Thí điểm vùng nguyên liệu đạt chuẩn để thay đổi tư duy của người trồng rừng

Quảng Trị là địa phương tiên phong về trồng rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của quốc tế. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, đến nay, tỉ lệ diện tích rừng có chứng chỉ quản lý bền vững ở Quảng Trị vẫn chưa tương xứng tiềm năng, chủ rừng là hộ gia đình, hợp tác xã (HTX) ít tham gia. Vì thế, việc thay đổi tư duy sản xuất của người trồng rừng cần được quan tâm hơn, nhất là trong giai đoạn thị trường gỗ biến động dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm như hiện nay.

Năm 2010, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho mô hình nhóm hộ gia đình với diện tích 317 ha, 118 hộ tham gia. Lợi ích, hiệu quả của rừng gỗ lớn đã được ngành chức năng minh chứng bằng những số liệu cụ thể. Tỉnh cũng có nhiều chính sách ưu tiên phát triển trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, sau 14 năm triển khai, toàn tỉnh hiện có 26.135,65 ha rừng (có 2.144,85 ha rừng tự nhiên) được cấp chứng nhận FSC và VSCF, chiếm gần 11% diện tích đất có rừng. Trong số diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ thì diện tích rừng của 3 công ty lâm nghiệp 16.363 ha; diện tích của HTX và hộ gia đình 7.221 ha.

Việc mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, rừng được cấp chứng chỉ gặp khó khăn do người dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, giá trị và tầm quan trọng của mô hình. Nguyên nhân do chu kỳ khai thác rừng gỗ lớn dài (ít nhất 8 - 10 năm), trong khi thời tiết Quảng Trị thường chịu ảnh hưởng của thiên tai nên nhiều người sợ rủi ro.

Diện tích rừng trồng của người dân, HTX hầu hết manh mún, nhỏ lẻ ảnh hưởng đến việc tiếp cận với các chương trình, chính sách phát triển lâm nghiệp. Cùng với đó, đời sống của người dân còn khó khăn nên hầu hết đều muốn trồng rừng gỗ nhỏ, sớm thu hoạch để có thu nhập. Cũng vì mục đích trồng gỗ nhỏ, bán gỗ dăm nên người dân thường mua giống trôi nổi, trồng rừng mật độ dày... nên thực hiện các mô hình chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn cũng gặp nhiều trở ngại.

Năm 2022, tỉnh Quảng Trị được Bộ Nông nghiệp và PTNT lựa chọn thực hiện Đề án thí điểm vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 (Quyết định 1088/QĐ-BNN-KTHT, ngày 25/3/2022).

Theo đó, Quảng Trị cùng với tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong vùng gỗ rừng trồng ở duyên hải miền Trung với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu quy mô 22.900 ha đạt các chứng chỉ quản lý rừng quốc tế. Nắm bắt cơ hội này, ngành nông nghiệp tỉnh đang tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ đề án để thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt chuẩn, tạo động lực thu hút người dân tham gia.

Trong giai đoạn 1 (2022 - 2023) của đề án, tỉnh được hỗ trợ thực hiện 4 dự án thành phần gồm: Đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu; Tổ chức sản xuất và quản trị vùng nguyên liệu; Phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông; Phát triển liên kết chuỗi giá trị. Từ nguồn lực này, tỉnh đã hoàn thiện 5 tuyến đường lâm sinh, góp phần giải quyết khó khăn trong vấn đề vận chuyển, giao thông đi lại cho người dân một số HTX có diện tích rừng trồng.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh được giao triển khai 1 dự án vườn ươm cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng vùng nguyên liệu cho 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Xây dựng 16 ha rừng thâm canh gỗ lớn cây keo lai mô tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ và xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh; chuyển hóa rừng keo lai từ gỗ nhỏ sang thâm canh gỗ lớn với quy mô 19 ha tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong và xã Hải Phú, huyện Hải Lăng.

Bước đầu hình thành được một số chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC giữa HTX, người dân với một số doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hướng dẫn các địa phương thành lập điểm 2 tổ khuyến nông cộng đồng, sau đó mở rộng thêm 8 tổ ở các xã thuộc vùng đề án, nâng tổng số tổ khuyến nông cộng đồng toàn tỉnh lên 111 tổ với 869 thành viên.

Dù đạt được một số kết quả quan trọng nhưng tồn tại, hạn chế lớn nhất sau 2 năm triển khai thực hiện đề án thí điểm của bộ trên địa bàn vẫn là công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn chưa hiệu quả.

Có thể thấy, trong 4 dự án thành phần của đề án thí điểm mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đang thực hiện có 3 dự án “mềm”, mà đối tượng hưởng lợi trực tiếp là doanh nghiệp, HTX, tổ khuyến nông cộng đồng và người dân trong vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng. Trong đó, đề án chú trọng việc nâng cao năng lực của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở ở cộng đồng, được xem là động lực kết nối vùng nguyên liệu.

Vì thế, đội ngũ khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở cần tranh thủ nguồn lực, kiến thức mà dự án trang bị để chuyển tải sâu rộng về lợi ích, hiệu quả của trồng rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững cũng như mục đích, ý nghĩa của đề án để người dân hiểu, tích cực tham gia.

Nhất là trong giai đoạn 2 (2024 - 2025), bên cạnh việc hỗ trợ hoàn thiện các hạng mục hạ tầng, máy móc, trang thiết bị cho HTX đủ năng lực tham gia các dịch vụ khai thác, tỉa thưa, vận chuyển, sơ chế sản phẩm rừng có chứng chỉ, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ hỗ trợ các tỉnh hoàn thiện các nội dung đề án về khuyến nông và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cho HTX, người dân, phát triển, củng cố nâng cao năng lực cho HTX và thành viên HTX, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nguyên liệu, phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông, thực hiện các chính sách tín dụng, bảo hiểm, liên kết theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng thúc đẩy hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu ở Quảng Trị.

Bên cạnh việc chú trọng hoạt động thông tin tuyên truyền đến người dân về giá trị và lợi ích mang lại từ việc trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ quốc tế, ngành nông nghiệp và đội ngũ khuyến nông cần hướng dẫn cụ thể cho người trồng rừng cách thức, hồ sơ thủ tục tham gia các hội quản lý rừng bền vững; giới thiệu quy trình sản xuất cây giống chất lượng và địa chỉ cung cấp giống uy tín cũng như ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh rừng; kết nối người trồng rừng, HTX với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, tiêu thụ rừng có chứng chỉ quốc tế.

Đặc biệt, việc trồng rừng gỗ lớn chu kỳ kinh doanh dài nên cần nghiên cứu, phát triển các mô hình sinh kế dưới tán rừng theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài” để tạo thu nhập, giúp người trồng rừng yên tâm đầu tư sản xuất.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thi-diem-vung-nguyen-lieu-dat-chuan-de-thay-doi-tu-duy-cua-nguoi-trong-rung-187477.htm