Thi đua tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội
Trong Phong trào Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2019-2024, Khoa Vô tuyến Điện tử là một trong những đơn vị điển hình tiên tiến của Học viện Kỹ thuật quân sự. Thành tích nổi bật của Khoa là chất lượng giáo dục, đào tạo không ngừng nâng lên, nghiên cứu khoa học và công nghệ hiệu quả, có nhiều sản phẩm không chỉ phục vụ quốc phòng, mà còn tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Đến Khoa Vô tuyến điện tử những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc tập trung của cán bộ, giảng viên, nhân viên, với tinh thần lập thành tích cao nhất chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 /7-5-2024) và khẳng định quyết tâm của đơn vị đang được Bộ Quốc phòng đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới đất nước.
Đại tá, TS Phạm Xuân Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm Khoa Vô tuyến điện tử giới thiệu: Khoa Vô tuyến điện tử là một trong những đơn vị được thành lập ngay từ khi thành lập Phân hiệu II Đại học Bách khoa (tiền thân của Học viện Kỹ thuật Quân sự ngày nay), nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo kỹ sư quân sự trong nước, kịp thời phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng Quân đội lâu dài. Từ khóa học đầu tiên khai giảng ngày 28-10-1966 đến nay, Khoa đã đào tạo 55 khóa kỹ sư quân sự, cùng hàng trăm khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật chuyên ngành, văn bằng 2, đào tạo kỹ sư phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Kết quả đào tạo của Khoa đã khẳng định là cơ sở đào tạo chất lượng cao, có uy tín của Quân đội và Nhà nước. Các thế hệ cán bộ, kỹ thuật viên do Khoa đào tạo có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận, hoàn thành tốt và xuất sắc mọi nhiệm vụ, nhiều người giữ vị trí chủ chốt trong các đơn vị kỹ thuật của Quân đội và của các ngành công nghiệp, kinh tế quốc dân.
Bước vào công cuộc đổi mới đất nước, trong đội hình Học viện Kỹ thuật quân sự, Khoa Vô tuyến điện tử được giao đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự bậc đại học, sau đại học và các chương trình ngắn hạn các chuyên ngành: Thông tin, Radar, Tác chiến điện tử, Đo lường; đào tạo trình độ đại học, sau đại học ngành Điện tử viễn thông phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài việc mở rộng các loại hình đào tạo, Khoa còn triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và tham gia các dự án quan trọng của Quân đội và Nhà nước…
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Khoa chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật trình độ cao, làm chủ công nghệ mới, thiết kế, chế tạo trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội. Bên cạnh đó, Khoa khai thác thế mạnh, mở rộng quan hệ, hợp tác đào tạo lực lượng kỹ thuật cho các ngành công nghiệp, kinh tế quốc dân. Đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ do Khoa đào tạo đã khẳng định vị trí, giữ vai trò là lực lượng nòng cốt của các tập đoàn kinh tế kỹ thuật, công nghệ, các viện nghiên cứu của Nhà nước, doanh nghiệp.
Theo giới thiệu của Ban chủ nhiệm Khoa Vô tuyến điện tử, chúng tôi đến gặp Đại tá, Phó giáo sư (PGS), TS Trịnh Đăng Khánh, nguyên Phó chủ nhiệm Bộ môn Radar, Khoa Vô tuyến điện tử. PGS, TS Trịnh Đăng Khánh vừa giành được giải nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2023 và có nhiều đề tài, sản phẩm khoa học, công nghệ phục vụ các ngành công nghiệp và kinh tế quốc dân. "Tôi đã nghiên cứu nhiều đề tài và tạo ra những sản phẩm cho các tập đoàn công nghiệp, doanh nghiệp lớn trong nước. Điển hình như việc nghiên cứu, hiện đại hóa thiết bị kho xăng dầu ứng dụng cho Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam. Đề tài hoàn thành năm 2015 và hiện nay các sản phẩm của đề tài hoạt động ổn định, giúp Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam tự chủ về thiết bị và bảo đảm vận hành an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao…", PGS, TS Trịnh Đăng Khánh kể.
Trong thi đua, tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, Đảng ủy, Ban chỉ nhiệm Khoa đã lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và xây dựng kế hoạch cụ thể. Đại tá, TS Tạ Chí Hiếu, Chủ nhiệm Khoa Vô tuyến điện tử cho biết: Phát huy truyền thống nghiên cứu phục vụ chiến đấu, trong thời kỳ đổi mới của đất nước, cán bộ, giảng viên của Khoa bên cạnh việc ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng, đã khai thác, tận dụng các nguồn lực để triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học góp phần cho phát triển kinh tế, xã hội. Ở hướng này, có nhiều đề tài nghiên cứu thành công, nhiều công trình có giá trị đã được công bố trên các tạp chí, hội nghị khoa học quốc tế uy tín, góp phần nâng cao vị thế của Khoa và của Học viện không những trong nước mà cả trên trường quốc tế. Tính đến nay, Khoa đã triển khai nghiên cứu và nghiệm thu 25 đề tài, chương trình cấp Nhà nước, 42 đề tài cấp bộ, ngành và hơn 120 đề tài cấp Học viện Kỹ thuật quân sự.
Điển hình là đề tài nằm trong chương trình trọng điểm quốc gia "Thiết kế, chế tạo máy phát sóng điều tần FM dùng cho đài phát thanh cấp huyện". Sản phẩm của đề tài đã hỗ trợ phát triển truyền thông 4 cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc Tổ quốc. Đề tài được tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sản phẩm đề tài được tặng 2 Huy chương Vàng trong Triển lãm thành tựu kinh tế - kỹ thuật toàn quốc, năm 2005".
Trên cơ sở kinh nghiệm và kế thừa những thành quả nghiên cứu khoa học, công nghệ phục vụ quốc phòng, nắm bắt nhu cầu đẩy mạnh nội địa hóa ngành đóng tàu Việt Nam, Bộ môn Thông tin của Khoa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng chủ trì triển khai đề tài “Nghiên cứu, thiết kế chuẩn hóa hệ thống thông thoại nội bộ trên tàu thủy, tiến tới sản xuất phục vụ công nghiệp đóng tàu Việt Nam”. Đề tài nghiệm thu năm 2002, đạt loại xuất sắc và sản phẩm được hoàn thiện trong giai đoạn áp dụng thử nghiệm (AT) năm 2004. Qua 20 năm ứng dụng và hoàn thiện, đến nay, các loại sản phẩm thuộc hệ thống truyền thanh chỉ huy và thông thoại nội bộ đã đưa vào lắp đặt cho các tàu đóng mới, cải hoán, sửa chữa của Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngành Hàng hải, vận tải sông biển... Với những kết quả ứng dụng tạo hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cao, đề tài nghiên cứu và nhóm sản phẩm của đề tại đã đoạt giải Ba VIFOTEC năm 2006.
Với sự nỗ lực của cán bộ, giảng viên, nhân viên và hiệu quả từ các đề tài nghiên cứu, sản phẩm khoa học, công nghệ mang lại, đã khẳng định Khoa Vô tuyến điện tử là một trong những đơn vị điển hình tiên tiến của Học viện Kỹ thuật quân sự và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước ta.