Thi nghiêm túc để tạo sự công bằng cho học sinh
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020 có một số điểm mới, trong đó UBND các tỉnh, thành phố sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác tổ chức kỳ thi tại địa phương.
Vì vậy, thời điểm này, bên cạnh việc thực hiện những giải pháp hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020, các địa phương đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn và thành công.
Bốn cấp thanh tra giám sát
Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi năm nay, UBND các tỉnh, thành phố được giao chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức tại địa phương. Quy chế cũng quy định: Trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh phải là lãnh đạo UBND tỉnh, phó trưởng ban và các ủy viên là đại diện của các sở, ban, ngành liên quan. Năm nay, việc thanh tra thi tốt nghiệp THPT sẽ có sự tham gia của 3 cấp, gồm: Thanh tra Bộ GD&ĐT, thanh tra tỉnh, thanh tra sở GD&ĐT. Lực lượng này sẽ thực hiện nhiệm vụ ở các khâu của kỳ thi. Bên cạnh đó, kỳ thi còn có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ.
Điểm khác biệt lớn nhất của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là đội ngũ cán bộ, giảng viên của các trường đại học không tham gia công tác coi thi, chấm thi. Dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, cán bộ, giảng viên các trường đại học sẽ có mặt trong các đoàn thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu, như: Chuẩn bị kỳ thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi... Bộ GD&ĐT sẽ thể hiện rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc chỉ đạo các trường đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra này.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra trong hai ngày (9 và 10-8). Từ nay đến lúc kỳ thi diễn ra chỉ còn khoảng gần hai tháng. Vì vậy, thời điểm này, các địa phương đang gấp rút thực hiện nghiêm túc công tác chuẩn bị cho kỳ thi theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Năm nay, TP Hà Nội dự kiến có 80.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng gần 2.000 thí sinh so với năm trước. Với quy mô thí sinh dự thi lớn, Hà Nội dự kiến chuẩn bị hơn 3.300 phòng thi với đầy đủ cơ sở vật chất bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn. Theo ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT TP Hà Nội, sở đã tích cực tham mưu UBND TP các công việc chuẩn bị tổ chức kỳ thi về cơ sở vật chất và nhân lực; tổ chức học tập quy chế thi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên... Hiện tại, sở đã rà soát 8.000 cán bộ, giáo viên cấp THPT và 20.000 cán bộ, giáo viên cấp THCS. Đây là nguồn nhân lực để Hà Nội huy động tham gia các khâu của kỳ thi.
So với mọi năm, việc kỳ thi năm nay giao cho UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức thi sẽ tạo áp lực hơn cho các địa phương. Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho rằng: “Các địa phương cần đề cao tinh thần trách nhiệm với tâm thế vì tất cả quyền lợi, công bằng cho học trò”. Năm nay, Nghệ An có khoảng 32.000 thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến bố trí 61 điểm thi. Để bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An quan tâm đặc biệt đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức kỳ thi. Nghệ An dự kiến điều động khoảng 5.000 nhân sự tham gia kỳ thi. Những người tham gia nhiệm vụ phải bảo đảm có năng lực, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, nắm vững nghiệp vụ...
Cần xác định nguyện vọng đúng đắn
Theo công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2020, từ ngày 15 đến 30-6, thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đồng thời đăng ký xét tuyển đợt một vào các trường đại học, cao đẳng. Năm nay, Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên quy định không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Theo PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh và lọc ảo đợt một. Do đó, nếu thí sinh có sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển, sẽ đăng ký xét tuyển tại trường THPT, cùng thời điểm đăng ký dự thi THPT. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường, tuy nhiên các nguyện vọng phải xếp theo thứ tự ưu tiên.
Hiện nay, hầu hết các trường đại học đều đã công bố đề án tuyển sinh. Nhìn chung, bên cạnh phương thức xét tuyển chính là sử dụng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, các cơ sở giáo dục đại học đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, như: Xét tuyển theo kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào điểm học bạ THPT… Ông Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học Kinh tế-Tài chính TP Hồ Chí Minh, đánh giá: “Việc các trường đại học sử dụng nhiều phương thức xét tuyển mở ra cơ hội lớn cho thí sinh vào đại học, giúp các em chọn được ngành học phù hợp, đồng thời giảm áp lực thi cử”.
Tuy nhiên, trước tâm lý đăng ký đến hàng chục nguyện vọng ở nhiều trường, ngành nghề khác nhau để “chắc đỗ” của các thí sinh, ông Phạm Doãn Nguyên cho rằng: “Mặc dù quy chế xét tuyển vào đại học không giới hạn nguyện vọng nhưng thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất. Bởi vậy, thí sinh cần cân nhắc thứ tự ưu tiên khi đăng ký nguyện vọng. Ngành nào, trường nào thí sinh yêu thích, mong muốn cao nhất sẽ ưu tiên lên thứ tự đăng ký đầu tiên và cũng chỉ nên đăng ký khoảng từ 2 đến 5 nguyện vọng, không cần đăng ký quá nhiều, vì sau khi có kết quả điểm thi, Bộ GD&ĐT cho phép các thí sinh được quyền điều chỉnh nguyện vọng một lần nữa”.
Hiện nay, một số trường đại học đã công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển), như: Trường Đại học Kinh tế quốc dân công bố điểm sàn xét tuyển đầu vào dự kiến là 18 điểm. Tuy nhiên, theo PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào chỉ là điểm tối thiểu để thí sinh có đủ điều kiện xét tuyển, còn điểm đầu vào thực tế của các trường sẽ cao hơn so với ngưỡng điểm sàn. “Nếu căn cứ vào điểm sàn xét tuyển đầu vào thì các thí sinh rất dễ bị ngộ nhận. Vì vậy, các em nên tìm hiểu điểm trúng tuyển ngành học của trường mà mình muốn đăng ký ở 3 năm gần nhất, từ đó cân nhắc năng lực bản thân để đưa ra quyết định đúng đắn”, PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng đưa ra lời khuyên tới các thí sinh.