Thí sinh nên chọn ngành gì để có việc làm ngay sau khi ra trường?

Để có việc làm ngay sau khi ra trường không chỉ phụ thuộc vào ngành thí sinh lựa chọn mà còn dựa theo năng lực của người học như khả năng chuyên môn, kỹ năng làm việc, sự thích ứng với môi trường luôn thay đổi…

Nói về xu thế nghề nghiệp trong tương lai, TS. Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, cho rằng bên cạnh các ngành “hot” như nhóm ngành Kinh doanh – Quản lý (như Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế…) và nhóm ngành Kỹ thuật (như Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu…), còn có các ngành đào tạo mang tính chất liên ngành.

Đó là sự kết hợp của các nhóm ngành trên như Công nghệ Tài chính, Ngân hàng số, Khoa học dữ liệu trong kinh doanh… “Đây được dự đoán là những ngành nghề xu thế trong các năm tới, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các mặt của xã hội”, TS Trần Mạnh Hà nói.

Tuy nhiên, theo ông Hà, để có việc làm ngay sau khi ra trường không chỉ phụ thuộc vào ngành nghề thí sinh lựa chọn mà còn phụ thuộc phần lớn vào năng lực của người học.

Năng lực này bao gồm khả năng chuyên môn, năng lực số, tư duy phản biện, tư duy hệ thống, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng thích ứng với môi trường luôn thay đổi…

“Do đó, bên cạnh việc lựa chọn ngành nghề, điều quan trọng, thí sinh cần chuẩn bị hành trang tốt nhất trước khi bước vào thị trường việc làm”, ông Hà nói.

PGS.TS. Phạm Nguyên Hải, giảng viên khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Do đó, các ngành thuộc lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ viễn thông, Tự động hóa, Công nghệ sinh học… sẽ là những ngành học xu hướng trong tương lai.

“Nếu đạt trên 26 điểm, thí sinh có thể mạnh dạn đăng ký vào các ngành Kỹ thuật Điện tử và Tin học, Khoa học dữ liệu...

Ngoài ra, thí sinh có thể tham khảo các ngành khoa học cơ bản như Vật lý, Khoa học Vật liệu, Hóa học, Sinh học... Mặc dù là các ngành khoa học cơ bản, nhưng đây lại là nền tảng căn bản để phát triển các ngành, lĩnh vực trong thời đại 4.0. Do đó, thí sinh vẫn có thể phát triển các hướng chuyên sâu hiện đại để đón đầu xu thế”, PGS Hải nói.

TS. Hoàng Chí Hiếu, Phó trưởng Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cũng cho rằng các ngành khoa học cơ bản sẽ phù hợp với những thí sinh có tính cách hướng nội.

“Hiện nay, nhiều tập đoàn công nghệ đa quốc gia đang mở rộng các trung tâm R&D (Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm) ở Việt Nam nên rất cần nguồn nhân lực trong các ngành khoa học cơ bản. Những người có tính cách hướng nội nếu phát triển được khả năng chuyên môn, đồng thời tích lũy các kỹ năng mềm trong quá trình học sẽ nhanh chóng có công việc tốt sau khi ra trường”, TS. Hoàng Chí Hiếu chia sẻ.

Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, những ngành Công nghệ thông tin liên quan nhiều đến Robot, Trí tuệ nhân tạo hay những ngành Tự động hóa liên quan đến Cơ điện tử, Cơ khí, Điện tử viễn thông… sẽ phát triển nhanh chóng trong tương lai.

“Đặc biệt, Công nghệ thông tin sẽ là ngành hỗ trợ cho rất nhiều ngành nghề khác, từ Du lịch, Kinh tế, Sức khỏe… đến các ngành tưởng chứng không liên quan lắm như Ngôn ngữ, ví dụ học ngôn ngữ qua các app điện thoại. Thí sinh có thể lưu tâm tới ngành học này”.

Tuy nhiên theo ông Khánh, để chọn được ngành nghề phù hợp không chỉ dựa trên nhu cầu của thị trường lao động. Thí sinh cần phải xác định được tính cách, năng lực phù hợp với ngành nghề nào mới có thể phát triển lâu dài.

“Các em cần phải trả lời các câu hỏi như: Mình có thực sự yêu thích, đam mê với ngành nghề đó không? Mình có cơ hội phát triển không?... trước khi muốn gắn bó dài lâu với ngành học ấy. Không ít sinh viên khi theo học trong trường đại học được 1-2 năm, thấy mình không phù hợp lại phải chuyển sang ngành khác”, ông Khánh nói.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, cho rằng ngành nào cũng vô cùng cần thiết với sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Do đó, thí sinh không nên nặng nề việc phải chọn ngành hot mà quên việc nhìn vào thực lực bên trong bản thân. Các em cần phải trả lời câu hỏi: “Sẽ làm gì trong tương lai với nghề nghiệp đã lựa chọn?”.

“Thực tế, có những lĩnh vực rất khó tuyển dụng nhưng đất nước lại vô cùng cần. Nếu có năng lực thực sự, các em vừa có sự thành công cá nhân, vừa có thể tạo ra sự thay đổi cho đất nước”, bà Thủy nói.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nen-chon-nganh-gi-de-co-viec-lam-ngay-sau-khi-ra-truong-2165094.html