Thí sinh bị 0 điểm môn Anh văn do ngủ quên: Cán bộ coi thi đã làm tròn trách nhiệm?

Sự việc thí sinh bị 0 điểm môn tiếng Anh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT do ngủ quên sẽ là bài học đắt giá cho thí sinh dự thi cũng như những người làm công tác thi.

Dư luận đang xôn xao về sự việc một thí sinh ở Cà Mau bị 0 điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT do ngủ quên trong giờ thi.

Trao đổi với báo chí, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết trường có một thí sinh bị trượt tốt nghiệp do bị 0 điểm môn tiếng Anh. Tổng điểm các môn của thí sinh là 50,22 trong đó Toán 8, Ngữ văn 7,75, Vật lí 9,5, Hóa học 9, Sinh học 6,75 và tiếng Anh 0 điểm.

Trò chuyện với báo chí, nam sinh trên cũng xác nhận sự việc. Em cho biết sau khi nhận đề, em làm nháp vào tờ đề được hơn 40 trong tổng số 50 câu, mất khoảng 15 - 20 phút trong 60 phút làm bài thi môn tiếng Anh. Tuy nhiên sau đó mệt quá em gục xuống bàn, ngủ không hay. Khi giám thị gọi dậy nộp bài, em chưa điền vào phiếu trắc nghiệm nên phần trả lời không có gì.

Theo Trưởng điểm thi nơi nam sinh này tham dự kỳ thi thì cán bộ coi thi đã làm đúng quy định. Khi đến giờ thu bài, thí sinh này chưa làm được câu nào.

Hơn nữa, theo quy định của Bộ GD&ĐT, giáo viên coi thi chỉ có thể nhắc nhở chung, không thể nhắc riêng một thí sinh trong phòng thi. Khi còn 15 phút hết giờ, cán bộ coi thi 1 thông báo cho cả phòng thi. 5 phút trước khi hết giờ, giám thị yêu cầu thí sinh kiểm tra lại bài, số báo danh, mã đề và được phép nhắc nhở 2 lần.

Bày tỏ quan điểm về sự việc trên, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM cho rằng, sự việc trên là bài học đắt giá dành cho nam sinh trên.

Ở khía cạnh khác, cán bộ coi thi đã làm đúng theo quy định nhưng quá cứng nhắc.

Cán bộ coi thi nghĩa là phải nhìn bao quát phòng thi để học sinh làm bài thi một cách nghiêm túc, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong phòng thi. Như vậy cán bộ phải quan sát xem thí sinh có biểu hiện lạ hay tình huống đặc biệt xảy ra trong phòng thi để kịp thời có hướng xử lý. Những hiện tượng bất thường xảy ra phòng thi như mưa dột chỗ ngồi, nắng chiếu thí sinh, thí sinh ngủ gục..

Với trường hợp thí sinh gục đầu trên bàn học trong phòng thi, có thể có nhiều lý do như: gục đầu để sử dụng thiết bị công nghệ cao hay tình huống xấu khác là em bị bệnh, bị đuối sức, thậm chí trường hợp xấu nhất là thí sinh bị đột quỵ.

Do đó, cán bộ không thể chỉ ngồi nhìn em ngủ trong suốt một thời gian dài mà không làm gì. Cán bộ có thể lay nhẹ cái tay, gõ bàn nơi thí sinh ngồi thậm chí đọc tên trực tiếp để em tỉnh dậy. Còn nếu khi đã thực hiện những động tác trên nhưng em vẫn thiếp đi thì cán bộ coi thi phải báo ngay với cán bộ ngoài phòng thi để trưởng điểm thi xử lý. Đó là trách nhiệm của cán bộ coi thi.

"Liệu trưởng điểm thi, các cán bộ coi thi đã làm hết trách nhiệm của mình đối với thí sinh trong phòng thi chưa?. Chúng ta cứng nhắc đến mức độ không nhắc, không làm gì sẽ trở nên vô cảm. Giáo dục không cho phép người thầy vô cảm. Đây là bài học cho những người làm công tác coi thi những năm tiếp theo. Và bản thân nam sinh trên cũng phải rút kinh nghiệm”, ông Phú nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Ngai, Nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng “trách nhiệm của cán bộ khi coi thi khi thấy học sinh có biểu hiện khác thường thì phải tìm hiểu, tùy theo trường hợp cụ thể có thể giúp đỡ, nhắc nhở các cháu. Trường hợp trên, thí sinh ngủ trong một thời gian dài thì phải nhắc nhở, không nên vô tư để thí sinh ngủ như vậy. Điều này cho thấy người làm cán bộ coi thi chưa làm tròn trách nhiệm của mình”.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-sinh-bi-0-diem-mon-anh-van-do-ngu-quen-can-bo-coi-thi-da-lam-tron-trach-nhiem-post692150.html