Thí sinh chủ động, tự tin với các phương án nguyện vọng

Từ phổ điểm 9 môn và phổ điểm từng khối thi do Bộ GD&ĐT phân tích, các chuyên gia giáo dục nhận định: Điểm chuẩn của các khối thi năm nay tăng nhẹ so với năm trước; trong đó khối thi có Toán, tiếng Anh như khối A, A1, D sẽ tăng cao hơn. Các thí sinh cũng sẵn sàng và tự tin với phương án thay đổi nguyện vọng để phù hợp với điểm thi thực tế của mình.

Phổ điểm tăng, điểm chuẩn sẽ tăng

Qua thống kê, phân tích phổ điểm cho thấy một số tổ hợp các trường đại học thường sử dụng xét tuyển nhiều, điểm thi năm nay tập trung các ngưỡng điểm sau: Khối A điểm thí sinh đạt nhiều là 22-23 điểm; khối A1 điểm thí sinh đạt nhiều từ 21-22 điểm; khối B điểm thí sinh đạt nhiều từ 19-20 điểm; khối D điểm thí sinh đạt nhiều từ 20-21 điểm; khối C điểm thí sinh đạt nhiều từ 18-19 điểm. Đây cũng là một ngưỡng điểm khá cao để các trường tham khảo giúp đưa ra quyết định đúng đắn trong việc đưa ra đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh sao cho phù hợp với năng lực cá nhân…- GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra nhận định.

 Phổ điểm khối A có nhiều học sinh đạt 22-23 điểm

Phổ điểm khối A có nhiều học sinh đạt 22-23 điểm

Theo GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, thí sinh nên dựa trên mức điểm của mình đạt được và với nguyên tắc xét tuyển như hiện nay, các thí sinh hãy tham khảo điểm trúng tuyển năm trước của các trường. Chọn trường, rồi chọn ngành/chương trình đào tạo mình yêu thích, phù hợp với năng lực làm nguyện vọng 1 và không quên dự phòng cho mình từ 3-5 nguyện vọng an toàn.

Còn PGS. TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, kết quả điểm các môn thi/bài thi năm 2021 cơ bản ổn định so với các năm 2019, 2020. Dựa theo kết quả này và sự phân bố điểm thi của thí sinh các khối A (Toán-Lý-Hóa), A1 (Toán-Lý-Anh), D (Toán-Văn-Anh), C (Văn-Sử-Địa) thì thấy rất thuận lợi cho các trường đại học tốp dưới, tốp giữa và cả tốp trên như Bách khoa Hà Nội để xét tuyển. Trong đó, trường đại học tốp giữa sẽ thuận lợi nhất trong lựa chọn nguồn thí sinh phong phú và dễ dàng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Thí sinh nghiên cứu kỹ để điều chỉnh nguyện vọng

Luôn nỗ lực, biết rõ học lực của mình nên Nguyễn Hà Vân, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết sẽ giữ nguyên nguyện vọng như lúc đầu, không thay đổi. Cô chọn ngành dựa trên tiêu chí năng lực kết hợp với sở thích, sở trường nên rất háo hức chờ ngày trường công bố điểm chuẩn để… nhận giấy báo nhập học. “Ngành Quản trị nhân lực- ĐH Thương mại là ngành em rất thích. Khối xét tuyển của em là khối D và điểm thi của em là 27.5 điểm trong khi ngành này năm trước lấy 25.55 điểm. Dù điểm dự báo có tăng nhưng em tự tin là mình sẽ đủ điểm đỗ. Ngoài ra, các nguyện vọng còn lại em ghi vào các ngành có điểm tầm 23-24 điểm ở năm trước. Em luôn tin mình sẽ đỗ nguyện vọng đầu”.

 Thí sinh nghiên cứu kỹ về phương án nguyện vọng (Ảnh: Ngọc Tú)

Thí sinh nghiên cứu kỹ về phương án nguyện vọng (Ảnh: Ngọc Tú)

Về mong muốn thì em thích ngành Công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa; em cũng ghi nguyện vọng 1 là ngành này nhưng từng tham gia Ngày hội Việc làm năm nay, nghe các thầy tư vấn về việc nếu không được ít nhất 29 điểm, không nên “mơ” Bách khoa. Hôm nay, khi tra cứu điểm thi với 27.2 điểm, em sẽ chuyển hướng “mơ” sang Công nghệ thông tin của Đại học Công nghiệp Hà Nội. Em được biết, ngành này của trường Đại học Công nghiệp năm trước lấy 25.6 điểm. Em nghĩ rằng nên căn cứ vào thực tế điểm thi và học lực của mình để điều chỉnh nguyện vọng phù hợp, tránh cứ cố tình, muốn “cao quá” để rồi lại ngậm ngùi vì không đủ điểm”- Nguyễn Anh Vinh, trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội chia sẻ.

Xét tuyển nguyện vọng khối C vào khoa Quản trị văn phòng, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Minh Ngọc (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, bản thân rất thích hình ảnh cô thư ký năng động, thông minh và có cách thức làm việc khoa học nên em mong muốn theo học ngành Quản trị văn phòng để có cơ hội học và hiểu thêm nhiều khía cạnh của một thư ký cũng như một nhân viên văn phòng. Với niềm yêu thích đó, điểm thi khối C đạt 22.8 điểm, Minh Ngọc trông đợi và hy vọng sẽ đủ điểm để vào học khoa này.

“Em theo dõi rất kỹ các thông tin báo chí và nghe phân tích của các thầy, em cũng nghĩ điểm chuẩn năm nay sẽ tăng nhưng em đã chuẩn bị tinh thần từ trước. Ghi nguyện vọng xét tuyển dựa trên tổng hợp cả năng lực- mong muốn- nguyện vọng- sở trường, sở thích và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Em rất hài lòng vào lựa chọn của mình”- Minh Ngọc nói.

Sau thời gian mong ngóng, ngày 26/7, Bộ GD&ĐT đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021. Sau khi biết điểm, các mốc thời gian xét tuyển đại học, cao đẳng thí sinh cần tiếp tục lưu ý đó là: Ngày 5/8/2021, các trường đại học công bố điểm sàn xét tuyển. Từ ngày 7 - 17/8/2021, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học (trực tuyến). Ngày 23/8, công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học (đợt 1). Ngày 1/9/2021: Thí sinh xác nhận nhập học. Từ 8/9 đến tháng 12/2021: Các trường xét tuyển đại học bổ sung.

Nam Du

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thi-sinh-chu-dong-tu-tin-voi-cac-phuong-an-nguyen-vong-428744.html