Thí nghiệm sức khỏe quan trọng của sứ mệnh Axiom-3 trong không gian
Sứ mệnh Axiom Mission 3, Axiom Space và Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) sẽ mở rộng khả năng tìm hiểu tác động của môi trường không trọng lực với sức khỏe.
Chuyến bay vũ trụ dành riêng cho phi hành đoàn gồm 4 thành viên Axiom Mission 3 rời khỏi Trung tâm Vũ trụ Kennedy ngày 17/1 mang theo một số mẫu vật nhất định, nhằm phục vụ cho hơn 30 cuộc nghiên cứu quan trọng tại Phòng thí nghiệm quốc gia thuộc Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Nghiên cứu sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các cơ chế sinh học, sức khỏe con người trong môi trường không trọng lực.
Theo kế hoạch, phi hành gia trưởng của công ty Axiom Space và cựu phi hành gia NASA, Michael López-Alegría (chỉ huy), Walter Villadei của Ý (phi công), Alper Gezeravcı của Türkiye (chuyên gia sứ mệnh) và phi hành gia dự án của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) Marcus Wandt của Thụy Điển (chuyên gia sứ mệnh) sẽ thực hiện hơn 30 thí nghiệm trong môi trường không gian.
Dựa trên nhiều năm nghiên cứu cơ bản về môi trường không trọng lực, các công trình nghiên cứu, thử nghiệm mới nhằm mục đích sử dụng môi trường không trọng lực để hiểu rõ hơn về loạt quá trình biến đổi sinh học, gồm cách các chuyến bay vũ trụ ảnh hưởng đến cơ thể con người, cơ chế đằng sau một số loại bệnh tật, cách nghiên cứu tế bào gốc trong không gian, từ đó tạo tiền đề quan trọng để phát triển của phương pháp điều trị mới thích hợp.
Các cuộc thử nghiệm được triển khai trên sứ mệnh Axiom Mission 3 tại Phòng thí nghiệm quốc gia thuộc ISS có một số điểm nổi bật. Trước đây, Viện Tế bào gốc Sanford tại Đại học California, San Diego, Mỹ khởi động hai cuộc nghiên cứu tế bào gốc cùng các sứ mệnh của công ty Axiom Space. Giờ đây họ tiếp tục cuộc thử nghiệm tại Phòng thí nghiệm quốc gia thuộc Trạm ISS.
Trong dự án hợp tác mới, các chuyên gia, phi hành gia sẽ thay họ thử nghiệm các khối u trong môi trường không trọng lực để xác định các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư, nhằm dự đoán và điều trị bệnh tốt hơn cho phi hành gia trong không gian.
Một cuộc điều tra khác sẽ đánh giá những thay đổi về enzym trong máu của các phi hành gia trong và sau chuyến bay vào vũ trụ, để hiểu rõ hơn về vai trò của chúng với sức khỏe và bệnh tật.
Tại Phòng thí nghiệm quốc gia, các phi hành gia sẽ theo dõi sức khỏe của mình, bằng cách so sánh các dấu hiệu sinh lý và đặc điểm thay đổi nhận thức của mình trước, trong và sau chuyến bay. Các cuộc điều tra tương tự khác sẽ theo dõi giấc ngủ, sức khỏe xương và sức khỏe tim mạch của các phi hành gia.
Ngoài ra, các phi hành gia sẽ quan sát tác động của môi trường không trọng lực lên hai giống thực vật: Arabidopsis thaliana (A. thaliana) (một loại cây phổ biến trong họ mù tạc) và S chrenkiella parvula (họ hàng gần của A. thaliana được biết đến với khả năng phát triển trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt, kể cả môi trường giàu muối).
Công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR được sử dụng để nhắm mục tiêu vào ba gene cụ thể được cho là đóng vai trò quan trọng trong phản ứng của cây A. thaliana. Kết quả thu được sẽ giúp các phi hành gia đánh giá liệu công nghệ CRISPR có thể được sử dụng như một chiến lược chỉnh sửa gene hiệu quả ở hai giống thực vật kể trên trong môi trường không trọng lực hay không.