Thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn
Ngày 20/10, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến tham vấn nội dung Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 (viết tắt là Đề án). Đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đề án thực hiện tại 184 xã, 50 huyện của 11 tỉnh với tổng diện tích 158.300 ha. Trong đó, cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La), gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững vùng duyên hải miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk), lúa gạo vùng tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang), cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An). 17 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản; 250 HTX nông nghiệp; 185.000 hộ nông dân tham gia và được hưởng lợi trực tiếp.
Đề án gồm 3 hợp phần: Đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu; tổ chức sản xuất và quản trị vùng nguyên liệu; phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông. Tổng kinh phí thực hiện 1.645,8 tỷ đồng, trong đó, ngân sách T.Ư 526,1 tỷ đồng, ngân sách địa phương 435,9 tỷ đồng, đối ứng HTX, doanh nghiệp 579,9 tỷ đồng; vốn tín dụng 103,8 tỷ đồng.
Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí cao với dự thảo của Đề án. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đề án có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của tỉnh Hòa Bình. Thực hiện Đề án, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, các địa phương, doanh nghiệp, HTX triển khai xây dựng đề cương gửi Bộ NN&PTNT. Đến nay, tỉnh đang cập nhật vùng nguyên liệu cây ăn quả vào quy hoạch của tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các địa phương, đơn vị tham gia xây dựng Đề án cam kết thực hiện giải phóng mặt bằng, bố trí đất để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đã có 5 HTX sẵn sàng tham gia sản xuất dứa, chanh leo, liên kết tiêu thụ với Công ty CP xuất khẩu Đồng Giao. UBND tỉnh cam kết bố trí lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện Đề án. UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT sớm phê duyệt Đề án và bố trí nguồn kinh phí; thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án. Sau khi Đề án được phê duyệt, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch, phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai hiệu quả Đề án trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ sẽ có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện; lồng ghép nội dung liên quan của Đề án vào các chương trình, đề án, kế hoạch, lĩnh vực các đơn vị Bộ phụ trách, bố trí kinh phí triển khai. Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh phối hợp với đơn vị liên quan thuộc Bộ triển khai các nội dung đề án. Giao Sở NN&PTNT các tỉnh tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án; định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh.