Thi đua là động lực phát triển

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước luôn chứa đựng giá trị khoa học, nhân văn sâu sắc. Người luôn coi thi đua là biện pháp căn bản để tổ chức thắng lợi đường lối cách mạng, lấy thi đua là động lực phát triển.

Thúc đẩy phong trào cách mạng

Năm 1948, chính quyền cách mạng còn non trẻ, đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức của những năm tháng đầu kháng chiến nên yêu cầu về thi đua ái quốc bức thiết hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó Người chỉ rõ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Huyện Bảo Thắng đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (tháng 2/2022).

Huyện Bảo Thắng đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (tháng 2/2022).

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc xuất phát từ lợi ích của Nhân dân, quốc gia, dân tộc nên Lời kêu gọi của Người đã được các tầng lớp Nhân dân nhiệt thành hưởng ứng. Thực tế là ngay sau Lời kêu gọi thi đua ái quốc được phát đi, đã có nhiều phong trào thi đua sôi nổi lan rộng khắp cả nước, như “Tăng gia sản xuất và tiết kiệm”, “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”… Những phong trào đó đã giúp cách mạng vượt qua khó khăn, nạn đói, “giặc dốt” dần được đẩy lùi, nguồn lực vật chất phục vụ kháng chiến được tăng cường.

Trong những năm cả nước kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhiều phong trào thi đua tiếp tục gây tiếng vang lớn, trực tiếp làm nên thắng lợi cách mạng vẻ vang. Điển hình như các phong trào thi đua thực hiện “Hũ gạo kháng chiến”, “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba nhất”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... Hòa bình lập lại, non sông thống nhất, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và nhiều phong trào lớn tiếp tục được triển khai như “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thanh niên lập nghiệp”, phong trào “Ðền ơn, đáp nghĩa”, gần đây là các phong trào như “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”…

Sôi nổi các phong trào

Trong 74 năm qua kể từ khi Bác ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai luôn thực hiện “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” làm kim chỉ nam, động lực, hình thành quyết tâm cho mọi phong trào cách mạng.

Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Lào Cai đã nhất tề vùng lên làm cách mạng, đấu tranh vũ trang giải phóng Lào Cai vào ngày 1/11/1950. Sau ngày giải phóng, tỉnh Lào Cai đã thực hiện nhiều phong trào thi đua như “Hoàn thành sửa chữa đường sắt Yên Bái - Lào Cai trước thời hạn”, phong trào “Bình dân học vụ”, “Tăng gia sản xuất”, phong trào “Ba sạ ch”, “Bốn diệt”… Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Lào Cai triển khai nhiều phong trào thi đua và đạt kết quả quan trọng, như “Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp”, phong trào “Ba điểm cao”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Ba cải tiến”…

Đất nước thống nhất, tỉnh Lào Cai sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn rồi tái lập năm 1991 trong đầy rẫy khó khăn, thách thức. Để khơi nguồn động lực phát triển, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai đã xây dựng và triển khai nhiều phong trào thi đua như “Làm đường giao thông”, “Kiên cố hóa các công trình hạ tầng nông thôn”, “Thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…

Các phong trào thi đua đã giúp tỉnh Lào Cai sớm vượt qua khó khăn những ngày đầu tái lập tỉnh, làm nền tảng cho những thắng lợi to lớn, vẻ vang, nhất là trên mặt trận phát triển kinh tế. Sau 10 năm, tăng trưởng kinh tế của Lào Cai duy trì mức 9 - 10%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 54,8% xuống còn 21,1%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng từ 40% lên 95%; có 90% xã, phường có đường ô tô tới trung tâm, hàng trăm công trình lớn, hạ tầng phát triển được đầu tư…

Kế thừa, phát huy những thành tích đạt được trong hơn 20 năm qua, tỉnh Lào Cai tiếp tục nở rộ phong trào thi đua trên các lĩnh vực, nhất là đối với việc thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm. Tiêu biểu cho các phong trào những năm qua phải kể đến như “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh”, “Vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân”, “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập”…

Khơi nguồn thắng lợi

Điểm nổi bật, thể hiện rõ giá trị của các phong trào thi đua yêu nước là những thắng lợi, bước tiến vượt bậc trên mọi mặt của tỉnh Lào Cai kể từ năm tái lập (1991) đến nay. Đó là từ tỉnh đặc biệt khó khăn, Lào Cai đã vươn lên thành địa phương có thu nhập trung bình của người dân (GRDP) đạt gần 80 triệu đồng/năm, đứng thứ 2 trong khu vực Trung du, miền núi phía Bắc. Quy mô nền kinh tế của tỉnh cao hơn 74 lần so với thời điểm chia tách tỉnh, lĩnh vực văn hóa, xã hội, đời sống Nhân dân có nhiều cải thiện. Quan hệ đối ngoại được củng cố, tăng cường, công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, sáng tạo.

Bộ đội biên phòng và lực lượng công an xã giúp nông dân Bản Lầu (Mường Khương) thu hái dứa.

Bộ đội biên phòng và lực lượng công an xã giúp nông dân Bản Lầu (Mường Khương) thu hái dứa.

Trong thi đua, cải cách hành chính được quan tâm, môi trường đầu tư được cải thiện, tỉnh Lào Cai có nhiều năm liên tục đứng Top đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin. Trong các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, Lào Cai liên tục dẫn đầu cụm thi đua với chủ đề “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, trong đó có 2 lần tỉnh Lào Cai được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho phong trào này.

Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đang nỗ lực thi đua, phấn đấu cho mục tiêu đã được xác định tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI là xây dựng Lào Cai phát triển toàn diện, trở thành cực tăng trưởng, trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc; đến năm 2025, Lào Cai là tỉnh phát triển của vùng Trung du, miền núi phía Bắc; năm 2030, Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước. Điều đó sẽ sớm thành hiện thực khi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân ra sức thi đua, phấn đấu, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho các phong trào thi đua yêu nước.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/357350-thi-dua-la-dong-luc-phat-trien