Thi đua đổi mới, sáng tạo trong công tác xã hội nhân đạo
ĐỖ THÀNH CÔNGChủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh
LCĐT - Xác định rõ vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ tỉnh chủ động tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tổ chức và tích cực vận động, hướng dẫn các tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động nhân đạo đạt nhiều kết quả. Hội thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội trực thuộc thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của tỉnh về công tác hội và phong trào chữ thập đỏ.
Để phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, các cấp hội đã đổi mới, sáng tạo phương pháp và cách làm trong việc triển khai công tác hội, phong trào chữ thập đỏ và trong các chương trình hoạt động nhân đạo, từ thiện. Điển hình trong công tác xã hội nhân đạo như phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới”... và triển khai hiệu quả các mô hình như “Ngân hàng bò”, “Hỗ trợ làm nhà chữ thập đỏ”, “Cộng đồng an toàn trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai”... đã trợ giúp, hỗ trợ và tặng quà 366.457 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ mồ côi và những hộ bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh với tổng giá trị hơn 157 tỷ đồng.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo tại các xã vùng sâu, vùng cao, các xã biên giới cũng được tổ chức thường xuyên và đạt hiệu quả thiết thực. Các cấp hội chữ thập đỏ đã phối hợp với ngành y tế, Ban Quân dân y Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội Thầy thuốc trẻ, lực lượng bộ đội biên phòng tổ chức các đợt khám và cấp thuốc miễn phí, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho hàng nghìn lượt người; xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tại các bệnh viện như “Bếp ăn tình thương”, “Tô cháo yêu thương” để cấp các bữa ăn dinh dưỡng miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn với hơn 16.000 lượt người hưởng lợi, tổng giá trị các hoạt động chăm sóc sức khỏe gần 16 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian qua, hội chữ thập đỏ các cấp đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo. Các mô hình “Câu lạc bộ hiến máu dự bị”, “Câu lạc bộ máu hiếm”, “Ngân hàng máu sống” trên địa bàn tỉnh được thành lập và phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tình nguyện viên của các câu lạc bộ đều được hội chữ thập đỏ tập huấn kỹ năng và trở thành lực lượng xung kích trong phong trào tình nguyện hiến máu cứu người, sẵn sàng tham gia các hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao. Việc tổ chức “Ngày hội hiến máu nhân đạo” tại các huyện, thành phố, thị xã ngày càng chuyên nghiệp, thu hút cán bộ, công chức và người dân tham gia hiến máu. Đặc biệt, do làm tốt công tác tuyên truyền nên hoạt động này cũng được tổ chức tốt ngay cả trong thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả, trong giai đoạn 2016 - 2020 đã vận động hiến được 19.188 đơn vị máu, đây là “nguồn lực” rất quý, có giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng nhân ái và gửi đi thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” rộng khắp trong cộng đồng. Công tác vận động hiến mô, hiến xác, hiến bộ phận cơ thể người mặc dù mới được triển khai và vận động song bước đầu đã có hàng trăm người đăng ký hiến tặng.
Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh được các cấp hội tiến hành kịp thời. Hằng năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó thảm họa, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó; tuyên truyền, huấn luyện kỹ năng ứng phó thảm họa cho đội tình nguyện viên và người dân. Đã cứu trợ, trợ giúp kịp thời 31.027 gia đình bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã trực tiếp triển khai xây dựng 10 mô hình điểm về cộng đồng an toàn tại các khu vực trọng điểm thiên tai trên địa bàn tỉnh, vận động nguồn lực hỗ trợ cộng đồng xây dựng mới 13 cầu dân sinh qua suối và 6 km đường bê tông liên thôn, 40 km đường điện thắp sáng nông thôn và nhiều công trình nước sạch, lò đốt rác, nhà tiêu hợp vệ sinh, bồn chứa nước sạch sinh hoạt... trị giá hơn 12 tỷ đồng.
Về hợp tác quốc tế trong công tác nhân đạo, theo Biên bản hợp tác đã ký kết giữa Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chủ động tham mưu và tổ chức các hoạt động hợp tác với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vân Nam. Hai bên đã ký “Biên bản đẩy mạnh giao lưu hợp tác giữa Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai - Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vân Nam - Trung Quốc” với các nội dung thể hiện rõ nguyên tắc, mục tiêu hợp tác theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng và Điều lệ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Trong biên bản, hai bên cũng cam kết thực hiện nhiều nội dung hợp tác thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế và luật pháp mỗi nước. Thực hiện biên bản đã ký, định kỳ, luân phiên hằng năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai và Vân Nam đã duy trì tốt chế độ trao đổi đoàn để hội đàm triển khai các nhiệm vụ hợp tác. Hai bên cũng phối hợp triển khai chương trình lắp chân giả cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố Lào Cai đạt hiệu quả.
Với 335 hội cơ sở gồm 135 cán bộ chuyên trách và 128 cán bộ kiêm nhiệm cùng đội ngũ hội viên, tình nguyện viên, thanh niên chữ thập đỏ xung kích, trong 5 năm qua, các cấp hội chữ thập đỏ đã được kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng cả về tổ chức và đội ngũ; công tác hội và phong trào chữ thập đỏ thường xuyên được đổi mới, đã xây dựng được 107 tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, là những hạt nhân rất cần được quan tâm bồi dưỡng và nhân rộng trong thời gian tới.
Với những việc làm ý nghĩa cho cộng đồng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác xã hội nhân đạo, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Trong thời gian tới, các cấp hội chữ thập đỏ tỉnh sẽ phát huy những thành tích đạt được, tiếp tục tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động nhân đạo trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh trong tình hình mới.