'Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua'

Cách đây 75 năm, khi thế nước 'ngàn cân treo sợi tóc', chính quyền nhân dân còn non trẻ phải đối mặt với nguy cơ của giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra 'Lời kêu gọi thi đua ái quốc', chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Lời kêu gọi ấy đã trở thành lời hiệu triệu mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ SÁNG KIẾN THI ĐUA ÁI QUỐC

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khởi xướng, phát động các phong trào thi đua yêu nước, coi đó là một bộ phận quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước mà Người còn là tấm gương mẫu mực trong những phong trào thi đua.

“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nói riêng và tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung về thi đua yêu nước có giá trị lý luận và giá trị thực tiễn sâu sắc, có sức sống mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV) diễn ra tại Hà Nội, tháng 1-1967. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV) diễn ra tại Hà Nội, tháng 1-1967. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Trước vận mệnh đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ việc động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam là điều rất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cấp bách của cách mạng: Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.

Sau chiến thắng Việt Bắc năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: “… Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực. Trên tiền tuyến, các chiến sĩ thi đua chiến đấu lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi để vừa diệt “giặc đói”, diệt “giặc dốt” và diệt “giặc ngoại xâm”. Các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, “Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần”, “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”... đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ và hành động cách mạng thiết thực, góp phần đưa các cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trên cả nước. Từ “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi.

Lịch sử cách mạng Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất Tổ quốc, qua thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trên cả nước sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã in đậm hình ảnh các phong trào thi đua trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu phương, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược; trên khắp các lĩnh vực; ở mọi tầng lớp nhân dân.

" Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

TIỀN GIANG, CÔNG TÁC THI ĐUA - KHEN THƯỞNG NGÀY CÀNG LAN TỎA

Ghi sâu lời Bác dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, năm 2022, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, các phong trào thi đua được các ngành, các cấp trong tỉnh Tiền Giang triển khai ngay từ đầu năm, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho các tập thể tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2022 và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2023.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho các tập thể tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2022 và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2023.

Qua đó, phong trào thi đua yêu nước đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, các phong trào lớn do Thủ tướng Chính phủ phát động đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng, mang lại hiệu quả thiết thực.

Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” được các ngành, các cấp, địa phương tổ chức với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tinh thần “tương thân tương ái”; động viên, khuyến khích toàn thể nhân dân tích cực, chủ động tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Qua thực hiện phong trào thi đua đặc biệt này, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 1 tập thể, 2 cá nhân và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 2 tập thể, 3 cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống Covid-19. Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 201 tập thể, 528 cá nhân về thành tích đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”, được các đơn vị, địa phương tập trung nguồn lực, tăng cường vận động người dân tham gia xây dựng NTM. Tính đến cuối năm 2022, tỉnh có thêm 12 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh là 136/142 xã; có 14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và huyện Cai Lậy đạt chuẩn huyện NTM, nâng tổng số có 4/8 huyện đạt chuẩn huyện NTM gồm: Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây và Cai Lậy; 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công và TX. Cai Lậy).

HỒNG LÊ

(tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202306/ky-niem-75-nam-ngay-chu-tich-ho-chi-minh-ra-loi-keu-goi-thi-dua-ai-quoc-11-6-1948-11-6-2023-thi-dua-la-yeu-nuoc-yeu-nuoc-thi-phai-thi-dua-981530/