Thi lớp 10 ở TP HCM năm nay có gì mới?
Dự kiến cấu trúc đề thi vào lớp 10 tại TP HCM không có nhiều thay đổi so với năm ngoái, tuy nhiên thời gian thi môn tiếng Anh tăng lên 90 phút.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP HCM năm nay sẽ diễn ra vào ngày 11 và 12/6 với 3 môn Toán, Văn (mỗi môn 120 phút) và Tiếng Anh (90 phút). Năm nay là năm đầu tiên TP thực hiện tính điểm tuyển sinh lớp 10 với ba môn thi đều là hệ số 1 (trước đây môn ngoại ngữ tính hệ số 1, môn toán và ngữ văn hệ số 2).
Cách tính điểm này nhằm nâng cao vai trò môn ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông. Vì vậy đề thi môn tiếng Anh năm nay tăng thời gian làm bài là 90 phút thay vì 60 phút như năm 2020.
Theo dự kiến của Sở GD&ĐT TP HCM, môn Tiếng Anh có thời gian làm bài 90 phút với 40 câu trắc nghiệm. So với những năm trước, đề thi tăng thời gian làm bài 30 phút và nhiều hơn bốn câu hỏi. Nội dung đề thi quen thuộc với các chủ điểm ngữ pháp, từ vựng chủ yếu trong chương trình lớp 9. Đề không chú trọng về ngữ pháp mà nghiêng về kỹ năng, vận dụng và từ vựng.
Đề Tiếng Anh có 10-15% câu hỏi mức độ nâng cao để phân hóa thí sinh. Những nội dung kiến thức giảm tải sẽ không có trong đề thi.
Với đề Toán giữ nguyên cấu trúc với 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, 30% vận dụng, vận dụng cao. Do COVID-19 kéo dài, học sinh phải học online liên tục, mức độ vận dụng cao trong đề thi sẽ được cân nhắc cho phù hợp.
Đề Toán gồm tám câu, với bảy câu là kiến thức cơ bản và một câu về hình học phẳng. Trong đó, câu 1 và 2 là kiến thức quen thuộc về đồ thị, định lý Vi-et, điều kiện có nghiệm của phương trình. Câu 3 đến câu 7 là các bài toán vận dụng kiến thức đã học trong chương trình giải các bài toán liên quan thực tế, trong đó sẽ có 1 - 2 bài toán ở mức nâng cao. Câu 8 là bài toán hình học phẳng gồm ba bài toán nhỏ. Trong đó, hai bài ở mức độ cơ bản, bài còn lại mang tính phân hóa cao.
Theo lưu ý của Sở, học sinh thường gặp khó với bài toán thực tế ở khâu đọc hiểu, không hình dung được các vấn đề thực tế như lãi suất tiền gửi, thể tích, chu vi. Do đó, ngoài nắm kiến thức toán học, học sinh cần rèn luyện các kiến thức thực tế.
Với môn Văn, cấu trúc đề thi gồm ba phần: đọc hiểu 3 điểm, nghị luận xã hội 3 điểm và nghị luận văn học 4 điểm. Phần đọc hiểu, đề có thể cho văn bản thông tin, nghị luận, khoa học với các câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng.
Phần nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết bài văn ngắn khoảng 500 chữ. Thí sinh cần đảm bảo cấu trúc bài viết đủ ba phần, gồm mở bài, thân bài, kết bài. Khi bàn luận vấn đề, thí sinh cần đúc rút được bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
Phần nghị luận văn học, tinh thần của đề theo hướng mở, khuyến khích thí sinh tự do trình bảy cảm nhận về tác phẩm văn học. Thí sinh sẽ có hai lựa chọn: câu hỏi yêu cầu phân tích, cảm nhận về tác phẩm truyện, thơ; câu hỏi với yêu cầu gợi mở hơn.
TP HCM tuyển thẳng vào lớp 10 với học sinh khuyết tật; học sinh đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể thao; đoạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Hàng năm, TP HCM có khoảng 100.000 thí sinh tốt nghiệp THCS; 80% số đó đăng ký thi tuyển vào lớp 10. Chỉ tiêu của 115 trường công lập ở TP HCM là khoảng 65.000-67.000, nên mỗi năm có khoảng 15.000 học sinh trượt lớp 10 công lập.
Các em không vào được công lập có thể tiếp tục học tại các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường trung cấp, cao đẳng nghề.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thi-lop-10-o-tp-hcm-nam-nay-co-gi-moi-post440052.html