Thí điểm 'Đề án hạnh phúc', nhân viên được làm việc với thời gian linh hoạt

Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới cho hay Sở LĐ-TB&XH TP.HCM triển khai Đề án Hạnh phúc nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, hướng đến môi trường làm việc nhân văn và linh hoạt về giờ giấc.

Ngày 19-2, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khu vực miền Nam tổ chức hội thảo khoa học “Bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ”.

 Quang cảnh buổi hội thảo.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Quý Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tham gia Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ trong thực hiện cam kết thúc đẩy bình đẳng giới.

 Ông Phạm Quý Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.

Ông Phạm Quý Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.

“Việc khuyến khích nữ giới tham gia nhiều hơn vào giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học không chỉ giúp nâng cao năng lực cá nhân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới và sáng tạo của quốc gia” - ông Trọng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề bình đẳng giới trong mỗi đơn vị. Do đó, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã ban hành quyết định về Đề án hạnh phúc thúc đẩy bình đẳng giới, hướng đến thay đổi nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ của sở.

"Đề án hạnh phúc tiếp cận theo ba góc độ chính: bắt đầu từ đâu, tại sao cần thực hiện, nội dung triển khai và phương thức thực hiện. Hiện nay, phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, trong khi nam giới cũng dần đảm nhận nhiều công việc gia đình hơn.

Đồng thời, tốc độ làm việc ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh tinh giản biên chế, khiến áp lực công việc đối với cán bộ, công chức ngày càng lớn. Thực tế cho thấy, hầu hết các phòng chuyên môn của sở làm việc trung bình hơn 10 tiếng mỗi ngày, chưa kể phải giải quyết các tình huống phát sinh ngoài giờ hành chính" - bà Thanh nói.

Theo bà Thanh, nhiều nhiệm vụ có thể được thực hiện từ xa mà vẫn đảm bảo hiệu quả cao. Đặc biệt, trong lĩnh vực lao động - xã hội, nhiều cán bộ phải làm việc theo chế độ 24/7 và suốt 365 ngày/năm, do đặc thù phải phối hợp với các đối tác vào những khung giờ không cố định, kể cả ngày nghỉ lễ.

Lãnh đạo sở cũng nhấn mạnh đến sự thay đổi trong quan điểm của người sử dụng lao động và doanh nghiệp, trong đó chú trọng duy trì nhân sự giỏi, đồng thời tối ưu chi phí và thời gian làm việc.

Kết quả cho thấy, đề án hạnh phúc không chỉ giúp giảm áp lực cho người lao động mà còn góp phần nâng cao hiệu quả công việc.

"Dù chỉ triển khai thí điểm, nhưng chính sách này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Điểm mấu chốt của đề án là thay vì quản lý chặt chẽ thời gian làm việc của cán bộ, sở chuyển sang đánh giá dựa trên kết quả công việc. Những vị trí cần làm việc trực tiếp, như tiếp dân tại bộ phận một cửa, vẫn phải đảm bảo khung giờ cố định. Tuy nhiên, với các công việc mang tính linh hoạt, cán bộ có thể tự chủ động sắp xếp thời gian làm việc mà vẫn đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.

Trong thời gian được điều hành một phòng chuyên môn, tôi nhận thấy rằng việc tập trung vào kết quả thay vì giám sát giờ làm việc đã mang lại những thay đổi đáng kể: hiệu suất tăng cao, tinh thần làm việc vui vẻ hơn và hầu như không có tình trạng trễ hạn công việc.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH đã thống nhất cam kết thực hiện đề án hạnh phúc này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Từ cam kết đó, sở đã tiến hành rà soát thực trạng, nhu cầu của đội ngũ nhân sự để xây dựng kế hoạch triển khai đề án hạnh phúc phù hợp. Theo khảo sát thực hiện với 3.314 cán bộ, cho thấy tỷ lệ người lao động thuộc nhóm yếu thế trong ngành rất cao. Điều này xuất phát từ tính chất đặc thù của ngành - nơi các cán bộ không chỉ thực hiện nhiệm vụ chăm lo cho các nhóm người yếu thế trong xã hội (trẻ mồ côi, người già neo đơn, người tâm thần...), mà bản thân họ cũng đối mặt với nhiều thách thức tương tự.

Mục tiêu mà chính sách hướng đến là đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Để đề án hạnh phúc đạt được điều này, việc xây dựng chính sách phải dựa trên nghiên cứu thực tế, lắng nghe ý kiến từ chính đội ngũ cán bộ, nhân viên.

Dự kiến Đề án hạnh phúc sẽ được Sở LĐ-TB&XH thực hiện thí điểm đến hết năm 2026 và sau đó sẽ có đánh giá tổng hợp, nếu thành công sẽ nhân rộng ra nhiều đơn vị khác.

HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-diem-de-an-hanh-phuc-nhan-vien-duoc-lam-viec-voi-thoi-gian-linh-hoat-post835035.html