Thí điểm tài sản mã hóa: Bước ngoặt trong tư duy chính sách tài chính

Công điện 104/CĐ-TTg của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính trình dự thảo Nghị quyết thí điểm thị trường tài sản mã hóa trước ngày 15/7/2025, đánh dấu một bước ngoặt trong tư duy chính sách tài chính.

Tài sản mã hóa (crypto-assets), bao gồm tiền mã hóa (cryptocurrencies), tài sản số dưới dạng token (tokenized assets) và các sản phẩm blockchain hóa khác, đã và đang làm thay đổi cách thức vận hành của thị trường tài chính, thương mại và công nghệ. Giá trị vốn hóa toàn cầu của thị trường này có thời điểm vượt 2.500 tỷ USD, thu hút hàng trăm triệu nhà đầu tư và hàng chục ngàn dự án sáng tạo trên thế giới.

Tuy nhiên, thị trường tài sản mã hóa cũng tiềm ẩn rủi ro lớn: đầu cơ, thao túng giá, lừa đảo tài chính, rửa tiền, tài trợ khủng bố… Đặc biệt là trong môi trường pháp lý mờ nhạt hoặc không rõ ràng, rủi ro này càng gia tăng. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã chọn cách hoặc siết chặt (Trung Quốc), hoặc dỡ rào (El Salvador, UAE), hoặc thí điểm từng phần có kiểm soát (Singapore, Nhật Bản, EU, Mỹ).

 Việc giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý cũng cho thấy Chính phủ đang tiếp cận vấn đề này như một phần của cải cách thể chế tài chính, chứ không đơn thuần là quản lý công nghệ. Ảnh minh họa.

Việc giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý cũng cho thấy Chính phủ đang tiếp cận vấn đề này như một phần của cải cách thể chế tài chính, chứ không đơn thuần là quản lý công nghệ. Ảnh minh họa.

Ở nước ta, dù Chính phủ chưa công nhận tiền mã hóa là phương tiện thanh toán hợp pháp, nhưng thực tế giao dịch tài sản mã hóa vẫn âm thầm diễn ra với quy mô ước tính hàng tỷ USD mỗi năm. Một số startup Việt như Kyber Network, TomoChain, Coin98 đã vươn ra toàn cầu, cho thấy tiềm lực đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này là rất lớn.

Vì vậy, câu hỏi không còn là “có nên phát triển thị trường tài sản mã hóa không”, mà là “phát triển như thế nào để vừa tận dụng được cơ hội, vừa kiểm soát rủi ro”.

Ngày 6/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện 104/CĐ-TTg, yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết thí điểm khung pháp lý cho thị trường tài sản mã hóa trước ngày 15/7. Đây là tín hiệu rất rõ ràng về sự chuyển mình của chính sách: không còn “né tránh” lĩnh vực tài sản số, mà chuyển sang tiếp cận chủ động, có kiểm soát và thí điểm từng bước.

Việc giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý cũng cho thấy Chính phủ đang tiếp cận vấn đề này như một phần của cải cách thể chế tài chính chứ không đơn thuần là quản lý công nghệ.

Điều này có ba ý nghĩa: (1) Định vị tài sản mã hóa như một cấu phần hợp pháp trong hệ sinh thái tài chính số. Cách tiếp cận mới này cho phép đưa tài sản mã hóa vào phạm vi điều chỉnh của các luật tài chính hiện hành như Luật Chứng khoán, Luật Ngân hàng, Luật Thuế… (2) Chủ động khung thử nghiệm (sandbox), thay vì chạy theo thị trường. Đây là bước đi có tính học hỏi từ mô hình của Singapore, Nhật Bản, Dubai hay Hàn Quốc – những quốc gia đã thí điểm sandbox để kiểm chứng hiệu quả chính sách trước khi nhân rộng.

(3) Tạo niềm tin chính sách cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, nhất quán sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) mạnh dạn đầu tư, thu hút vốn quốc tế và phát triển các sản phẩm blockchain sáng tạo mà không sợ bị coi là “vượt rào”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Để có một chính sách hiệu quả, chúng ta cần giải quyết một loạt vấn đề pháp lý cốt lõi:

Một là, định danh và phân loại tài sản mã hóa: Hiện nay, Việt Nam chưa có định nghĩa pháp lý chính thức nào về “tài sản mã hóa”, càng chưa phân loại rõ chúng thành tiền mã hóa, token tiện ích, token chứng khoán, NFT... Trong khi đó, mỗi loại tài sản có đặc điểm và rủi ro pháp lý khác nhau. Việc xác định tính chất pháp lý của từng nhóm tài sản sẽ là bước nền tảng để áp dụng các luật tương ứng.

Hai là, cơ chế cấp phép và giám sát hoạt động giao dịch: Ai được phép phát hành tài sản mã hóa? Sàn giao dịch phải đăng ký như thế nào? Cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát? Đây là loạt câu hỏi cần được quy định rõ, nhất là trong bối cảnh các sàn phi tập trung (DEX) và tài chính phi tập trung (DeFi) ngày càng phát triển.

Ba là, quy định về chống rửa tiền, thuế và bảo vệ nhà đầu tư: Tài sản mã hóa có thể dễ bị lợi dụng để trốn thuế hoặc rửa tiền. Vì vậy, Chính phủ cần sớm ban hành nghĩa vụ kê khai, xác minh danh tính (KYC), và cơ chế đánh thuế phù hợp. Đồng thời, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, như cảnh báo rủi ro, giới hạn quảng cáo, cũng cần được lồng ghép trong dự thảo.

Bốn là, mối quan hệ với pháp luật hiện hành: Dự thảo cần xác định rõ ranh giới giữa tài sản mã hóa và tài sản tài chính truyền thống (cổ phiếu, trái phiếu...), cũng như làm rõ việc áp dụng Luật Dân sự, Luật Chứng khoán, Luật Giao dịch điện tử với các giao dịch blockchain.

Để tránh rơi vào “thí điểm nửa vời”, chúng ta có thể học hỏi một số mô hình quản trị tài sản mã hóa hiệu quả trên thế giới:

Singapore sử dụng cơ chế “regulatory sandbox” do Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) điều hành, cho phép doanh nghiệp fintech thí điểm sản phẩm blockchain trong khung giới hạn, có thời hạn, có giám sát, từ đó rút kinh nghiệm chính sách.

EU ban hành khung pháp lý MiCA (Markets in Crypto-Assets), áp dụng từ 2024, phân loại rõ tài sản mã hóa, yêu cầu cấp phép, minh bạch thông tin và bảo vệ nhà đầu tư.

Nhật Bản yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa đăng ký với Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA), đồng thời tách biệt tài sản khách hàng và tài sản sàn, tăng tính an toàn.

Việt Nam nên tham chiếu các mô hình này để thiết kế khung thí điểm không chỉ “có pháp lý” mà còn “có hiệu lực thi hành”, một thách thức thường gặp trong cải cách thể chế tại các lĩnh vực mới.

Một nguyên tắc cần nhấn mạnh là: khung pháp lý thí điểm phải dựa trên các tiêu chuẩn pháp lý tối thiểu về minh bạch, giám sát và trách nhiệm giải trình. Không thể để thị trường tự phát, rồi sau đó mới quay lại ban hành luật.

Cần có thời hạn rõ ràng cho giai đoạn thí điểm (ví dụ 24-36 tháng), có tiêu chí đánh giá kết quả và có cơ chế điều chỉnh chính sách theo thực tiễn. Khung pháp lý phải vừa đủ linh hoạt để thích ứng với đổi mới công nghệ, vừa đủ chắc chắn để bảo vệ lợi ích công và sự ổn định hệ thống tài chính.

Công điện 104/CĐ-TTg không chỉ là một yêu cầu hành chính, mà là lời tuyên bố chính thức rằng Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên tài sản số có kiểm soát. Nó phá vỡ tư duy quản lý cũ vốn e ngại công nghệ mới, chuyển sang tư duy đồng hành và kiến tạo thể chế.

Thí điểm tài sản mã hóa chính là phép thử đầu tiên cho năng lực cải cách chính sách tài chính trong thời đại số. Thành công hay không, không nằm ở nghệ tốt đến đâu, mà ở khung pháp lý có đủ linh hoạt, công bằng và nhất quán để thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách an toàn và bền vững.

Lê Thọ Bình

Lê Thọ Bình

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/thi-diem-tai-san-ma-hoa-buoc-ngoat-trong-tu-duy-chinh-sach-tai-chinh-post187387.html