Thi lớp 10 ở Hà Nội: Đến hẹn lại 'nóng' giữ hay bỏ môn thi thứ 4?
Mùa tuyển sinh lớp 10 năm 2024, Hà Nội vẫn giữ phương thức thi tuyển. Tuy nhiên, việc tổ chức thi 3 môn như năm ngoái hay thi 4 môn vẫn chưa có thông tin chính thức khiến học sinh, phụ huynh và cả giáo viên sốt ruột, lo lắng chờ đợi.
Dù học kỳ I năm học 2023- 2024 mới đi gần nửa chặng đường, nhưng với học sinh lớp 9, việc tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 đang là một mối quan tâm lớn. Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công tác thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội mới chỉ công bố thông tin: "Năm học 2024 - 2025 đơn vị sẽ tiếp tục tuyển sinh theo phương thức thi tuyển". Tuy nhiên, thi tuyển 3 hay 4 môn, thời điểm này học sinh vẫn chưa được biết.
Phụ huynh, học sinh mong bỏ môn thi thứ 4
Ngoài các buổi học chính khóa ở trường, Đặng Bảo Lâm (ở 58 Tố Hữu, Nam Từ Liêm) còn đi hoc thêm các môn Toán, Văn, Anh 6 buổi/tuần rồi học với gia sư rồi lại tiếp tục học ở nhà đến đêm muộn. Đó là nếu thi 3 môn, còn nếu thi 4 môn thì Lâm cho biết sẽ phải học thêm nhiều hơn nữa. "Chúng em là lứa học sinh chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, phải học trực tuyến trong thời gian khá dài ở cấp THCS. Do vậy, chúng em rất mong được giảm tải, chỉ thi 3 môn như các anh chị năm ngoái và chốt sớm phương án để yên tâm học tập và có nhiều thời gian ôn luyện".
Chia sẻ về lịch học dày đặc của con, chị Nguyễn Thúy Nhuần – phụ huynh của em Lâm cho biết, con chị hầu như học kín lịch, chỉ nghỉ duy nhất một buổi tối Chủ nhật. "Tôi rất lo con tôi sẽ gặp nhiều áp lực trong "cuộc đua" vào lớp 10 bởi theo thống kê, toàn thành phố hiện có hơn 134 nghìn học sinh lớp 9, nhiều hơn năm học trước 5 nghìn em. Nếu toàn bộ số này đều đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, tỷ lệ chỉ tiêu vào trường công lập không tăng thì cuộc đua giành suất vào trường công lập sẽ căng thẳng hơn năm trước rất nhiều.
Hơn nữa, việc thêm môn thi thứ 4 có cần thiết nữa không khi các trường THPT đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng phân hóa mạnh cho phép học sinh lựa chọn các nhóm môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp", chị Nhuần đặt câu hỏi.
Băn khoăn, lo lắng này của chị Nhuần cũng là nỗi niềm chung của nhiều bậc cha mẹ có con năm nay tham gia kỳ thi tuyển vào lớp 10 các trường công lập ở Hà Nội. Hầu hết các phụ huynh mong muốn kỳ thi vào lớp 10 năm nay cũng như những năm sau đó chỉ thi 3 môn và công bố sớm. Đến tháng 3 mới công bố là muộn khiến học sinh quá gượng ép, nhồi nhét, chạy đua, không đúng thực chất suốt các năm cấp 2, thậm chí may hơn khôn nếu trúng tủ.
Thi môn thứ 4 vào lớp 10 có còn phù hợp?
Chị Lưu Thị Thúy (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) - một phụ huynh có con sinh năm 2008, lứa học sinh vừa trải qua kỳ thi khốc liệt vào lớp 10 cho biết: Kỳ thi vào lớp 10 rất áp lực, áp lực cho cả các con, bố mẹ và thầy cô. Mặc dù con tôi đã đỗ vào một trường chuyên nhưng tôi vẫn ủng hộ bỏ môn thứ 4 cho lứa 2009 này. "Tôi nghĩ thi cử chỉ là để tìm ra người xứng đáng tốt nghiệp, chọn vào trường. Vậy thi 1 môn hay 10 môn đều như nhau. Việc thi nhiều môn chỉ gây áp lực cho con trẻ. Thi ít môn thì các con không áp lực lại có thời gian để phát triển thể chất và các kỹ năng cho tương lai".
Cô Hà Thủy – giáo viên một trường THCS tại quận Thanh Xuân cho biết: Theo chương trình mới, lên bậc THPT nhiều học sinh sẽ chọn nhóm môn học xã hội, không chọn các môn tự nhiên. Ngược lại, có những học sinh chọn các môn tự nhiên, không thích môn xã hội. Thế nên cách nào thì cũng có những "môn thứ 4" không có ý nghĩa khi học sinh bước vào THPT".
Anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả cuốn sách "Tư vấn thi vào 10" và "Cùng con vượt qua các kỳ thi" cho biết, theo kế hoạch, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố các môn thi vào cuối tháng 3 năm 2024. Mặc dù hiện nay học sinh đã hoàn thành thi giữa kỳ, tuy nhiên trên nhiều diễn đàn, phụ huynh có con thi vào lớp 10 đã bày tỏ quan điểm nên bỏ môn thi thứ 4 bởi nhiều nguyên nhân. Ngoài ra, môn thi được công bố muộn không những gây áp lực cho phụ huynh và học sinh, khiến thị trường tràn lan sách tham khảo. Trong khi đó, hiệu quả thật sự để đánh giá năng lực của các con không phụ thuộc vào môn thi thứ 4, nếu không muốn nói là sự lãng phí từ việc tổ chức thi thêm một môn.
Khi Sở GD&ĐT công bố môn thứ 4, hầu hết thí sinh đều tranh thủ nhồi nhét kiến thức, nhưng điểm môn thi không phản ánh đúng kết quả 9 năm học tập. Mặt khác, lứa học sinh sinh năm 2009 sẽ là những thí sinh học và thi theo phương thức cũ. Việc thi ba môn giống như kỳ thi vào 10 năm học 2022-2023 là việc khiến bao gia đình mong mỏi. Theo đánh giá sơ bộ, dù thi 3 môn hay 4 môn, ước tính chỉ có khoảng 60% thí sinh sẽ được tuyển vào trường THPT công lập, 21% số thí sinh tuyến vào trường THPT tư thục, 10% thí sinh tuyển vào TT GDNN-GDTX và khoảng 9% số thí sinh tham gia học nghề. Khi suất vào công lập không tăng, việc thi thêm một môn không làm tăng thêm chất lượng đầu vào.
"Giảm tải chương trình học nên chăng bắt đầu từ chính việc giảm bớt môn thi, bởi kỳ thi vào 10 luôn được đánh giá là khốc liệt, khiến cả phụ huynh và thí sinh bị áp lực tâm lý không đáng có. Trong những kỳ thi vào 10 gần đây, Sở GD&ĐT Hà Nội hướng tới việc giảm áp lực cho thí sinh. Điển hình như kỳ thi vào 10 năm học 2022-2023, Sở đã quyết định thi 3 môn, một quyết định khiến phụ huynh và học sinh lứa 2k8 cùng dư luận xã hội đồng tình. Thiết nghĩ trong kỳ thi vào 10 năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội hãy chọn phương án thi 3 môn, đó là nguyện vọng chính đáng của phụ huynh và thí sinh".
Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội được ví là một cuộc đua khốc liệt, căng thẳng hơn tuyển sinh đại học bởi mỗi năm, thành phố có gần 100.000 thí sinh dự thi nhưng các trường công lập chỉ đáp ứng được hơn 60%. Áp lực cạnh tranh khiến lịch học thêm của học sinh luôn dày đặc.