Vượt chỉ tiêu lợi nhuận 2024, VIMC đặt mục tiêu doanh thu hơn 20.700 tỷ đồng năm 2025
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức hôm nay (9/7) đã thông qua mục tiêu doanh thu hơn 20.700 tỷ đồng trong năm 2025.

Đại hội cổ đông thường niên của VIMC. Ảnh: Bnews/Vnanet.vn phát
Cụ thể, riêng công ty mẹ VIMC đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2025 đạt 3.849 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 409 tỷ đồng.
Mục tiêu sản xuất kinh doanh hợp nhất VIMC có doanh thu đạt 20.793 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế toàn tổng công ty đạt 3.076 tỷ đồng.
Giai đoạn 2025-2030, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam ưu tiên đầu tư hạ tầng cảng biển, logistics và phát triển đội tàu.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của VIMC tại đại hội. Ảnh: Bnews/Vnanet.vn phát
"VIMC sẽ tranh thủ và tận dụng tối đa các nguồn lực để đầu tư, mục tiêu đột phá hạ tầng cảng biển nước sâu và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tại các ICD, cảng thủy nội địa, phát triển đội tàu, đặc biệt là đội tàu container để mở rộng mạng lưới hoạt động trong thị trường nội Á, tăng trưởng thị phần vận tải nội địa", Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh chia sẻ thêm.
Trước đó, nhờ các giải pháp hiệu quả trong quản trị, điều hành, năm 2024, VIMC vẫn vượt chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận so với kế hoạch đề ra.
Sản lượng hàng hóa của công ty mẹ đạt gần 4 triệu tấn. Tổng doanh thu đạt 3.157 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.353 tỷ đồng.
Khối cảng biển tăng trưởng tốt với 145 triệu tấn hàng hóa thông qua, mang lại doanh thu 7.753 tỷ đồng, thu hút thêm được 10 tuyến dịch vụ container mới.
Khối vận tải biển cũng đạt kết quả khả quan với sản lượng vận tải hơn 19 triệu tấn, tăng 22% so với kế hoạch. Doanh thu đạt hơn 9.700 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với kế hoạch.
Khối dịch vụ hàng hải dù gặp nhiều khó khăn do hoạt động kinh doanh truyền thống của các đơn vị bị suy giảm, hệ thống kho bãi, đội xe vận tải, hệ thống logistics còn hạn chế nhiều mặt về năng lực nhưng vẫn cơ bản đảm bảo doanh thu.
Nhìn lại tình hình vận tải năm 2024, đại diện VIMC đánh giá, tình hình thế giới có diễn biến phức tạp, khó lường với cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột leo thang ở nhiều khu vực, giá xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải biến động mạnh.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của VIMC tại đại hội.
Thị trường vận tải hàng rời diễn biến không ổn định. Chỉ số BDI (Chỉ số đo lường chi phí vận chuyển hàng hóa rời khô) trên biển suy giảm mạnh từ cuối năm 2023, từ mức 3.400 điểm xuống chỉ còn khoảng 1.300 điểm vào tháng 1/2024. Tuy nhiên, từ giữa tháng 11, chỉ số BDI giảm sâu xuống mức 1.150 điểm.
Trong khi đó, thị trường vận tải container diễn biến tích cực trong nửa đầu năm, giá cước vận tải tăng so với cùng kỳ năm trước do xung đột tại Biển Đỏ tiếp tục diễn biến phức tạp, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng chính thế giới, nhu cầu tiêu dùng phục hồi tại thị trường Mỹ và châu Âu.
Dù vậy, giá cước trung bình đã giảm liên tiếp từ giữa tháng 7 do các hãng tàu dần thích ứng với việc định tuyến lại, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng chính thế giới được cải thiện, nhu cầu, số lượng tàu đóng mới bàn giao tiếp tục ở mức cao.
Hệ thống cảng biển của VIMC cũng chịu cạnh tranh lớn khi các cảng biển tư nhân liên tục ra đời, linh hoạt trong chính sách giá, có lợi thế trong công tác phát triển thị trường, tiếp thị khách hàng.