Thi đua khen thưởng tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tích cực đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, qua đó tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần quan trọng vào việc phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh cho các tập thể có nhiều thành tích trong phong trào thi đua thực hiện nghĩa vụ thuế năm 2023 - Ảnh: H.T

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh cho các tập thể có nhiều thành tích trong phong trào thi đua thực hiện nghĩa vụ thuế năm 2023 - Ảnh: H.T

Trong những năm qua, các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức phát động và triển khai một cách phong phú, sôi nổi, thiết thực, rộng khắp, hướng vào việc thực hiện các nhiệm vụ khó, trọng tâm, cấp bách, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Điển hình như các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới ”; “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, phong trào xóa nhà tạm nhà dột nát...

Việc chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về phong trào thi đua cũng được thực hiện thường xuyên nhằm đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh giới thiệu, phổ biến những nội dung của Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị, các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành của trung ương, của tỉnh; các cơ quan thông tin đại chúng đã xây dựng nhiều chuyên mục giới thiệu những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Mặt khác, cơ quan tham mưu công tác thi đua, khen thưởng đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá tổng kết, bình xét khen thưởng, đảm bảo đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn và quy trình thủ tục. Công tác xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến được các ngành, các cấp quan tâm triển khai; trên cơ sở đó tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Các nhân tố mới, mô hình mới, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt được phổ biến, tuyên truyền, nêu gương rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, có tác dụng tích cực trong việc nhân rộng điển hình tiên tiến. Đặc biệt, đã quan tâm nhiều hơn đến những người lao động trực tiếp, chú trọng đến các tập thể, cá nhân đạt được thành tích trong điều kiện khó khăn, thách thức và tập thể, cá nhân có thành tích ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Việc quyết tâm thực hiện các phong trào thi đua đã góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh; đồng thời, thúc đẩy cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công và dịch vụ công, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 5,02% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách ước đạt hơn 2.200 tỉ đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu ước tăng 27%; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước tăng 3,95%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 12,3%; tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 62% kế hoạch năm; năng suất lúa đạt 61,6 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay.

Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ: Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch. Khen thưởng chính xác, kịp thời có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương, đồng thời cổ vũ thi đua phát triển lên tầm cao mới một cách thực chất.

Ngược lại, khen thưởng không đúng, nặng hình thức, rơi vào “bình quân chủ nghĩa”, hoặc cơ cấu một cách bất hợp lý sẽ triệt tiêu động lực thi đua. Do đó, để khen thưởng đúng người, đúng việc, tạo động lực cho tổ chức, cá nhân dấn thân, cống hiến vì lợi ích chung là “bài toán” đặt ra với các cấp ủy, tổ chức, đoàn thể.

Giải quyết “bài toán” ấy, vấn đề cốt yếu là việc đánh giá, bình chọn danh hiệu thi đua và xét khen thưởng phải thực tâm vì việc chung, dựa vào tiêu chuẩn cụ thể, tôn trọng nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Để làm được điều này, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 34 CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng.

Trong đó, cần thực hiện khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch để khích lệ, động viên các tập thể cá nhân tiêu biểu. Đồng thời đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chỉ đạo, triển khai, tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng, nhất là trong việc phát hiện điển hình, nhân tố mới để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2024 là năm đầu tiên áp dụng Luật Thi đua, khen thưởng mới và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, vì vậy cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi đua, khen thưởng sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân đặc biệt ở cấp cơ sở. Thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thi đua, khen thưởng, gắn với trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và yêu cầu cụ thể trong từng giai đoạn.

Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp về công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn mới như: hoàn thiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về công tác thi đua, khen thưởng; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, đồng thời phổ biến giáo dục pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm trong công tác thi đua, khen thưởng...

Bên cạnh đó, cần kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng thi đua khen thưởng các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức các phong trào thi đua nhằm đảm bảo khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng thành tích. Đồng thời cần cụ thể hóa, lượng hóa các tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua, tránh hô hào chung chung, cảm tính, xa rời thực tiễn; duy trì chặt chẽ, nền nếp hoạt động chấm thi đua, bình xét thi đua hằng tuần, hằng tháng và từng năm.

Có như vậy, việc thi đua, khen thưởng mới thực chất và hiệu quả, công tác khen thưởng mới tạo động lực mới cho phong trào thi đua, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.

Trần Thắng Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thi-dua-khen-thuong-tao-dong-luc-thuc-day-kinh-te-xa-hoi-phat-trien-186962.htm