Thị phần tài trợ thương mại của đồng NDT trên toàn cầu tăng gấp đôi

Thị phần tài trợ thương mại của đồng nhân dân tệ (NDT) tăng hơn gấp đôi kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, theo phân tích của Financial Times. Giới phân tích cho rằng diễn biến này cho thấy giới doanh nghiệp ngày càng sử dụng đồng tiền của Trung Quốc nhiều hơn để giao dịch thương mại với Nga cũng như chi phí vay đồng đô la Mỹ tăng cao.

Đồng nhân dân tệ (NDT) được sử dụng nhiều hơn trong tài trợ thương mại toàn cầu kể từ sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Ảnh: Cgtn

Đồng nhân dân tệ (NDT) được sử dụng nhiều hơn trong tài trợ thương mại toàn cầu kể từ sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Ảnh: Cgtn

Hưởng lợi từ tác động của cuộc chiến ở Ukraine

Dữ liệu tài trợ thương mại toàn cầu mà hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) theo dõi cho thấy thị phần của NDT trong lĩnh vực này đã tăng hơn gấp đôi, từ mức chưa đến 2% vào tháng 2-2022, lên mức 4,5% một năm sau đó. Tài trợ thương mại là một hình thức cho vay thương mại, đóng vai trò trung gian thanh toán giữa người mua và người bán trong hoạt động kinh doanh.

Mức thị phần tài trợ thương mại của NDT đang áp sát mức thị phần 6% của đồng euro. Tuy nhiên, cả hai đồng tiền nay vẫn còn lép vế so với đô la Mỹ, chiếm 84,3% thị phần tài trợ thương mại toàn cầu vào tháng 2-2023, giảm so với 86,8% một năm trước đó.

“Đây là bước ngoặt quan trong đối với NDT. Sự thay đổi thị phần này chủ yếu là do tác động cuộc chiến ở Ukraine”, Mansoor Mohi-uddin, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Singapore, một đơn vị của ngân hàng OCBC Bank, nói.

Tỷ trọng ngày càng tăng của đồng tiền Trung Quốc trong tài trợ thương mại, trong đó bên cho vay cung cấp tín dụng bằng NDT để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới, sẽ có lợi đối với Bắc Kinh trong nỗ lực đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng NDT.

Tuy nhiên, đây là một thách thức nghiêm trọng đối với phương Tây, vốn tìm cách sử dụng các biện pháp trừng phạt để cấm các tổ chức tài chính lớn của Nga sử dụng hệ thống thanh toán SWIFT.

Arthur Kroeber, đối tác sáng lập của hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics, cho rằng thị phần tài trợ thương mại của NDT tăng có thể là do giao dịch thương mại của Nga với Trung Quốc thông qua các bên trung gian đang tăng lên.

“Có rất nhiều dầu của Nga chảy vào Trung Quốc thông qua Trung Đông và Malaysia”, ông nói và chỉ ra rằng nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Malaysia tăng bùng nổ kể từ tháng 3 năm ngoái.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT trong những năm trước thời điểm tháng 8-2015, khi đồng tiền này lao dốc kích hoạt sự tháo chạy của dòng vốn. Điều này buộc PBoC đảo ngược hướng đi và áp đặt các biện pháp kiểm soát luân chuyển vốn chặt chẽ, làm cản trở tiến trình thúc đẩy sử dụng NDT trên toàn cầu.

Sự gia tăng thị phần tài trợ thương mại của NDT không phải diễn ra trong hệ thống thanh toán SWIFT. Thực tế, Nga có quyền truy cập vào Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (Cips), giải pháp thay thế Swift của Trung Quốc. Năm ngoái, thương mại song phương giữa hai nước đã tăng lên mức kỷ lục 185 tỉ đô la khi các công ty Nga thanh toán hầu hết các giao dịch mua hàng hóa Trung Quốc bằng đồng NDT. Năm 2022, tổng số tiền thanh toán trên Cips đạt 97 nghìn tỉ NDT (14,1 nghìn tỉ đô la), tăng 21% so với năm trước đó, theo dữ liệu của PBoC.

Chi phí rẻ hơn đô la Mỹ

Mặt khác, các nhà phân tích và kinh tế giải thích chi phí tài trợ thương mại bằng đô la ngày càng tăng, khiến đồng tiền của Trung Quốc tương đối hấp dẫn hơn đối với tài trợ thương mại. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 9 lần kể từ năm 2022, trong khi đó, PBoC cắt giảm lãi suất cơ bản hai lần trong cùng kỳ.

Theo Guan Tao, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Ngân hàng quốc tế Trung Quốc và là cựu quan chức của Cục Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc, sự gia tăng của NDT trong tài trợ thương mại liên quan đến sự khác biệt trong chính sách tiền tệ của Mỹ và Trung Quốc. Vai trò của NDT đã thay đổi từ đồng tiền có lãi suất cao thành đồng tiền có lãi suất thấp.

“Khi Mỹ tăng mạnh lãi suất, đồng NDT trở nên rẻ hơn. Chúng tôi nhận thấy gần đây có nhiều mối quan tâm hơn đối với tài trợ thương mại bằng NDT. Dù có sự đóng góp của Nga hay không, về mặt cấu trúc, chúng ta đang chứng kiến quá trình quốc tế hóa đồng NDT đang quay trở lại”, Kelvin Lau, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng Standard Chartered nhận xét.

Theo Zhang Ming, Phó giám đốc Khoa Tài chính quốc tế tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, PBoC đã thay đổi chiến lược quốc tế hóa đồng NDT kể từ đầu năm 2022.

Zhang cho biết, trước đây PBoC tập vào nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng NDT để định giá giá dầu thô và mở rộng khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài đối với chứng khoán trong nước. Tuy nhiên, hiện tại, ngân hàng này tích cực khuyến khích sử dụng NDT để thanh toán các giao dịch hàng hóa xuyên biên giới và cải thiện khả năng tiếp cận toàn cầu đối với các công cụ phái sinh gắn liền với tài sản bằng NDT.

Chẳng hạn trước đó, Trung Quốc và Brazil ký thỏa thuận cho phép hai bên thực hiện các giao dịch thương mại và tài chính bằng đồng tiền của nước họ.

Zhi Xiaojia, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của ngân hàng Crédit Agricole (Pháp), nhận định: “Trung Quốc có động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quốc tế hóa NDT nhằm quản lý rủi ro gia tăng về căng thẳng địa chính trị và xu hướng tách rời kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh đã tăng cường đối thoại quốc tế và đạt được một số tiến bộ tích cực trên mặt trận này, đặc biệt là với ASEAN, các nền kinh tế Trung Đông và Mỹ Latin”.

Tuy nhiên, vì PBoC vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ, rất ít chuyên gia kỳ vọng NDT sẽ nhanh chóng thăng hạng trong danh sách tiền tệ thanh toán lớn nhất toàn cầu.

Chi Lo, nhà chiến lược cấp cao về Trung Quốc của Công ty quản lý tài sản BNP Paribas Asset Management, nói: “Người Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật “tằm ăn dâu” để quốc tế hóa NDT nên họ không vội”.

Theo Financial Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-phan-tai-tro-thuong-mai-cua-dong-ndt-tren-toan-cau-tang-gap-doi/