhiều”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng nói: “Theo tôi, việc mở ngành Di sản học trong bối cảnh hiện nay là phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Ngành Di sản học sẽ rộng hơn so với ngành Bảo tàng học. Bảo tàng học chuyên về vấn đề làm công tác, hoạt động của các bảo tàng gắn với di sản vật thể. Còn thực tế, di sản không chỉ có di sản văn hóa vật thể mà còn bộ phận quan trọng khác là di sản văn hóa phi vật thể.
Với ngành Văn hóa du lịch nếu được đào tạo cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho vấn đề khai thác giá trị văn hóa Việt Nam. Bên cạnh loại hình du lịch về sinh thái, du lịch biển đảo thì du lịch văn hóa cũng là loại hình phù hợp vì Việt Nam là quốc gia giàu bản sắc văn hóa, 54 dân tộc anh em - mỗi dân tộc đều mang những đặc sắc văn hóa riêng để khám phá”.
Khó có thể nói sinh viên học Khoa học Xã hội và Nhân văn đi làm trái ngành
Có một số ý kiến cho rằng, việc mở quá nhiều ngành học là không cần thiết vì có không ít sinh viên ra trường làm việc trái ngành. Thực tế, để được phép mở ngành, đơn vị đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ như phải phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội; phải đáp ứng được yêu cầu về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng khái lược một số ý: “Việc mở ngành phải có nghiên cứu cơ sở khoa học, khảo sát mô hình đào tạo ngành này của các trường đại học trong nước và thế giới, tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Đồng thời cần phải có nghiên cứu nhu cầu của người học, của thị trường lao động. Bên cạnh đó, phía cơ sở đào tạo cũng phải đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình giảng dạy, điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học để mở ngành đào tạo…”
Về vấn đề sinh viên ra trường làm trái ngành, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ nêu quan điểm: “Khó có thể nói sinh viên học các ngành về Khoa học Xã hội và Nhân văn đi làm trái ngành. Vì những ngành đào tạo về Khoa học Xã hội và Nhân văn cung cấp cho người học lượng kiến thức rộng lớn với kiến thức nền tảng về ngành, chuyên ngành cũng như kiến thức mang hướng đa ngành. Bên cạnh đó, tính khai phóng trong giáo dục đóng vai trò quan trọng để sinh viên có cơ hội tiếp cận với nhiều ngành nghề trong các lĩnh vực khác nhau.
Việc được trang bị kiến thức nền tảng là cơ sở để các bạn thích nghi với môi trường làm việc sau khi ra trường và có khả năng thích ứng với sự đổi thay. Hơn nữa, bất cứ ngành học nào cũng đang phát triển rất nhanh bởi vậy kiến thức nền tảng của người học phải tốt mới có thể bắt kịp.
Do đó, sinh viên học các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực nhờ có các kiến thức nền tảng đã được giảng dạy trong nhà trường, biết cách thay đổi và thích ứng để phù hợp với công việc và yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Ví dụ như sinh viên học ngành Quan hệ quốc tế sau khi ra trường không chỉ làm về đối ngoại mà còn có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác, đơn cử như truyền thông. Tôi nghĩ dù được đào tạo như thế nào, đúng ngành hay không đúng ngành thì quan trọng nhất vẫn là kiến thức được trang bị trong quá trình học giúp các bạn thích nghi với xu thế”.