Thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa: Cần đảm bảo lành mạnh, hiệu quả

Ngày 27/3/2025, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã tổ chức hội thảo 'Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung', thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia chia sẻ về việc thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung.

Các chuyên gia chia sẻ về việc thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng cần quy định chặt chẽ, giới hạn khi thí điểm mô hình tài chính mới này tại Việt Nam. Theo Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) Phạm Đức Trung, thị trường tài sản mã hóa vẫn hoạt động trong "vùng xám" do thiếu các quy định pháp lý cụ thể.

Ở góc độ nhà đầu tư và doanh nghiệp, các vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất là thuế, bảo vệ người dùng, cấp phép sàn giao dịch và tuân thủ pháp lý.

Trong khi theo Thượng tá Dương Đức Hùng, Phó trưởng phòng Phòng chống khủng bố, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an, dù Việt Nam chưa ghi nhận các vụ việc cụ thể về tài trợ khủng bố thông qua tiền mã hóa với quy mô lớn, nhưng nguy cơ này là hoàn toàn hiện hữu.

Theo ông Hùng, để quản lý các sàn giao dịch tài sản mã hóa, bên cạnh việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng và toàn diện còn cần sự phối hợp liên ngành, ứng dụng công cụ quản lý tiên tiến và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép.

“Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, cần tăng cường điều tra và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép, với mức phạt hành chính cao và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phát hiện liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc rửa tiền. Đồng thời, công khai danh sách các sàn không phép trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo người dân, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ internet để chặn truy cập vào những nền tảng này”, ông Hùng nói.

Từ phía ngành Ngân hàng, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục Trưởng Cục Phòng chống rửa tiền - NHNN Việt Nam cho rằng, việc xây dựng khung pháp lý quản lý các sàn giao dịch đặt ra yêu cầu phức tạp về việc quản trị rủi ro do tính chất ẩn danh, xuyên biên giới, phi tập trung của tài sản mã hóa. Tuy nhiên, thực tế trên thế giới cho thấy chi phí phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố cũng là một chi phí lớn đối với các đơn vị vận hành các sàn giao dịch.

“Vì vậy, NHNN đã tham mưu, đề xuất quy định các sàn giao dịch phải thực thi nhiều yêu cầu chặt chẽ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố trên cơ sở quy định pháp luật và chuẩn mực quốc tế. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt các nghĩa vụ này”, bà Thơ cho biết.

Chính phủ đang giao Bộ Tài chính xây dựng Nghị quyết về việc triển khai thí điểm thị trường TSMH tại Việt Nam.

Chính phủ đang giao Bộ Tài chính xây dựng Nghị quyết về việc triển khai thí điểm thị trường TSMH tại Việt Nam.

Từ kinh nghiệm quốc tế, Tiến sĩ Wayne Huang, đồng sáng lập, CEO XREX - đơn vị tư vấn dịch vụ theo dõi phòng chống rửa tiền cho Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore khuyến nghị, cơ quan chức năng cần cân nhắc đến sự cân bằng, tránh quy định quá chặt chẽ sẽ khiến các doanh nghiệp khó hoạt động nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và các quy định pháp lý khác.

Ông Wayne bày tỏ, khi được luật định rõ ràng, thị trường tài sản số sẽ được tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ an ninh hệ thống tiên tiến, bao gồm sự giám sát của chính phủ, kiểm toán độc lập, chứng nhận chuyên nghiệp và bảo hiểm để giảm thiểu các rủi ro an ninh mạng.

Tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số một cách lành mạnh, hiệu quả ngay trong tháng 3/2025.

Hà An

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thi-diem-san-giao-dich-tai-san-ma-hoa-can-dam-bao-lanh-manh-hieu-qua-161941.html