Thí sinh cần hiểu đúng về chương trình đào tạo để lựa chọn ngành học phù hợp

Việc sinh viên được cung cấp đa dạng cơ hội học tập ở nhiều mảng khác nhau sẽ cho phép các em có một tập hợp công việc 'đúng ngành' lớn hơn nhiều.

Việc lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp rất quan trọng đối với sinh viên.

Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, thí sinh được phép đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trước 17h ngày 30/7/2024. Đây là cơ hội để các thí sinh cân nhắc kỹ lưỡng và lựa chọn ngành học ưng ý.

Tiến sĩ Bùi Thị Hoàng Mai - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Kinh tế Phát triển, Học viện Chính sách và Phát triển đã có những chia sẻ về việc lựa chọn ngành học, chương trình đào tạo và trường đại học phù hợp với sở thích, nguyện vọng của thí sinh.

Theo Tiến sĩ Mai, thí sinh nên chọn những chương trình đào tạo có tính mở cao, cung cấp cơ hội học tập đa dạng và thúc đẩy việc sáng tạo tri thức. Người học không nên chọn những chương trình quá chuyên sâu vào một vài nghiệp vụ cụ thể, vì các kỹ thuật nghiệp vụ có thể thay đổi liên tục cùng với sự thay đổi của khoa học công nghệ và cách thức làm việc của các tổ chức.

“Đào tạo đại học trước hết là để tăng thêm các năng lực chủ chốt, giúp thay đổi thái độ và giá trị bản thân, dễ dàng thích ứng và thành công khi gia nhập thị trường lao động. Do đó, người học cần suy nghĩ kỹ, xác định giá trị cốt lõi của bản thân, chọn ngành, chọn chương trình đào tạo và chọn trường phù hợp”, Tiến sĩ Mai bày tỏ.

 Tiến sĩ Bùi Thị Hoàng Mai - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Kinh tế Phát triển, Học viện Chính sách và Phát triển. (Ảnh: NTCC)

Tiến sĩ Bùi Thị Hoàng Mai - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Kinh tế Phát triển, Học viện Chính sách và Phát triển. (Ảnh: NTCC)

Theo tìm hiểu của phóng viên, điểm đáng chú ý là chương trình đào tạo các chuyên ngành (Kinh tế Phát triển; Kế hoạch Phát triển; Kinh tế Hợp tác) thuộc ngành Kinh tế Phát triển của Học viện Chính sách và Phát triển được xây dựng không những dựa trên việc tham khảo chương trình đào tạo các ngành đúng hoặc ngành gần của các trường đại học trong và ngoài nước, mà còn dựa trên việc tìm hiểu các triết lý, các học thuyết về chương trình đào tạo, về các yếu tố tạo nên sự thành công của sinh viên, và các lý thuyết về quản trị tri thức.

Do đó, chương trình đào tạo ngành Kinh tế Phát triển được thiết kế theo hướng xác định các yếu tố cốt lõi giúp sinh viên thành công và có khả năng thích ứng trước sự biến đổi liên tục của xã hội. Đồng thời, chương trình cũng được thiết kế theo hướng linh hoạt, với tập hợp môn lựa chọn phong phú và đa ngành. Điều này giúp sinh viên tự tin thử sức ở nhiều lĩnh vực sau khi ra trường mà không cảm thấy bị trái ngành.

Chương trình đào tạo phát triển 6 năng lực chủ chốt cho người học

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Thị Hoàng Mai đã chia sẻ về cách xây dựng chương trình đào tạo ngành Kinh tế Phát triển

Theo đó, chương trình được thiết kế theo tư tưởng sáng tạo tri thức, dựa trên Lý thuyết Sáng tạo tri thức của Nonaka (1994). Theo đó, chương trình đào tạo của ngành coi việc đào tạo là một quá trình sáng tạo tri thức thay vì chỉ truyền đạt một chiều từ giảng viên đến sinh viên.

Chương trình đào tạo ngành Kinh tế Phát triển được phân bổ thời lượng học thành các tiết lý thuyết, bài tập thực hành cá nhân và nhóm, thuyết trình, tự học và trải nghiệm. Người học có cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học, hoạt động thực tiễn, ngoại khóa, và các chuyến thực địa. Chương trình nhấn mạnh sự trao đổi, học hỏi cá nhân, và biến kiến thức từ bên ngoài thành kiến thức của bản thân. Điều này giúp hình thành logic giữa các khối kiến thức và tạo điều kiện cho sự sáng tạo kiến thức mới.

Tiến sĩ Mai nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, không thể đào tạo người học theo một công việc hay nghề nghiệp cụ thể. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã thay đổi nhiều ngành nghề, vì vậy tập trung vào đào tạo các nghiệp vụ cụ thể có thể khiến người học gặp rủi ro khi xã hội thay đổi.

"Chương trình đào tạo đại học không nên giống đào tạo nghề, mà cần bổ sung cách tiếp cận theo hướng xác định các trụ cột năng lực cần đào tạo. Việc cung cấp chuỗi cơ hội học tập đa dạng và xây dựng khả năng sáng tạo kiến thức liên tục cho người học là yếu tố quan trọng giúp họ thích nghi với sự thay đổi nhanh của xã hội", cô Mai chia sẻ.

 Thầy và trò Khoa Kinh tế Phát triển, Học viện Chính sách và Phát triển. (Ảnh: NTCC)

Thầy và trò Khoa Kinh tế Phát triển, Học viện Chính sách và Phát triển. (Ảnh: NTCC)

Học viện Chính sách và Phát triển xây dựng chương trình đào tạo ngành Kinh tế Phát triển dựa trên mô hình 6 năng lực chủ chốt: (1) Đa kỹ năng (Multi-literacies); (2) Giải quyết vấn đề (Problem solving); (3) Sáng tạo (Creativity); (4) Tham gia cộng đồng (Community participation); (5) Tự quản lý (Self - Management); (6) Kiến thức về bản thân, người khác và môi trường (Knowledge of self, others, and environment).

Theo Tiến sĩ Mai, chương trình đào tạo đại học cần đáp ứng ba yêu cầu mấu chốt để đạt được 6 năng lực trên.

Thứ nhất, về kiến thức, chương trình cung cấp các cơ hội học tập liên quan đến kiến thức lý thuyết, công cụ tư duy và công cụ nghiên cứu, nhấn mạnh các khái niệm, quy luật và cấu trúc cơ bản, cũng như logic giữa các vấn đề, giúp sinh viên nâng cao năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề.

Thứ hai, về kỹ năng, chương trình chú trọng kỹ năng xử lý thông tin và dữ liệu, tự quản lý và tham gia cộng đồng. Sinh viên thường xuyên thu thập và xử lý dữ liệu thực tế, thực hiện các nghiên cứu thông qua phỏng vấn, thảo luận nhóm và khảo sát. Chương trình cũng kết hợp phát triển kỹ năng ngôn ngữ, sử dụng Ngoại ngữ và Tin học, đồng thời thúc đẩy sinh viên tham gia các hoạt động cộng đồng để rèn luyện kỹ năng tự quản lý.

Thứ ba, chương trình tạo cơ hội để sinh viên phát triển đa kỹ năng và sáng tạo. Sinh viên được khuyến khích tự nhận thức giá trị cốt lõi của bản thân, tự tin theo đuổi đam mê và sẵn sàng với các cơ hội trong và ngoài chuyên ngành. Chương trình cũng cung cấp cơ hội học các môn học từ các chuyên ngành khác trong học viện, giúp sinh viên có kiến thức sâu rộng không chỉ về kinh tế phát triển mà còn về marketing, kế toán, logistics, thương mại quốc tế, ngân hàng, tài chính và luật.

Cũng theo Tiến sĩ Mai, đổi mới sáng tạo đòi hỏi kiến thức liên ngành, do đó, Khoa Kinh tế Phát triển sẽ trang bị đầy đủ kiến thức chuyên sâu về các chuyên ngành của ngành Kinh tế Phát triển, đồng thời cho phép sinh viên được lựa chọn nhiều môn học từ các chuyên ngành khác để đa dạng hóa kiến thức và kỹ năng, đảm bảo sinh viên có khả năng thích ứng và phát triển trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng.

Làm việc đúng ngành đào tạo

Trước câu hỏi sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế Phát triển có thể làm công việc gì, có nhiều cơ hội làm việc đúng ngành hay không, Tiến sĩ Mai chia sẻ, với ngành Kinh tế Phát triển, mặc dù sinh viên sẽ học chuyên sâu theo một trong các chuyên ngành Kinh tế Phát triển, Kế hoạch Phát triển, Kinh tế Hợp tác nhưng các em cũng được cung cấp rất nhiều cơ hội học tập khác ở tập hợp các môn lựa chọn của chương trình học (chiếm 27/130 tín chỉ).

“Trên nền tảng kiến thức và năng lực cơ bản được cung cấp, các bạn sinh viên ngành Kinh tế Phát triển có thể chọn học thêm các môn học khác như marketing, kế toán, logistics, thương mại quốc tế, ngân hàng, tài chính, luật,... hoàn toàn tùy thuộc vào lựa chọn của các em. Chúng tôi cho rằng việc đa dạng hóa kiến thức và kỹ năng như vậy sẽ thúc đẩy khả năng đổi mới sáng tạo của sinh viên, đồng thời mở rộng cơ hội việc làm của các em sau khi ra trường”, cô Mai chia sẻ.

 Sinh viên Khoa Kinh tế Phát triển của Học viện Chính sách và Phát triển. (Ảnh: NTCC)

Sinh viên Khoa Kinh tế Phát triển của Học viện Chính sách và Phát triển. (Ảnh: NTCC)

Với kiến thức chuyên sâu của các chuyên ngành thuộc ngành Kinh tế Phát triển, sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia làm việc ở các bộ, sở, ban, ngành về xây dựng chính sách, lập kế hoạch, công ty nghiên cứu thị trường, bộ phận nghiên cứu và dự báo kinh tế vĩ mô của các ngân hàng, công ty hay tập đoàn lớn, hoặc xây dựng các cơ sở kinh tế hợp tác để kinh doanh và phát triển cộng đồng. Với những kiến thức được học trong tập hợp lựa chọn, sinh viên ngành Kinh tế Phát triển vẫn có thể làm việc trong các lĩnh vực như marketing, kế toán, thương mại quốc tế, ngân hàng, tài chính.

“Nếu nói tốt nghiệp ngành Kinh tế Phát triển làm công việc đúng ngành – đúng lĩnh vực kinh tế phát triển thì mới chỉ đúng 2/3 nội dung chương trình đào tạo. Người học nên hiểu, làm việc đúng ngành là làm việc phù hợp với nội dung chương trình đào tạo. Nghĩa là sinh viên làm một công việc mà họ đã từng được học khi tham gia chương trình đào tạo. Như vậy, việc sinh viên được cung cấp đa dạng cơ hội học tập ở nhiều mảng khác nhau sẽ cho phép sinh viên có một tập hợp công việc “đúng ngành” lớn hơn nhiều”, Tiến sĩ Mai chia sẻ.

Cần thấy rằng, đào tạo đại học không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để thích nghi với sự biến đổi nhanh chóng của xã hội. Do đó, thí sinh nên chọn những chương trình có tính mở cao, tạo điều kiện cho sự sáng tạo và phát triển toàn diện.

Hồng Đại

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thi-sinh-can-hieu-dung-ve-chuong-trinh-dao-tao-de-lua-chon-nganh-hoc-phu-hop-post244263.gd