Thí điểm phân cấp quản lý di tích trên địa bàn tỉnh: Tiếp tục phát huy giá trị di tích
Nhằm đánh giá khả năng quản lý di tích lịch sử - văn hóa (LSVH) cấp quốc gia của các địa phương, từ đó có hướng phân cấp hiệu quả trong thời gian tới, Bình Dương đang thí điểm việc ủy quyền quản lý các di tích LSVH được xếp hạng trên địa bàn tỉnh về cấp huyện. Bước đầu, việc bàn giao di tích cấp quốc gia cho địa phương quản lý tương đối thuận lợi.
Di tích địa đạo Tây Nam Bến Cát (TP.Bến Cát) là địa điểm được chọn tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát huy giá trị của di tích, đặc biệt là giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước
Thí điểm phân cấp
Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), trên địa bàn tỉnh hiện có 66 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia, 53 di tích cấp tỉnh.
Trong thời gian qua, một số di tích cấp quốc gia có diện tích rộng, xa trung tâm, mặc dù được đầu tư cơ sở vật chất khá lớn nhưng số lượng người lao động làm nhiệm vụ bảo vệ, tạp vụ tại các di tích còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu nên việc bảo vệ tài sản, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan tại các di tích chưa tốt. Bên cạnh đó, công tác phối hợp khai thác, phát huy giá trị của các di tích chưa được thường xuyên, kịp thời, hiệu quả chưa cao…
Nhằm khắc phục các hạn chế trên, tỉnh Bình Dương có kế hoạch xây dựng lại Quy chế quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di tích LSVH và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngày 15-4-2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-UBND về việc thực hiện thí điểm việc ủy quyền quản lý các di tích LSVH được xếp hạng trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Quyết định số 1068/QĐ-UBND).
Theo đó, UBND tỉnh ủy quyền cho Sở VHTT&DL tiếp tục quản lý di tích lịch sử quốc gia Nhà tù Phú Lợi (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một). Đối với 12 di tích quốc gia còn lại được ủy quyền cho UBND các huyện, thành phố, nơi có di tích tọa lạc quản lý. Trong đó, TP.Thủ Dầu Một có 4 di tích, gồm: Nhà cổ Trần Văn Hổ, nhà cổ Trần Công Vàng, đình Tân An, chùa Hội Khánh; TP.Thuận An có 1 di tích là đình Phú Long; TP.Dĩ An 2 di tích (gồm đình Dĩ An và núi Châu Thới); TP.Tân Uyên có 1 di tích (khảo cổ cù lao Rùa); TP.Bến Cát có 1 di tích (địa đạo Tây Nam Bến Cát); huyện Bắc Tân Uyên có 2 di tích (khảo cổ dốc Chùa và Chiến khu Đ); huyện Dầu Tiếng 1 di tích (Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh).
Di tích lịch sử quốc gia Nhà tù Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) là địa điểm được các ban ngành, đoàn thể trường học trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều hoạt động về nguồn ý nghĩa
THEO SỐ LIỆU CỦA SỞ VHTT&DL, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HIỆN CÓ 66 DI TÍCH ĐÃ ĐƯỢC XẾP HẠNG, TRONG ĐÓ CÓ 13 D I TÍCH CẤP QUỐC GIA; 53 DI TÍCH CẤP TỈNH.
Phát huy giá trị
Trước đây, việc quản lý di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Quyết định số 74/2007/QĐ-UBND ngày 26-7-2007 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế về quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di tích LSVH và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh giao Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh (nay là Bảo tàng tỉnh) là đơn vị chuyên môn của Sở VHTT&DL trực tiếp quản lý các di tích được xếp hạng cấp quốc gia; giao Phòng Văn hóa, Thông tin - Thể thao cấp huyện trực tiếp quản lý các di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tuy nhiên, khi thực hiện Quyết định số 1068/QĐ-UBND, công tác quản lý di tích cấp quốc gia được giao cho địa phương với hy vọng có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với người dân, từ đó phát huy hơn nữa giá trị di tích.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết thực hiện quyết định trên, Sở VHTT&DL cùng các phòng chuyên môn và Bảo tàng tỉnh đã trực tiếp làm việc với các địa phương và tiến hành các bước ủy quyền bàn giao quản lý các di tích LSVH cấp quốc gia tọa lạc trên địa bàn.
Tính đến ngày 15-7-2024, đã thực hiện bàn giao và ký biên bản bàn giao 9/12 di tích trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Tân Uyên và huyện Dầu Tiếng. Trong khi đó, 3 di tích còn lại là địa đạo Tây Nam Bến Cát (TP.Bến Cát), Chiến khu Đ và khảo cổ Dốc Chùa (huyện Bắc Tân Uyên) còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nên Sở VHTT&DL đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, địa phương để thống nhất một số nội dung liên quan đến công tác bàn giao quản lý tại 3 di tích này.
Cụ thể đối với di tích địa đạo Tây Nam Bến Cát, lãnh đạo TP.Bến Cát, cho biết hiện nay địa phương đang gặp khó khăn về kinh phí do bị cắt giảm, không thể cân đối, nên không bảo đảm cho các hoạt động sau khi tiếp nhận di tích, như: Kinh phí duy tu, sửa chữa các hạng mục (vì hiện nay rất nhiều hạng mục, hệ thống cây xanh đã bị hư hỏng, xuống cấp), kinh phí hoạt động thường xuyên, gồm chi lương, điện, nước, chăm sóc hệ thống cây xanh... Về nhân sự, ngoài 6 chỉ tiêu bảo vệ và phục vụ, chưa có nhân sự đảm trách công tác thuyết minh tại di tích.
Đối với 2 di tích ở huyện Bắc Tân Uyên, lãnh đạo địa phương cho biết di tích khảo cổ Dốc Chùa mới ở giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng, chưa có công trình được đầu tư. Di tích Chiến khu Đ, các hạng mục công trình tu bổ vẫn đang tiến hành nên chưa thể thực hiện thủ tục hoàn công và quyết toán kinh phí; một số hạng mục chưa được đầu tư nên khi giao cho địa phương thì không thể phát huy giá trị của các di tích. Vì thế, huyện Bắc Tân Uyên kiến nghị UBND tỉnh xin chưa tiếp nhận công tác bàn giao di tích cho đến khi tỉnh hoàn thành các hạng mục công trình đầu tư cho các di tích, để khi tiếp nhận địa phương có điều kiện để tiếp tục phát huy hiệu quả các giá trị của di tích.
Từ những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải, để việc bàn giao được thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình pháp lý theo quy định, Sở VHTT&DL kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu cấp thẩm quyền sớm cấp kinh phí bổ sung cho Bảo tàng tỉnh để thực hiện các nội dung đã chi trong thời gian chờ bàn giao di tích về địa phương. Đối với các địa phương đã hoàn thành công tác bàn giao, đề nghị Sở Tài chính cấp bổ sung kinh phí liên quan đến hoạt động của các di tích tại các địa phương (TP.Thủ Dầu Một, Bến Cát và Dầu Tiếng) để tiếp tục thực hiện công việc bảo vệ và phục vụ; đồng thời, tham mưu cấp thẩm quyền bổ sung biên chế sự nghiệp cho các địa phương quản lý nhiều di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia (như TP.Thủ Dầu Một, TP.Bến Cát, huyện Dầu Tiếng và huyện Bắc Tân Uyên) để thực hiện công tác chuyên môn quản lý di tích nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích khi được bàn giao.
Phối hợp thực hiện tốt công tác bàn giao
Sở VHTT&DL đề nghị UBND TP.Bến Cát tiếp tục phối hợp với sở để thống nhất việc bàn giao di tích địa đạo Tây Nam Bến Cát trên tinh thần bàn giao từng hạng mục công trình. Nội dung nào đã đánh giá rõ hiện trạng, đủ hồ sơ pháp lý thì bàn giao trước. Những nội dung nào chưa rõ hiện trạng, chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý thì Sở VHTT&DL có trách nhiệm phối hợp các ngành chức năng để hoàn chỉnh bàn giao sau.
Đối với huyện Bắc Tân Uyên, sở cũng đề nghị UBND huyện tiếp tục phối hợp với sở trong việc quản lý đất đai di tích, bảo đảm mốc ranh, không để di tích bị lấn chiếm.