Thí sinh đỗ vào lớp 10 cần cẩn trọng khi lựa chọn tổ hợp

Việc lựa chọn tổ hợp là khâu rất quan trọng với các thí sinh đã trúng tuyển bởi các em sẽ phát huy được khả năng, sở trường của mình trong quá trình học tập.

Thời điểm này, nhiều địa phương đã công bố điểm chuẩn kỳ thi tuyển sinh 10, năm học 2024-2025 và khi có điểm, các thí sinh sẽ thực hiện các bước nhập học theo hướng dẫn của trường Trung học phổ thông mà các em trúng tuyển.

Trong đó, việc lựa chọn tổ hợp là một khâu rất quan trọng với các thí sinh đã trúng tuyển bởi nếu các em không lựa chọn được những môn học phù hợp thì sau này khó phát huy được khả năng, sở trường của mình. Đồng thời, việc lựa chọn các môn thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học sau này cũng sẽ gặp khó khăn.

Trong khi, việc xếp các môn học cho từng tổ hợp của các trường Trung học phổ thông hiện nay phải căn cứ vào nhân sự hiện có của đội ngũ nhà giáo để các trường không dẫn đến tình trạng thừa- thiếu giáo viên và phát sinh thêm tiền thừa giờ trong năm học.

 Hướng dẫn của 1 trường trung học phổ thông cho học sinh lựa chọn tổ hợp (Ảnh: N.N)

Hướng dẫn của 1 trường trung học phổ thông cho học sinh lựa chọn tổ hợp (Ảnh: N.N)

Lên lớp 10 sẽ có những môn học bắt buộc và môn học lựa chọn

Khác với chương trình 2006, Chương trình giáo dục phổ thông 2028 được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực cho người học.

Chương trình 2018 cũng được chia 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Trong đó, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp rất khác so với chương trình 2006 trước đây.

Theo đó, 8 môn bắt buộc học sinh nào cũng phải học gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Đối với các môn học lựa chọn, học sinh chọn 4 môn học từ các môn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Ngoài ra, học sinh còn lựa chọn thêm một số chuyên đề học tập.

Trong 9 môn học lựa chọn hiện nay: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật đã được Bộ hướng dẫn có 2 môn là Âm nhạc và Mĩ thuật phần lớn vẫn chưa được xếp vào tổ hợp vì gần như các trường trung học phổ thông chưa có giáo viên.

Đối với 7 môn học còn lại: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học đang được các nhà trường cho học sinh lựa chọn. Nhưng, thực tế đa phần các trường phải căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để xây dựng các tổ hợp môn cho học sinh trong trường lựa chọn.

Vì thế, nhiều ban giám hiệu nhà trường sẽ sắp sẵn nhóm tổ hợp (4 môn) và 2 chuyên đề học tập cho học sinh lựa chọn và dựa trên một số tiêu chí cụ thể. Thậm chí, có những trường Trung học phổ thông chuyên sẽ ấn định từng lớp sẽ phải học nhóm môn tổ hợp chứ học sinh không được lựa chọn môn.

Bởi lẽ, việc xếp sẵn tổ hợp, chuyên đề học tập và ấn định cho các lớp nhằm đảm bảo số tiết dạy cho giáo viên và kinh phí đã được ngân sách khoán cho nhà trường.
Nếu cho học sinh lựa chọn môn theo sở thích, sở trường sẽ dẫn đến tính trạng có những môn được học sinh lựa chọn nhiều thì sẽ thiếu giáo viên; môn học sinh lựa chọn ít thì sẽ thừa giáo viên.

Nhưng, nếu giáo viên thừa tiết/năm thì đương nhiên nhà trường phải trả tiền thừa giờ nhưng những giáo viên thiếu tiết thì nhà trường không thể trừ lương được. Vì thế, sự hài hòa các môn học cho từng tổ hợp là điều mà các nhà trường phải hướng đến.

Từ đây, dẫn đến có những em sẽ học những tổ hợp phù hợp vì có nhiều môn đúng sở trường nhưng cũng không ít học sinh gặp tổ hợp có nhiều môn không đúng sở trường sẽ gặp áp lực trong quá trình học tập suốt 3 năm học sau này.

Lựa chọn nhóm tổ hợp rất quan trọng khi học sinh bước vào lớp 10

Những năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh 10 ở nhiều địa phương tương đối căng thẳng, áp lực. Vì thế, suốt thời gian 4 năm của cấp Trung học cơ sở, nhiều học sinh dành phần lớn thời gian cho các môn thi tuyển sinh 10. Dẫn đến tình trạng một bộ phận học sinh học lệch ngay từ cấp Trung học cơ sở nhằm mục đích đỗ tuyển sinh 10.

Vì vậy, khi đậu lớp 10, một số môn học, học sinh chưa chú tâm ở cấp Trung học cơ sở có thể nằm trong môn học bắt buộc, hoặc môn học lựa chọn mà các em sẽ gắn bó suốt 3 năm Trung học phổ thông chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

Một học sinh đang học tại một trường Trung học phổ thông chuyên ở một tỉnh phía Nam chia sẻ: “Trước đây, khi học Trung học cơ sở em tập trung nhiều vào các môn Toán, Văn, Anh để thi tuyển sinh 10 chuyên. Các môn học còn lại không được đầu tư nhiều.

Tuy nhiên, khi vào lớp 10, em được xếp vào học các môn lựa chọn: Lí, Hóa, Sinh, Công nghệ và 2 chuyên đề học tập là Vật lí và Sinh học. Chính vì thế, việc học ở năm lớp 10 vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, áp lực vì học ở trường chuyên, các thầy cô yêu cầu rất cao”.

Một số học sinh học ở các trường không chuyên cũng gặp những khó khăn nhất định khi các em lựa chọn tổ hợp có những môn học mình thích nhưng vì số lượng học sinh đăng ký nhiều và yêu cầu về điểm số một số môn cho từng tổ hợp nên đành phải lựa chọn những nhóm tổ hợp còn lại do nhà trường xây dựng sẵn. Chính vì thế, các em có thể gặp nhiều khó khăn trong việc học mà rất khó đổi sang lớp khác.

Bởi lẽ, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh nếu chọn sai có thể đổi tổ hợp môn nhưng việc đó chỉ được thực hiện khi hết chương trình học lớp 10. Nhưng, việc này rất khó khăn cho học sinh bởi sau 1 năm học, nếu muốn chuyển sang tổ hợp khác, lớp học khác, các em sẽ phải tự bổ trợ kiến thức để vượt qua bài kiểm tra của nhà trường.

Tuy nhiên, lượng kiến thức môn học sau 1 năm cũng khá nhiều, các em sẽ phải vừa học lớp 11, vừa học bổ sung kiến thức lớp 10, điều đó không dễ dàng. Cho nên, phụ huynh và học sinh cần cân nhắc, có sự lựa chọn đúng.

Học sinh đậu lớp 10 dù vui nhưng phụ huynh và học sinh phải tỉnh táo trong việc lựa chọn nhóm tổ hợp phù hợp ở cấp Trung học học phổ thông. Bởi, việc lựa chọn tổ hợp liên quan đến chọn ngành nghề, lĩnh vực nghề nghiệp mà học sinh muốn theo đuổi sau này. Hoặc, sau một thời gian học tập, vì một lí do nào đó phải chuyển trường.

Thực ra, việc lựa chọn tổ hợp ở lớp 10 hiện nay chắc chắn học sinh không thể nào lựa chọn được tất cả các môn học mình yêu thích vì đa phần các trường xây dựng sẵn từng tổ hợp cho học sinh lựa chọn nhóm tổ hợp mà thôi.

Song, lựa chọn được nhóm tổ hợp (4 môn) và chuyên đề học tập mà trong đó có khoảng 2-3 môn, cùng với 1 chuyên đề đúng sở trường, sở thích cũng đã là một thành công của học sinh.

Có được nhiều môn lựa chọn mà học sinh yêu thích thì các em sẽ thuận lợi và bớt đi áp lực trong quá trình học tập ở cấp Trung học phổ thông. Sau này, các em cũng thuận lợi trong việc thi tốt nghiệp từ năm 2025 (2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn) và xét tuyển đại học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thi-sinh-do-vao-lop-10-can-can-trong-khi-lua-chon-to-hop-post243927.gd