Thi hành án làm sai, người dân bị thiệt hại nghiêm trọng

Thửa đất vốn có giá trị hơn 2 triệu đồng/m2 nhưng do kê biên, thẩm định sai nên chỉ còn hơn 300.000 đồng/m2, gây thiệt hại hàng tỉ đồng cho người bị thi hành án.

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hoàng Kế (ngụ ấp Chăng Mật, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, Trà Vinh) cho biết mình là người phải thi hành án (THA) nhưng quá trình THA có sai sót, dẫn đến quyền lợi của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thẩm định giá chênh lệch hai thửa liền kề

Ông Kế cho biết vợ chồng ông có nghĩa vụ trả hơn 8 tỉ đồng cho Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Trà Vinh.

Khi tiến hành kê biên tài sản thì chấp hành viên (CHV) đã kê biên hơn 3.000 m2 đất (gồm năm thửa, ở ấp Chăng Mật) nơi gia đình ông đang sinh sống. Tổng tài sản kê biên được Công ty cổ phần Thông tin và thẩm định giá Tây Nam Bộ định giá hơn 5,3 tỉ đồng.

Ông Lê Hoàng Kế và phần nhà đất bị kê biên và đã bán đấu giá. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Ông Lê Hoàng Kế và phần nhà đất bị kê biên và đã bán đấu giá. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Tuy nhiên, ông Kế cho rằng trong quá trình cưỡng chế kê biên, CHV, thẩm định viên đã không xác minh, thẩm định đúng quy định dẫn đến định giá tài sản thấp, gây thiệt hại cho ông hàng tỉ đồng. Cụ thể, tất cả thửa đất của ông đều được san lấp mặt bằng, không còn là đất trồng lúa. Đặc biệt, tại thửa 2230 (diện tích hơn 2.200 m2), ông Kế đã xây dựng nhà xưởng, garage sửa xe, trồng cây ăn trái và làm đường nhựa rộng 5 m.

“Hồ sơ thẩm định giá mô tả đặc điểm kinh tế kỹ thuật ghi nhận thửa 2230 là đất trống và vẽ sơ đồ thửa đất nằm lệch sang đất của người khác là sai hoàn toàn. Từ đó, họ định giá thửa 2230 thấp hơn rất nhiều so với thửa liền kề là 125. Thửa 125 được định giá 2.273.000 đồng/m2 nhưng thửa 2230 chỉ có giá 335.000 đồng/m2. Như vậy, họ đã làm thiệt hại của tôi hơn 4,4 tỉ đồng” - ông Kế bức xúc nói.

Sau đó, Chi cục THA dân sự huyện đã tiến hành bán đấu giá phần tài sản này và bà V là người trúng đấu giá với số tiền hơn 5,2 tỉ đồng.

Ông Kế còn cho biết quá trình bán đấu giá tài sản cũng có nhiều vi phạm. Trong đó có việc tài sản đấu giá phần nhiều là đất lúa nhưng thời điểm đăng ký và đấu giá thì hai người tham gia đấu giá không cung cấp tài liệu chứng minh mình là người trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp.

Cơ quan THA thừa nhận có sai phạm

Trao đổi với PV, ông Lê Trai, Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Trà Vinh, thừa nhận việc tổ chức THA liên quan đến ông Kế có nhiều sai phạm về trình tự, thủ tục trong THA; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thiếu chặt chẽ.

Ông Trai cũng cho biết sau khi bán đấu giá thành thì ông Kế mới có khiếu nại nhưng lúc này đã hết thời hiệu. Tuy nhiên, khi xem xét hồ sơ thấy quá trình THA có dấu hiệu vi phạm nên Cục THA dân sự tỉnh đã lập đoàn kiểm tra và kết luận có những vi phạm như ông Kế nêu và còn một số vi phạm khác.

Trong đó, chứng thư thẩm định giá thể hiện vị trí sơ đồ đã sai, không đúng với thực trạng về vị trí thửa đất dẫn đến áp giá không đảm bảo, gây chênh lệch giá đất. Cụ thể, các thửa đất 124, 125, 2230 cùng nằm liền kề, là đất trồng lúa nhưng giá trị quyền sử dụng đất các thửa 124, 125 là hơn 2 triệu đồng/m2, trong khi thửa 2230 được định giá hơn 300.000 đồng/m2.

Qua xem xét thấy những vi phạm nói trên gây thiệt hại quyền lợi của người bị THA nên Cục THA dân sự tỉnh đã có văn bản chỉ đạo chi cục hủy trình tự, thủ tục THA. Đồng thời, Chi cục THA dân sự huyện Châu Thành đã phân công cho CHV (phụ trách vụ ông Kế) khởi kiện yêu cầu tòa hủy kết quả bán đấu giá tài sản và hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Tòa không chấp nhận hủy kết quả đấu giá

Xét xử, TAND hai cấp tỉnh Trà Vinh đều không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của CHV. Tòa nhận định phạm vi xét xử của tòa trong tranh chấp về bán đấu giá tài sản chỉ là xem xét về kết quả bán đấu giá tài sản, không phải là toàn bộ quá trình THA.

Theo tòa, tại phiên đấu giá, bà V trả giá một lần, biên bản đấu giá không thể hiện ý kiến đồng ý của người có tài sản bán đấu giá nhưng CHV có ký tên vào biên bản và ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá là thể hiện ý kiến thống nhất với kết quả đấu giá.

Về điều kiện người tham gia đấu giá, khi tham gia đấu giá, bà V không nộp giấy xác nhận trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp nhưng do tài sản bán đấu giá gồm nhiều loại đất mà không có hợp đồng bán riêng lẻ từng thửa. Đồng thời, khi chuẩn bị xét xử, bà V đã cung cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho tòa.

Với phán quyết này, Chi cục THA dân sự huyện Châu Thành buộc phải thu hồi quyết định về việc hủy quyết định THA và tiếp tục buộc vợ chồng ông Kế phải THA giao tài sản cho bà V.

Trả lời PV về việc nếu tiếp tục buộc vợ chồng ông Kế THA giao tài sản thì quyền lợi của ông Kế giải quyết như thế nào, ông Trai cho biết cơ quan THA cũng gặp rất nhiều khó khăn và tỉnh cũng có chỉ đạo sớm giải quyết. “Chúng tôi đã tự nhận thấy các vi phạm của CHV gây thiệt hại cho người bị THA và đã chủ động khởi kiện nhưng tòa không chấp nhận. Về nguyên tắc, bản án có hiệu lực thì phải thi hành. Còn CHV cũng đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách” - ông Trai nói và cho biết nếu ông Kế nhận thấy CHV có vi phạm gây thiệt hại thì có quyền khiếu nại, yêu cầu bồi thường theo quy định.

Ông Kế có thể khởi kiện cơ quan THA

Việc tòa xét xử tranh chấp về bán đấu giá tài sản chỉ xem xét về kết quả bán đấu giá tài sản, không phải là toàn bộ quá trình THA là đúng quy định tại Điều 26 BLTTDS 2015.

Ngoài ra, việc hủy hay không hủy kết quả đấu giá cũng cần bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Do đó, khi hai cấp tòa đã không chấp nhận hủy kết quả đấu giá, về nguyên tắc, bản án này có hiệu lực thì phải thi hành.

Về phía người phải THA (ông Kế - PV), để bảo vệ quyền lợi của mình, trong trường hợp này có thể khởi kiện cơ quan THA vì đã có những sai sót trong quá trình tổ chức THA theo Điều 598 BLDS 2015 (bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra) và Điều 12 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017. Cạnh đó, nếu tổ chức thẩm định giá sai, cơ quan THA có thể kiện tổ chức thẩm định giá.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM

CHÂU YẾN ghi

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-hanh-an-lam-sai-nguoi-dan-bi-thiet-hai-nghiem-trong-post734354.html