Thi không đỗ thì là trượt, cấp giấy chứng nhận hoàn thành bậc học để làm gì?
Đã có ý tưởng cấp một loại giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông thì nên mạnh dạn giao cho các tỉnh chủ động tổ chức thi, xét tốt nghiệp.
Một trong những đề xuất được quan tâm tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là sẽ có thêm giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh.
Cụ thể, Điều 32 dự thảo Luật quy định: Học sinh học hết chương trình Trung học phổ thông nếu đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định tương ứng trong Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Theo ban soạn thảo, quy định mới này nhằm khắc phục bất cập của Luật Giáo dục hiện hành vì không có quy định về hình thức công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh đã học xong chương trình trung học phổ thông nhưng không dự thi hoặc dự thi nhưng không đỗ tốt nghiệp; chưa phân biệt giữa công nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất có loại giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông là không hợp lý.
Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở & Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (thuộc hệ thống trường liên cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông ở Khu đô thị Mỹ Đình 1, Hà Nội) không đồng tình với đề xuất trên.
“Theo tôi, chúng ta không cần thiết phải có thêm loại giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Thi không được mà lại có thêm một loại giấy thực sự là rất phức tạp và phiền phức vì không rõ giá trị ra sao”, thầy Bình nhấn mạnh.
Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, về thi tốt nghiệp Trung học phổ thông có lẽ chúng ta vẫn cần một kỳ thi.
Tuy nhiên, do đặc điểm về kinh tế, xã hội của mỗi vùng miền, thậm chí mỗi tỉnh là khác nhau nên chúng ta không nên tổ chức thành một kỳ thi quốc gia như hiện nay.
Việc đánh giá kết quả học sinh để công nhận tốt nghiệp hay không, theo thầy Bình là nên giao cho các tỉnh, thành phố, bởi mỗi một tỉnh có đặc điểm, điều kiện riêng.
Các tỉnh, thành phố căn cứ trên chuẩn yêu cầu của Bộ về kiến thức trong một bài thi mà ra đề phù hợp để đánh giá, công nhận tốt nghiệp.
“Làm sao để đánh giá đúng năng lực của các em. Ví dụ như ở Hà Giang thì bài thi phải để cho học sinh trung bình của Hà Giang thi đỗ, đảm bảo tốt nghiệp ở một mức độ nào đó.
Một đề chung cho cả nước mà Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng chung với các vùng sâu, vùng xa là quá chênh lệch.
Theo tôi, đã có ý tưởng là cấp một loại giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông thì nên mạnh dạn giao cho các tỉnh chủ động tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông căn cứ trên chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ Giáo dục mà xây dựng đề thi phù hợp năng lực, trình độ thực sự của học sinh khu vực đó”, thầy Nguyễn Quốc Bình nói.
Làm sao, để thực sự học sinh đi học, làm bài đúng năng lực, kiến thức đã học, giảm sự “trợ giúp” của các thầy cô hoặc người bên ngoài can thiệp vào kết quả.
Thầy Bình nhấn mạnh: “Chúng ta đang hướng đến chất lượng thực cơ mà, nếu quá khó và lại cần “trợ giúp” thì còn đâu trung thực nữa.
Cứ vậy, xã hội vẫn cứ loanh quanh, luẩn quẩn muốn thoát ra mà không được. Nó là do chúng ta cả thôi.
Vì thế, theo tôi không nên tổ chức thành một kỳ thi quốc gia, không gộp hai trong một nữa”.
Đặc biệt là không lấy kết quả thi tốt nghiệp để đánh giá thi đua. Bộ chỉ nên quản lý chất lượng quá trình dạy và học qua khảo sát, kiểm tra, đánh giá. Việc xét tốt nghiệp nên giao cho tỉnh.
Thầy Bình chia sẻ, trước đây, thầy từng đi coi thi.
Có đề thi học sinh ở Hà Nội 30 phút làm xong trong khi đó ở Hà Giang tận 150 phút, các em cũng có làm được đâu? Vì nó không sát với năng lực thực tế của học sinh.
Các em ở thành phố, nhiều em tốt nghiệp có thể đi du học nước ngoài hoặc vào các trường top đầu. Ở vùng sâu, vùng xa, có em cũng lọt vào trường top đầu, đi du học nhưng tỷ lệ ít.
Quan trọng là làm sao thông qua kỳ thi này, các em học một cách trung thực, được đánh giá một cách trung thực, khi cầm tấm bằng nó cũng thật và không cảm thấy xấu hổ.
Theo thầy Bình, dần dần các trường cũng sẽ hướng đến như nhiều nước trên thế giới có tổ chức giáo dục tổ chức các kỳ thi độc lập, khách quan, các trường sẽ sử dụng kết quả đó để làm điều kiện xét vào.
Tùy từng trường, họ có quyền tự chủ trong tuyển sinh đầu vào. Ta có thể áp dụng cách đó, làm sao cho hết sức linh hoạt.
Hiện nay, các trường trong nước cũng hết sức linh hoạt. Một năm họ không chỉ có một kỳ tuyển sinh mà có đến hai kỳ tuyển sinh.
Đơn cử như Nhật Bản có hai kỳ, kỳ mùa xuân, kỳ mùa thu.
Có những em trượt kỳ thi nhất, có thể thi lại kỳ thứ hai, khoảng thời gian không dài đến một năm.
Theo thầy Bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có thể tổ chức các kỳ thi độc lập nếu các trường tin họ sẽ lấy kết quả đó xét tuyển. Em nào muốn thi thì đóng góp vào để tham gia kỳ thi.
Thực tế, hiện nay các trường căn cứ vào học bạ, nhiều tiêu chí khác để tuyển, đâu nhất thiết căn cứ tất vào kết quả thi tốt nghiệp.
“Quan trọng là phải nghiêm túc, thật nghiêm túc. Theo tôi, dần dần cũng nên cho các tổ chức xã hội được tổ chức các kỳ thi để tạo nên sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh.
Điểm mấu chốt là các trường đại học tồn tại hay không đều do học sinh. Có đào tạo tốt mới có học sinh, không đào tạo đảm bảo chất lượng, ra trường không có việc thì làm sao người ta dám học.
Cũng giống như các trường tư thục, các trường phải gồng mình tìm mọi giải pháp để nâng chất lượng từ giáo dục đạo đức đến kiến thức, kỹ năng…làm sao để tạo ra sự thu hút học sinh đến", thầy Bình nêu quan điểm.