Thí điểm mở lại hoạt động lặn biển ngắm san hô tại vịnh Nha Trang

UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho thí điểm loại hình du lịch lặn biển tại 4 khu vực ở vịnh Nha Trang sau 2 năm đóng cửa.

 Du khách lặn tại đảo Hòn Mun hồi 2019 - thời điểm trước quy định cấm lặn biển. Ảnh: @pascalbarriault.

Du khách lặn tại đảo Hòn Mun hồi 2019 - thời điểm trước quy định cấm lặn biển. Ảnh: @pascalbarriault.

Liên quan đến kế hoạch thí điểm lặn biển tại vịnh Nha Trang, chia sẻ với Tri thức - Znews chiều 13/6, ông Đàm Hải Vân, Phó trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang (BQL), cho biết sau khi được UBND tỉnh chấp thuận, đơn vị đang tiếp tục sửa đổi, bổ sung phương án tổ chức lặn biển thể thao giải trí trên vịnh Nha Trang.

"Chúng tôi cần xin thêm ý kiến từ các cơ, quan, ban, ngành liên quan, trong đó có Bộ Quốc phòng", ông Vân nói.

Bốn khu vực thích hợp cho hoạt động lặn biển là phía Bắc đảo Hòn Rùa, phường Vĩnh Hòa; khu vực thả rạn nhân tạo tại phường Vĩnh Hòa; phía Đông Bắc đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên và vùng nước giáp ranh giữa Bãi Tranh và Bãi Sỏi (phía Đông đảo Trí Nguyên).

Rạn san hô ở khu vực đảo Hòn Mun được ghi lại hồi đầu năm. Trưởng Ban quản lý Vịnh Nha Trang cho biết hệ sinh thái tại đảo dần phục hồi sau thời gian dừng hoạt động lặn. Ảnh: BQL.

BQL vịnh Nha Trang đánh giá hệ thống rạn san hô và hệ sinh thái 4 khu vực này khá phong phú, đa dạng. Việc triển khai hoạt động lặn không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy cũng như vận tải du khách đến đảo trong quá trình đưa vào khai thác.

Trước đó, trong cuộc họp với các sở ngành liên quan về phương án thí điểm một số khu vực tổ chức lặn biển thể thao giải trí trên vịnh Nha Trang ngày 12/6, ông Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh BQL vịnh Nha Trang cần lưu ý một số điểm quan trọng:

Nghiên cứu kỹ lưỡng công tác kiểm tra, giám sát
Xây dựng các tiêu chí chọn lựa doanh nghiệp tổ chức lặn biển
Xử nghiêm đơn vị tổ chức hoạt động lặn biển trái phép
Tiếp tục kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang

Vịnh Nha Trang có diện tích gần 250 km2. Đây là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước.

Song, hệ thống rạn san hô tại một số khu vực thuộc vịnh như hòn Mun bị hư hại nặng dẫn đến việc tạm ngừng khai thác hoạt động bơi, lặn biển, tàu và thúng đáy kính từ tháng 6/2022.

 Cận cảnh một chùm san hô bị tẩy trắng ở đảo Hòn Mun do bão số 9 hồi tháng 12/2021. Ảnh: BQL.

Cận cảnh một chùm san hô bị tẩy trắng ở đảo Hòn Mun do bão số 9 hồi tháng 12/2021. Ảnh: BQL.

Trao đổi với Tri thức - Znews về tình hình các rạn san hô ở đảo Hòn Mun trước đó, ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng BQL vịnh Nha Trang, cho biết hệ sinh thái rạn san hô phía Tây Hòn Mun (khu vực bị ảnh hưởng của cơn bão số 9 tháng 12/2021) và Bắc Hòn Mun đang trong quá trình phục hồi. Độ che phủ của san hô dao động từ 30-50%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm do đặc điểm sinh học của các loài san hô cứng tạo rạn chỉ tăng khoảng 1 cm/năm.

Ông Thái thông tin thêm các hoạt động trải nghiệm du lịch tại đảo Hòn Mun vẫn chưa thể mở lại vào năm 2024.

Tường Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thi-diem-mo-lai-hoat-dong-lan-bien-ngam-san-ho-tai-vinh-nha-trang-post1480871.html