Thi THPT Quốc gia: Những lỗi sai khi làm môn Văn

Thầy giáo Trịnh Văn Quỳnh - giáo viên tại Nam Định đã lưu ý thí sinh những lỗi cơ bản khi làm bài thi môn Ngữ văn, kỳ thi THPT Quốc gia.

Theo thầy Quỳnh, thông qua quá trình ôn tập, các kỳ thi thử THPT Quốc gia, nhiều thí sinh có kiến thức vững vàng nhưng chưa chú ý đến kỹ năng làm bài nên dễ xảy ra sai sót, mất điểm ở những chi tiết dù rất nhỏ.

 Thầy giáo Trịnh Văn Quỳnh.

Thầy giáo Trịnh Văn Quỳnh.

Để bài thi Ngữ văn có thể đạt từ 8 điểm trở lên, các thí sinh thường mắc những lỗi cơ bản như sau:

Thiếu ý khi trả lời phần Đọc hiểu
Phần Đọc hiểu chủ yếu đòi hỏi kỹ năng khai thác thông tin và phản hồi thông tin trong văn bản vì vậy phải đọc kỹ các từ để hỏi tránh thiếu ý:
Câu hỏi yêu cầu nêu "những" (những phương thức biểu đạt, những tín hiệu, những thông điệp): Thí sinh đưa ra ít nhất 2 ý.
Dạng câu hỏi tìm kiếm: Thường yêu cầu chỉ ra, liệt kê, nêu lại… câu trả lời nằm ngay trong văn bản. Thí sinh phải ghi lại (chép lại) đầy đủ, nguyên vẹn các ý liên quan trong văn bản.
Dạng câu hỏi phân tích biện pháp tu từ cần nêu đủ: Tên biện pháp tu từ, từ ngữ thể hiện, tác dụng. Phần tác dụng phải nêu đủ tác dụng gợi hình (nhấn mạnh ý nghĩa nội dung) gợi cảm (cảm xúc của tác giả), tạo nhịp điệu (đối với phép tu từ ngữ âm), tăng tính chặt chẽ và sức thuyết phục (đối với văn bản nghị luận).
Dạng câu hỏi nêu ý nghĩa của một khái niệm, một hình ảnh, một câu nói: Các em cần làm rõ nghĩa tường minh và hàm ẩn. Phân biệt câu hỏi "Anh/chị hiểu…" – đòi hỏi giải nghĩa "là gì?" và câu hỏi "Tại sao tác giả lại cho rằng…" – đòi hỏi lý giải "vì sao?".
Dạng câu hỏi giải thích vì sao, rút ra thông điệp: Thí sinh nên đưa ra ít nhất 2 ý, các ý đó phải khác nhau. Nếu băn khoăn với một ý nào đó hãy mạnh dạn viết ra sẽ giúp lập luận đầy đủ và thuyết phục hơn.
Cách thức trình bày chưa hợp lý
Đối với phần Đọc hiểu, người chấm thường căn cứ vào đáp án để đếm ý cho điểm vì vậy thí sinh chỉ nên viết thật ngắn gọn. Đặc biệt nên gạch ý và xuống dòng để phân biệt giữa các ý. Các ý phải ngắn gọn nhưng phải cụ thể, tường minh tránh cách viết chung chung.
Tránh cách viết dài dòng không cần thiết. Ví dụ ở câu hỏi "Anh/chị có đồng ý… vì sao?". Học sinh tách rõ 2 ý: Nêu quan điểm đồng ý/không đồng ý và nêu rõ lí do.
Phần lí do có thể gạch đầu dòng. Nhiều em viết thành đoạn văn dài có giới thiệu, dẫn dắt, thậm chí nêu dẫn chứng, mở rộng vấn đề… là điều không cần thiết.
Phân biệt các câu hỏi nêu thông điệp: Các em trả lời bằng 1 ý ngắn gọn, rút ra bài học thì kèm theo phân tích lí giải bài học đó.
Phần Nghị luận xã hội viết chung chung, sáo mòn
Phần nghị luận xã hội thí sinh thường chỉ đạt 1/2 điểm nếu đảm bảo hình thức đoạn văn, dung lượng (khoảng 20 – 25 dòng, không sang trang thứ 2), xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
Nếu thí sinh viết chung chung, sáo mòn thì khó đạt điểm cao. Vì vậy, ngoài lí lẽ thuyết phục, thí sinh cần có thêm 1 – 2 dẫn chứng tiêu biểu. Dẫn chứng nêu và phân tích thật ngắn gọn bằng 1 – 2 câu.
Tạo sự khác biệt cho bài viết bằng quan điểm đa chiều, tích cực. Thí sinh biết mở rộng vấn đề. Bài học thông điệp phải ý nghĩa, sâu sắc tránh cách diễn đạt khuôn mẫu, sáo mòn, nêu khẩu hiệu.
Các em có thể sử dụng cách diễn đạt giàu hình ảnh tạo nên thông điệp ẩn dụ cho bài viết, tạo dư âm cho người đọc. Đây là những yếu tố đảm bảo bài làm có đạt từ 1.5 đến 2.0 điểm.
Để đảm bảo các yêu cầu trên, thí sinh đi thằng vào vấn đề nghị luận trong 1 – 2 câu, tránh diễn đạt rườm rà, tránh viết các câu vô nghĩa, thừa thãi; chú ý từ khóa được hỏi để biết đề bài hỏi gì để trả lời tập trung vào vấn đề đó.
Đặc biệt, học sinh cần tránh lặp lại các ý, không nên đưa ra những lí lẽ giống với đoạn trích đọc hiểu. Vì thế, các sĩ tử nhất thiết phải dành khoảng 5 phút gạch ra các ý ra giấy nháp rồi mới viết vào bài thi.
Phần Nghị luận văn học không đúng định hướng
Rất nhiều học sinh không quan tâm đến yêu cầu của đề bài, có gì viết nấy. Nếu chỉ dừng lại ở việc phân tích mà không đúng định hướng của đề bài thì chỉ đạt khoảng 1 – 2 điểm/5 điểm phần Nghị luận văn học.
Thí sinh nên dành thời gian khoảng 5 phút để đọc đề và gạch ý. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. Lưu ý "chi tiết là hạt bụi vàng của tác phẩm" nhưng hình tượng nghệ thuật mới bao trùm và làm nên linh hồn của tác phẩm.
Đề bài thường yêu cầu phân tích 1 hoặc 2 chi tiết của một hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học. Vì vậy, khi phân tích, thí sinh cần đặt chi tiết đó trong tổng thể tác phẩm và hình tượng nghệ thuật của tác phẩm.
Đối với dạng đề phân tích một chi tiết nghệ thuật, thí sinh cần thực hiện theo các bước: Giới thiệu chi tiết (hoàn cảnh, tình huống xuất hiện), thuật dựng lại chi tiết, ý nghĩa của chi tiết trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm, khắc họa đặc điểm của nhân vật, quan niệm của tác giả.
Đối với dạng đề phân tích một đoạn văn cần chú ý mối quan hệ giữa nội dung và nghệ thuật để thấy được sáng tạo trong ngòi bút của tác giả.
Thí sinh cần xác định các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, bình luận, so sánh. Cần giải thích làm rõ các từ khóa, khái niệm, ý kiến nếu có trong đề bài, bàn luận đánh giá vấn đề sau khi phân tích.
Đối với thao tác so sánh, thí sinh nêu ra sự khác biệt về thời đại, hoàn cảnh sáng tác, phong cách tác giả, đặc điểm khuynh hướng sáng tác từ đó mới chỉ ra được sự giống và khác nhau. Thí sinh trình bày càng đầy đủ càng chi tiết ở phần này thì bài làm càng được đánh giá cao.
Cuối cùng, vì bài làm Nghị luận văn học thường có nhiều luận điểm nên cần có câu chuyển ý để đảm bảo bài văn trôi chảy, mượt mà.
Ngay bây giờ, thí sinh có thể làm thử 1 đề trọn vẹn hoặc lấy bài thi thử của bạn để đối chiếu với những lưu ý phía trên xem lại những sai sót trong bài viết ở đâu và tự hoàn thiện.
Cách tốt nhất để nâng cao điểm số của mình không phải là nhồi nhét thêm kiến thức mà là kiểm tra những lỗ hổng mất điểm hay mắc phải.

Lưu Ly

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thi-thpt-quoc-gia-nhung-loi-sai-khi-lam-mon-van-345328.html