Thí sinh, phụ huynh vỡ òa cảm xúc sau khi hạ điểm chuẩn vào lớp 10

Khi điểm chuẩn bổ sung lớp 10 năm học 2024 – 2025 chính thức được công bố, hàng nghìn phụ huynh, thí sinh cùng vỡ òa cảm xúc. Nhiều giọt nước mắt đã rơi vì hạnh phúc, vui mừng và cả hụt hẫng, tiếc nuối…

Số trường tuyển bổ sung tăng kỷ lục

Nếu như năm học 2023 – 2024, Hà Nội có 31 trường THPT tuyển bổ sung thì năm nay, số trường tuyển bổ sung tăng gấp đôi: 63 trường (60 trường không chuyên, 3 trường chuyên).

Thí sinh tham dự kỳ thi lớp 10 tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng.

Thí sinh tham dự kỳ thi lớp 10 tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng.

Trong số trường THPT công lập không chuyên tuyển bổ sung, có dưới 1/3 là trường thuộc khu vực nội thành, bao gồm các trường THPT tốp đầu như: THPT Chu Văn An (giảm 0,5 điểm); THPT Yên Hòa (giảm 0,25 điểm) và một số Trường: THPT Nhân Chính, THPT Cầu Giấy, THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa, THPT Nguyễn Trãi – Ba Đình…

Một số trường khác, được nhiều phụ huynh, thí sinh kỳ vọng giảm điểm chuẩn như: THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông, THPT Việt Đức – Hoàn Kiếm, THPT Phan Đình Phùng… đã tuyển đủ học sinh nên không tuyển bổ sung.

Tại phần lưu ý trong quyết định tuyển sinh bổ sung, Sở GD&ĐT Hà Nội đề cập đến 2 trường THPT tuyển tràn tuyến là Trường THPT Minh Quang - Ba Vì và Trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng. Cụ thể, Trường THPT Minh Quang – Ba Vì được tuyển bổ sung toàn TP với những học sinh không trúng tuyển các nguyện vọng đã đăng ký và có điểm xét tuyển từ 17 điểm trở lên (nếu còn thiếu chỉ tiêu). Trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng lần đầu tiên có mặt trong tốp trường có điểm chuẩn lớp 10 thấp nhất toàn TP cũng được phép tuyển sinh toàn TP với những học sinh không trúng tuyển các nguyện vọng đã đăng ký nhưng phải có điểm xét tuyển từ 25,75 trở lên (còn thiếu 62 chỉ tiêu).

Với 2 trường tràn tuyến, Sở GD&ĐT lưu ý: những học sinh đủ điều kiện xét tuyển bổ sung vào 2 trường trên phải thực hiện đăng ký xét tuyển bổ sung theo hình thức trực tuyến vào trường qua cổng tuyển sinh đầu cấp của TP (tsdaucap.hanoi.gov.vn) từ 13 giờ 30 ngày 13/7 đến 17 giờ ngày 16/7.

Từ 8 giờ ngày 17/7, Hội đồng tuyển sinh nhà trường họp xét duyệt danh sách đăng ký xét tuyển bổ sung của học sinh theo điểm xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu được giao. Trường hợp học sinh có điểm xét tuyển bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng, các nhà trường báo cáo Sở GD&ĐT để được xem xét, giải quyết.

14 giờ ngày 17/7, các trường nộp danh sách đề nghị trúng tuyển về sở. Trước 9 giờ ngày 18/7, danh sách học sinh được tuyển bổ sung được công lại tại các nhà trường và trên cổng thông tin điển tử của ngành giáo dục Hà Nội (hanoi.edu.vn). Học sinh trúng tuyển bổ sung nộp hồ sơ nhập học vào trường từ 8 giờ ngày 29/7 đến 17 giờ ngày 29/7 (theo giờ hành chính).

Với trường THPT chuyên, năm nay có 3 trường chuyên hạ điểm chuẩn; trong đó THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam có 4 chuyên hạ điểm chuẩn (toán, sinh, tin, tiếng Nga); chuyên Nguyễn Huệ có 6 chuyên tuyển bổ sung (toán, lý, sinh, tin, tiếng Anh, tiếng Pháp), THPT Chu Văn An hạ điểm chuẩn với 4 chuyên (toán, lý, tin, tiếng Anh). Ngoài ra, các lớp song ngữ tiếng Pháp, song bằng tú tài cũng tuyển bổ sung.

Nhiều cảm xúc trái ngược

Thí sinh nào trực tiếp rơi vào cảnh thiếu điểm hoặc điểm xét tuyển xấp xỉ điểm trúng tuyển vào các trường mới hiểu, chia sẻ và cảm thông được với cảm xúc của người trong cuộc. Với người này có thể là hạnh phúc, vui mừng, nhưng người khác lại là hụt hẫng và tiếc nuối…

Thí sinh được phụ huynh động viên sau khi rời khỏi phòng thi.

Thí sinh được phụ huynh động viên sau khi rời khỏi phòng thi.

Chị Lưu Ngọc Hà, trú tại quận Thanh Xuân có con trai thiếu 0,75 điểm chuyên tin của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Chị luôn ý thức được rằng, hy vọng trúng tuyển bổ sung vào chuyên tin Ams là điều rất khó xảy ra. Nhưng rồi, ngày qua ngày, nhìn con than thở, buồn rầu, chị Hà lại mong ngóng trường Ams hạ điểm chuẩn chuyên tin vì biết đâu, may mắn sẽ đến với con.

“Gia đình chờ trường hạ điểm chuẩn từ sáng đến tối. Tròn 12 tiếng đồng hồ canh cả website Sở GD&ĐT, cả mạng xã hội, báo chí, cuối cùng chuyên tin Ams hạ 1 điểm. Từ thiếu 0,75 điểm; con thành thừa 0,25 điểm chuyên tin trường Ams” - chị Hà hạnh phúc kể.

Nhiều thí sinh, phụ huynh đồng cảm với mẹ con chị Hà khi đã được toại nguyện nhưng không ít học sinh, phụ huynh mang tâm trạng hụt hẫng khi chỉ suýt soát điểm đỗ nhưng vẫn trượt.

Em Nguyễn Thu Trà, trú tại quận Hà Đông cho biết: “Em thiếu 0,25 điểm là đỗ nguyện vọng 1 vào trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông. Em cũng trông chờ trường tuyển bổ sung nhưng trong 60 trường hạ điểm chuẩn năm nay lại không có Trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông. Có lẽ em sẽ ôm nỗi ngậm ngùi này suốt cả năm học tới”.

Chia sẻ câu chuyện của mình, chị Mai Hà Lan, trú tại quận Nam Từ Liêm bày tỏ, con gái chị được 31 điểm và trượt cả 3 nguyện vọng. Khi đọc thông tin thấy Trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng tuyển tràn tuyến và con đủ điều kiện xét tuyển bổ sung, chị rất mừng.

“Biết là con thêm cơ hội để hy vọng học công lập nhưng trường thiếu có 62 chỉ tiêu, nhận hồ sơ trực tuyến và xét từ cao xuống thấp thì không biết khả năng đỗ của con đến đâu. Gia đình tôi đã phân công 4 thành viên trực web tuyển sinh của trường để nộp hồ sơ trực tuyến cho con. Và tiếp sau đó sẽ phải chờ đợi thêm vài ngày nữa mới biết danh sách trúng tuyển...” - chị Lan cho biết.

Mùa tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 – 2025 dần khép lại. Tất cả thí sinh tham dự và hoàn thành kỳ thi đều là những chiến binh dũng cảm và dù kết quả thế nào, các em xứng đáng được nghỉ ngơi, động viên. Với đa dạng loại hình trường như hiện nay, các em có nhiều cơ hội để lựa chọn bởi TP luôn bảo đảm đủ chỗ cho học sinh sau tốt nghiệp THCS. Để đáp ứng nhu cầu của học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội mới giao hơn 1.500 chỉ tiêu bổ sung vào các trường THPT ngoài công lập và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thi-sinh-phu-huynh-vo-oa-cam-xuc-sau-khi-ha-diem-chuan-vao-lop-10.html