Thi thử tốt nghiệp, cả thầy và trò đều mỏi mệt
Nhìn vào lịch thi thử trong tháng 5 và 6 của một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh mà thấy 'choáng': Tháng 5 thi thử 10 lần, tháng 6 thi thử 15 lần, và đều thi vào thứ Bảy và Chủ nhật.
Luật Giáo dục không có quy định nào cho phép các trường trung học phổ thông tổ chức thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông. Thế nhưng, nhiều trường vẫn "lách luật" bằng cách kiểm tra, khảo sát học sinh hàng tuần, hàng tháng khiến cả thầy và trò, phụ huynh học sinh đều khá mệt mỏi.
Một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đã lên lịch thi thử vào tháng 5 và tháng 6 nhìn mà thấy "choáng". Tháng 5 thi thử 10 lần, tháng 6 thi thử 15 lần, thi vào thứ Bảy và Chủ nhật.
Học sinh phải thi thử cả thứ Bảy, Chủ nhật
Tại Thành phố Hồ Chí Minh Học sinh lớp 12 nhiều trường công lập học ngày 9 tiết (sáng 5 tiết, chiều 4 tiết), còn học sinh trường tư thục có khi phải học thêm 4 tiết vào buổi tối, tổng cộng một ngày đêm các em phải học lên đến 13 tiết.
Thường vào đầu học kì 2 của năm học, kế hoạch các trường tự đặt ra là cuối tháng 3 phải dạy xong chương trình lớp 12 để dành thời gian ôn tập cho học sinh kiểm tra cuối năm và ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nhiều giáo viên cho biết, việc các nhà trường tổ chức cho học sinh thi thử không mang nhiều lợi ích nào đáng kể vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều nhìn thấy ngay là học sinh lớp 12 học cả ngày lẫn đêm lại phải thi thử vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật khiến các em bị mệt mỏi, chất lượng bài làm không cao.
Cùng với đó, nhiều học sinh cũng biết, điểm thi thử không sử dụng vào việc kết quả học tập nên rất nhiều em chỉ làm bài đối phó, viết qua loa cho xong. Trong quá trình chấm bài, giáo viên thường thấy nhiều học sinh đánh "lụi" (tích bừa vào chọn đáp án) môn trắc nghiệm theo một hoặc hai phương án trong số bốn phương án.
Thi thử - áp lực thật
Để tổ chức cho học sinh thi thử, nhà trường phải thành lập hội đồng thi có đầy đủ ban bệ như khi thi thật – chỉ không có thanh tra thi. Nghĩa là cũng có chủ tịch hội đồng thi, giám thị, giám khảo, lao công, bảo vệ phục vụ cho kì thi thử này.
Giáo viên trung học phổ thông lẽ ra chỉ dạy một tuần 17 tiết thì nay họ phải coi thi thử, chấm thi thử rất mất thời gian, công sức và tiền bạc – chi phí đi lại, ăn uống – mà không hề được hỗ trợ chi phí.
Vừa coi thi thử, chấm thi thử và hoàn tất các thủ tục liên quan đến kì thi thử có khi giáo viên phải mất cả tuần lễ, nhưng những công việc này bị nhầm tưởng là việc chính khóa, cũng chẳng mấy khi nhận được sự cảm thông từ lãnh đạo hay phụ huynh học sinh.
Sau kì thi thử, hiệu trưởng triệu tập tổ trưởng, giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm họp chuyên môn. Trong cuộc họp, hiệu trưởng phân tích chất lượng bài thi của từng môn khiến giáo viên có môn thi chất lượng thấp, rất áp lực.
Nên chấm dứt thi thử tốt nghiệp
Về hành lang pháp lí, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quy định nào yêu cầu các nhà trường phải tổ chức kì thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông cả. Chỉ có một kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức theo Luật Giáo dục.
Cùng với đó, Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT (được sửa đổi bởi khoản 3, 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT) quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên trung học phổ thông là 42 tuần.
Nếu hiệu trưởng yêu cầu giáo viên làm việc ngoài thời gian quy định – chẳng hạn Chủ nhật, thì họ phải được trả tiền làm thêm theo quy định của Bộ Luật lao động, phải nhận được số tiền lương ít nhất bằng 200%.
Việc tổ chức thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc cho cả thầy và trò và phụ huynh học sinh. Nếu một trường trung học phổ thông có 500 học sinh lớp 12, chỉ riêng tiền văn phòng phẩm phục vụ cho kì thi này cũng tốn kém nhiều chi phí. Chưa kể nhân lực, huy động cả học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên vào rất nhiều việc, chồng lên cả các kế hoạch khác.
Đáng nói, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông cả nước năm 2020 đạt 98,34%; năm 2022 tiếp tục được duy trì và giữ ổn định so với năm 2021 với tỷ lệ tốt nghiệp 98,57%. Vậy, có nhất thiết phải tổ chức kì thi thử kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông như các nhà trường đang thực hiện hay không?