Thi nhân tiền chiến người Nam bộ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp: Khổng Dương

Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh có xếp 'xóm thơ' Hà Tiên, cùng với Bình Định, Huế; trong đó có 2 thi nhân cũng là đôi vợ chồng là Đông Hồ và Mộng Tuyết. Thế nhưng trong Việt Nam thi nhân tiền chiến của Nguyễn Tấn Long, NXB Văn học tái bản và Việt Nam thi nhân hiện đại của Phạm Thanh xuất bản năm 1959 có viết và giới thiệu một thi nhân người Nam bộ khác là Khổng Dương.

Tác giả Thi nhân Việt Nam viết: Bạn hỏi tôi: “Thi sĩ đâu mà lắm thế? Mới mười năm mà trên bốn chục người! Thời đại này dầu phong phú cũng không lẽ thế”.

GS Lê Đình Kỵ trong sách Thi nhân Việt Nam tái bản viết: “Thực chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và nhất là xôn xao như thế. Cùng lòng tự tôn, ta mất luôn cái bình yên thời trước”. Đọc thơ Khổng Dương, tên thật là Trương Văn Hai, sinh năm 1921 tại H.Càn Long, Trà Vinh, mất năm 1947 khi đi kháng chiến bị tàu bay Pháp bắn, hy sinh tại rạch Xẻo Tre, tỉnh An Giang bây giờ.

Lý lịch học vấn Khổng Dương đáng chú ý. Học trường Pháp ở Cần Thơ, ra Huế học trường Phú Xuân, ra Bắc học trường Thăng Long. Ông là một trong số ít các nhà thơ Nam bộ tham gia vào thi đàn cả nước. Lúc mới 14 tuổi ông đã xuất bản tập Ly tao và là tập thơ duy nhất được xuất bản.

Ly tao được một nhà thơ thành danh đương thời là Thượng Tân Thị, tên thật Phan Quốc Quang đề tựa. Báo Bạn trẻ do Thẩm Thệ Hà (nhà thơ, tác giả sách giáo khoa Văn chương) chủ trương, mời tham gia.

Tháng 11-1946, Dương Tử Giang thành lập Báo Văn hóa, mời Khổng Dương tham gia Bộ Biên tập.

Thơ của Khổng Dương ngoài tập Ly tao, còn in trên các báo: Tiểu thuyết thứ Bảy, Mới, Trung Bắc Chủ nhật, Văn hóa, Tổng xã báo, Đông Dương tạp chí… Ông còn có tập văn nghị luận Hãy cứu lấy thanh niên. Tư liệu trên đây cho thấy vị trí trên văn đàn của Khổng Dương, nhất là khi tham gia Bộ Biên tập Báo Văn hóa của nhà báo yêu nước Dương Tử Giang.

Trên trang thivien.net đang tồn tại 5 bài thơ của ông có tên là: Đào nguyên, Đêm dài, Quan san, Tương tư và Mênh mông. May mắn chúng tôi được đọc nhiều hơn và nhận ra thơ Khổng Dương mang hơi hướng chung thơ 30-45 như chuyên luận của Hoài Thanh, nhận định của GS Lê Đình Kỵ.

Qua thơ Khổng Dương có thể nhớ đến tâm sự Thế Lữ, say tình như: Xuân Diệu, buồn như Huy Cận... Có lúc lại như nhân vật Dũng trong các tác phẩm của Nhất Linh - Khái Hưng của Tự lực Văn đoàn.

Tuy giọng thơ mang tính thời đại, nói như Hoài Thanh là “một thời đại trong thi ca”, nhưng với Khổng Dương vẫn ghi dấu ấn với giọng riêng Nam bộ:

Chẳng tiếng ve kêu cũng nhớ nhà

Chân trời trẩy bụi những đường xa

Hỡi con chim nhỏ về phương ấy

Cho gởi lòng con đến mẹ già.

(Quê mẹ)

Như nghe vẳng Hàn Mặc Tử nhưng bi thiết quốc sự hơn nhiều:

Ngàn vạn hồn tôi bán khách xa

Hỡi ôi! Nhìn lại nước non nhà

Máu tươi thấm lệ hồn chưa xóa

Bước lặng thầm gieo “ Quốc hận ca”.

(Tâm sự)

Viết những dòng thơ trên, Khổng Dương tham gia kháng chiến là một tất nhiên.

Hình ảnh như trong thơ Đường, tứ thơ như trong Bến My Lăng của Yến Lan:

Người khách lạ ngại ngùng lòng chỉ rối

Thuyền nan trôi nhè nhẹ giữa trời mơ

Ngư phủ ngồi gác mái dạ bơ vơ

Ôi lạc lối, tìm đâu ra ánh sáng.

Thể thơ ca dao mang hơi thở mặn mà sông Cửu Long nhưng vẫn khinh bạc qua Khổng Dương:

Ngựa anh say bước đường dài

Tình anh chan chứa ra ngoài thành Nam

Mịt mù cách dặm quan san

Tuần trăng vò võ mây ngàn xa xôi

Ra đi không hẹn một lời

Ngày về không biết còn người năm xưa.

(Quan san)

Lịch sử không thể nói “nếu” nhưng với Khổng Dương nếu không mất sớm khi mới 26 tuổi, 14 tuổi đã có Ly tao, sớm hơn Chế Lan Viên ra Điêu tàn năm 16 tuổi, thi đàn Việt Nam có một tác giả đậm nét Nam bộ là Khổng Dương. Một nhà thơ yêu nước thời tiền chiến hy sinh khi tham gia kháng chiến chống Pháp như Khổng Dương không nhiều lắm.

Trần Phi Châu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202208/thi-nhan-tien-chien-nguoi-nam-bo-hy-sinh-trong-khang-chien-chong-phap-khong-duong-3128879/