Thí điểm mô hình 'Công dân học tập'
ĐBP - Phát huy kết quả trong triển khai các mô hình 'Gia đình học tập', 'Dòng họ học tập', 'Cộng đồng học tập', 'Đơn vị học tập', trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua, Hội Khuyến học tỉnh đang thực hiện xây dựng mô hình 'Công dân học tập' giai đoạn 2021 - 2030. Sau 8 tháng triển khai thí điểm (từ tháng 11/2020 - 7/2021), mô hình cho thấy sự chuyển biến tích cực; đa số người dân đã tự giác, tự ý thức trong học tập bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, từ đó góp phần hướng tới xã hội học tập.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Xác định xây dựng mô hình công dân học tập là hạt nhân của phong trào xây dựng xã hội học tập, là nền tảng để xây dựng các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập; ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chọn 3 địa phương gồm: huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ để thí điểm mô hình. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở hội chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể gắn việc xây dựng mô hình công dân học tập với việc thực hiện nhiệm vụ ở các đơn vị thí điểm. Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
Triển khai mô hình “Công dân học tập”, Hội Khuyến học TP. Điện Biên Phủ đã chọn phường Mường Thanh, phường Him Lam và xã Nà Tấu làm điểm với 603 hội viên. Trong số 603 hội viên thuộc 3 cơ sở hội, có đủ đại diện của thành thị, nông thôn, thành phần dân tộc, trình độ, giới tính và độ tuổi khác nhau. Qua 8 tháng thí điểm đã có 599/603 công dân được công nhận “Công dân học tập” (đạt 99,33%). Là đơn vị được chọn thí điểm mô hình, cô giáo Đinh Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Him Lam chia sẻ: Mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường luôn phấn đấu để trở thành công dân học tập. Việc tự học, sử dụng những công cụ tương tác hay xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội... là năng lực mà mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh thực hiện hàng ngày để trở thành công dân học tập kiểu mẫu. Trong vấn đề tự học, trường xác định, kỹ năng đọc, cập nhật thông tin, tri thức là rất quan trọng. Từ những kiến thức được học tập thường xuyên, việc tổ chức xây dựng các mối quan hệ trong gia đình, nhà trường ngày càng được coi trọng; các thành viên ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành những công dân học tập và học tập suốt đời.
Hội Khuyến học huyện Tuần Giáo chọn 3 xã tham gia thí điểm gồm: Thị trấn Tuần Giáo, xã Quài Cang và xã Quài Nưa. Hội Khuyến học huyện thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động cán bộ, đảng viên làm nòng cốt đi đầu trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Khuyến khích công chức, viên chức, người lao động dành thời gian đọc sách báo, cập nhật thông tin, tri thức. Bên cạnh đó, phát huy các năng lực sử dụng ngoại ngữ, tiếng địa phương trong công việc, sản xuất, kinh doanh, trong giao tiếp; tôn trọng, thân thiện, hòa đồng với đồng nghiệp; đoàn kết, gắn bó với bà con khối, bản; có trách nhiệm với gia đình và xã hội; hợp tác, chia sẻ với mọi người trong lao động sản xuất, hoạt động xã hội… Đến nay, trong 370 công dân được chọn, có 98,11% công dân đạt danh hiệu “Công dân học tập”.
Ngoài TP. Điện Biên Phủ và huyện Tuần Giáo, các địa phương, đơn vị được chọn thí điểm mô hình “Công dân học tập” trên địa bàn huyện Điện Biên cũng đã nghiêm túc triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực.
Giai đoạn 2020 - 2021, toàn tỉnh có 1.063 người đăng ký thí điểm thực hiện mô hình; trong đó, 318 công dân là nông dân và người lao động, 30 công dân là người buôn bán tự do, kinh doanh và 715 công dân là cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả đánh giá, 98,96% đạt tiêu chí công dân học tập. Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nhấn mạnh: Mặc dù còn một số tồn tại (thiếu thiết bị hỗ trợ học tập; kỹ năng tiếp cận, sử dụng công nghệ, khai thác thiết bị thông minh của công dân vùng nông thôn còn hạn chế…) nhưng về cơ bản các đối tượng tham gia đã có nhận thức tích cực về mô hình. Công dân đã quan tâm đến việc học tập, chủ động đọc sách, báo tìm kiếm thông tin, học hỏi nâng cao kiến thức kỹ năng cập nhật, khai thác thông tin nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng công việc, cuộc sống... Mô hình cũng góp phần củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng trong việc tổ chức các lớp tập huấn, báo cáo chuyên đề phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước... phục vụ hoạt động sinh kế của người dân địa phương.