VN-Index tăng trở lại, chuyên gia nhận định ra sao?
Mở đầu phiên chiều 'ảm đạm', VN-Index bất ngờ khởi sắc về cuối phiên hôm nay (31/3), đóng cửa tại 1.317,3 điểm, tăng 10,47 điểm.

Ảnh minh họa
Như vậy, thị trường đã lấy lại những gì đã mất trong phiên hôm qua khi giảm hơn 10 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ khi vượt 1.300 điểm trong 2 tháng qua.
Thanh khoản ghi nhận đạt 625 triệu cổ phiếu, tương đương với 15.026 tỷ đồng, 308 mã tăng (8 mã "tăng trần"), 133 mã giảm (1 mã "nằm sàn") và 81 mã đi ngang.
"Rổ VN30" đóng vai trò dẫn dắt thị trường với 13,03 điểm tăng, 22/30 mã tăng giá, 5 mã giảm và 3 mã đi ngang.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt thị trường, nổi bật là cổ phiếu "họ Vin" (Nguồn: SSI iBoard)
Nhóm cổ phiếu "họ Vin" là trụ đỡ chính kéo đà tăng hôm nay với VHM (Vinhomes, HOSE) và VIC (Vingroup, HOSE) đóng góp gần 3,4 điểm, VRE (Vincom Retail, HOSE) đóng góp 0,5 điểm.

Cổ phiếu VIC duy trì đà tăng 8 phiên liên tiếp (Ảnh: SSI iBoard)
Trong đó, nổi bật là cổ phiếu VIC khi duy trì đà tăng 8 phiên liên tiếp. Nhờ đó mà vốn hóa của Vingroup sau phiên hôm nay đã đạt 228.272 tỷ đồng, vượt qua VietinBank, xếp thứ 3 trên bảng xếp hạng vốn hóa thị trường. Vietcombank vẫn đứng đầu với gần 539.000 tỷ đồng, BIDV ở vị trí thứ 2 với hơn 273.000 tỷ đồng.
Các mã khác từ nhóm bất động sản cũng đóng góp tích cực như NLG (Nam Long, HOSE), DIG (DIC Group, HOSE), NVL (Novaland, HOSE),…
Về nhóm ngành, thị trường ghi nhận 11/19 nhóm ngành tăng điểm, đi đầu là ngành tài nguyên cơ bản, tăng 2,79%. Trong đó, nổi bật là nhóm thép khi toàn ngành phủ sắc xanh, thậm chí xuất hiện cổ phiếu "tăng trần" tại SMC.
Nhóm dầu khí tăng 1,94% trong bối cảnh giá dầu hồi phục hơn 8% kể từ đáy giữa tháng 3, lên trên 71 USD/thùng.
Nhóm ngân hàng cũng tăng 0,98% với tâm điểm thuộc về STB (Sacombank, HOSE) tăng 3,66%, TCB (Techcombank, HOSE) tăng 1,64%, MBB (MBBank, HOSE) tăng 2,07%,…
Khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng 11 phiên liên tiếp. Trong phiên hôm nay, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 480 tỷ đồng toàn thị trường. Riêng sàn HOSE là 456 tỷ đồng với SSI (Chứng khoán SSI, HOSE) chịu "áp lực" bán mạnh nhất gần 164 tỷ đồng. Kế tiếp là FRT (FPT Retail, HOSE) và MSN (Masan, HOSE).
Ở chiều ngược lại, VRE là cổ phiếu được gom mạnh tay với hơn 154 tỷ đồng, nối theo sau là VHM (Vinhomes, HOSE) gần 112,7 tỷ đồng,…
Đánh giá về diễn biến thị trường, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch FinPeace, nhận định, dù chứng khiến một đợt tăng giá rất là lớn 2 tháng qua, vượt đỉnh tại mốc 1.300 điểm, điều này đã mang lại sự hưng phấn nhất định cho giới đầu tư, song điều này chưa thực sự được xác nhận.
Bởi, thực tế, chỉ số đang đi vào trạng thái tăng rồi lại giảm sau đợt tăng giá vừa rồi, có thể nói, thị trường "chưa xác nhận" được đợt tăng vừa rồi và đang trong quá trình "lình xình", đi ngang.
Vì vậy, ông Tuấn Anh nhấn mạnh, xu hướng của thị trường chỉ được xác nhận khi chứng kiến một đợt vượt đỉnh ngắn hạn tiếp theo trong tháng 4 này, lúc đó, chúng ta chính thức bước vào một kỳ tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán.
Thời điểm hiện tại đang là lúc thích hợp để các nhà đầu tư dài hạn có thể tăng tỷ trọng đối với những cổ phiếu tiềm năng đang có mức nền giá thấp và hấp dẫn.