Thí điểm gói ngắn hạn Bảo hiểm Xã hội tự nguyện

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ ban hành chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, Bộ LĐTBXH vừa có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện ngắn hạn và linh hoạt nhằm thu hút người lao động đến với chính sách BHXH tự nguyện. Theo đó đã đề xuất bổ sung 3 gói BHXH tự nguyện mới bên cạnh chế độ BHXH tự nguyện hiện hành.

Bổ sung chế độ thai sản

Theo Bộ LĐTBXH, đề xuất về gói này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung thêm quyền lợi về thai sản khi người lao động sinh con. Người lao động khi tham gia sẽ được hưởng chế độ nếu đủ điều kiện đóng BHXH tự nguyện từ đủ 12 tháng trở lên và không được nhận BHXH một lần.

Theo Tờ trình, ưu điểm của gói này là có thể thu hút sự tham gia của nhóm người lao động đang trong độ tuổi sinh đẻ, đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt, gia tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, nhược điểm của gói này chính là khó cân đối về tài chính nên cần đến sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và không đảm bảo sự tham gia lâu dài, bền vững do có thể phát sinh lựa chọn ngược. Đặc biệt khi người lao động chuẩn bị mang thai mới tham gia, sau khi sinh con hưởng chế độ sẽ không tiếp tục tham gia BHXH.

Bổ sung chế độ ốm đau

Căn cứ theo Tờ trình, gói này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung thêm quyền lợi được hưởng khi người lao động gặp rủi ro ốm đau (tối đa 30 ngày trong 1 năm) với điều kiện người lao động đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH một lần.

Về ưu điểm, gói này là có thể thu hút sự tham gia của nhóm người lao động có nhiều nguy cơ gặp rủi ro ốm đau, đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt, gia tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện.Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH cũng chỉ ra nhược điểm của gói chính là cần đến sự hỗ trợ (bù) của ngân sách nhà nước (việc quy định người lao động đóng là không khả thi); mức độ thu hút phụ thuộc rất lớn vào mức trợ cấp được hưởng và mức độ thuận tiện trong thủ tục, hồ sơ giải quyết hưởng chế độ.

Bổ sung chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em

Gói này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung quyền lợi được hưởng khi người lao động tham gia BHXH tự nguyện có con dưới 6 tuổi (được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 350.000 đồng/con cho đến khi con đủ 6 tuổi) với điều kiện người lao động đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH một lần.

Ưu điểm của gói này là có thể thu hút sự tham gia của nhóm người lao động có con dưới 6 tuổi, đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt, gia tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện.

Tuy nhiên theo Bộ LĐTBXH, nhược điểm của gói này chính là cần sự đóng góp thêm của người lao động (1,5% và vẫn cần đến sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước bởi với quy định tỷ lệ đóng 1,5% khó đảm bảo khả năng cân đối do tỷ lệ đóng này được Tổ chức Lao động quốc tế tính toán trên giả định tham gia của phần lớn những người thuộc đối tượng).

Theo Bộ LĐTBXH, năm 2008 là năm đầu tiên triển khai chính sách BHXH tự nguyện chỉ có 6.100 người đăng ký tham gia. Đến năm 2018, có khoảng 270.000 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 1,8% tổng số người tham gia BHXH. Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm có khoảng 7.400 người tham gia BHXH tự nguyện được giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng; 6.000 người hưởng BHXH một lần; 39 người được giải quyết tuất hằng tháng và 260 người được giải quyết chế độ tuất một lần. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là số đối tượng tham gia còn thấp (hiện mới chiếm khoảng 0,45% so với lực lượng lao động). Chính vì vậy để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện cần bổ sung các chính sách hưởng đồng thời linh hoạt các phương thức đóng - hưởng.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/thi-diem-goi-ngan-han-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-tintuc453041