Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội
Những vấn đề tồn tại, hạn chế đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm: 'Một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội' nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội...

Ảnh minh họa.
Ngày 1/4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội đồng thẩm định Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Báo cáo tại Hội đồng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh cho biết việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.
Trong điều kiện nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, qua đó góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân nói chung, cho các nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội nói riêng.
Mặc dù đã đạt một số kết quả quan trọng nêu trên nhưng việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa có Quỹ tài chính để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội; thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng còn phức tạp, kéo dài thời gian; dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải thực hiện lần lượt các thủ tục quy hoạch, thiết kế, công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư...
Những vấn đề tồn tại, hạn chế nêu trên đã đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm: “Một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội” nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: CTV.
Theo bà Tống Thị Hạnh, Dự thảo Nghị quyết bao gồm 12 Điều, với một số nội dung cơ bản: thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia; thủ tục giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công và nguồn tài chính công đoàn; Giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân…
Phát biểu tại Hội đồng, ông Bùi Tiến Thành, Phòng Phát triển Đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng đây là Nghị Quyết đặc thù, có thể triển khai được ngay, các quy định rõ ràng.
Góp ý từng điều khoản cụ thể, ông Thành cho rằng tại điều 3, nên thành lập Quỹ phát triển nhà ở của địa phương, nếu không có các quỹ này, rất khó có thể hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội; điều 4 về giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, ông Thành cho rằng nên thống nhất một cơ quan, Sở Xây dựng là đầu mối, không nên giao 2 cơ quan cùng lúc, như thế sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện…
Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước do Chính phủ thành lập.
Nguồn tài chính hình thành Quỹ từ: nguồn ngân sách nhà nước; nguồn thu từ đóng tiền tương đương quỹ đất 20% đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật; nguồn thu từ việc bán, cho thuê nhà ở thuộc tài sản công và nguồn thu hợp pháp khác.
Kết luận phiên họp Hội đồng thẩm định, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ Tư pháp Lê Thị Hoàng Thanh ghi nhận Dự thảo có nhiều giải pháp vượt trội, khả thi, có thể thực hiện được. Đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu góp ý của các đại biểu, nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa Dự thảo Nghị quyết cho phù hợp.
Theo dự thảo, trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã thực hiện quy trình đấu thầu nhưng chưa hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị đã được chấp thuận chủ trương bàn giao lại quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong dự án cho nhà nước để giao tổ chức khác nhưng chưa bàn giao hoặc đã bàn giao cho nhà nước nhưng chưa lựa chọn chủ đầu tư thì căn cứ đề nghị của chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đó trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do nhà đầu tư đề xuất đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng chưa lựa chọn chủ đầu tư thì Ủy ban nhân cấp tỉnh chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư nếu nhà đầu tư có văn bản đề nghị được thực hiện dự án và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do cơ quan nhà nước đề xuất đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng chưa tổ chức lựa chọn chủ đầu tư hoặc chưa lựa chọn được chủ đầu tư thì thực hiện công khai dự án và giao chủ đầu tư theo quy định tại Nghị quyết này.