Thi tốt nghiệp môn Ngữ văn: Lưu ý thêm lệnh phụ trong tác phẩm thơ

Lệnh phụ câu nghị luận văn học chiếm 0,5 điểm/5 điểm. Học sinh lưu ý thêm lệnh phụ của một số tác phẩm thơ để làm bài thi cho tốt.

Tác phẩm "Việt Bắc"

Nhận xét về đặc điểm tính trữ tình – chính trị trong thơ Tố Hữu

Tranh minh họa bài thơ "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu trong sách giáo khoa Ngữ văn.

Tranh minh họa bài thơ "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu trong sách giáo khoa Ngữ văn.

Tính chính trị: "Việt Bắc" đề cập đến một sự kiện lịch sử có ý nghĩa lớn với cả dân tộc: Trung ương Đảng và Chính phủ rời căn cứ địa Việt Bắc để trở về Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Cảm hứng của Tố Hữu trong đoạn thơ là hướng đến cuộc kháng chiến hào hùng và chiến thắng vẻ vang của quân dân Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp.

Tính trữ tình: Niềm tự hào, niềm vui hân hoan của nhà thơ. Đó là tình cảm cách mạng: tình đồng chí, đồng đội, tình cảm đối với nhân dân, với Đảng, với lãnh tụ, tinh thần quốc tế vô sản.

Chất thơ trữ tình – chính trị của Tố Hữu lại được thể hiện ở giọng điệu riêng rất dễ nhận ra. Đó là giọng tâm tình ngọt ngào, là giọng của tình thương mến. Đó là lối hát đối đáp quen thuộc của ca dao được trở đi trở lại trong từng chữ bài thơ "Việt Bắc". Vì thế, toàn bài thơ trở thành khúc hát ân tình nồng thắm với tình thơ tha thiết, điệu thơ ngọt ngào, nhẹ nhàng như lời ru.

Các khái niệm chính trị đi vào thơ Tố Hữu không hề khô khan mà được xúc cảm trở thành cảm hứng. Tố Hữu đã đem vào thơ cách mạng một tiếng nói trữ tình với những xúc cảm chân thành, mãnh liệt tạo được một năng lượng lan truyền rộng khắp và rung cảm đối với người đọc.

Nhận xét tính dân tộc đậm đà trong thơ Tố Hữu

Xét về mặt nội dung, bài thơ "Việt Bắc" đã thể hiện được những vấn đề nóng bỏng mang vận mệnh dân tộc, thể hiện được hình ảnh con người Việt Nam trong kháng chiến. Sáng tác bài thơ "Việt Bắc", Tố Hữu không chỉ thay lời nhân dân nói lên lòng biết ơn với Đảng, với Bác kính yêu mà ông còn thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng với nhân dân Việt Bắc.

Tố Hữu ca ngợi tình cảm thủy chung sắt son của người dân Việt Bắc và người chiến sĩ cách mạng chính là ca ngợi truyền thống: "uống nước nhớ nguồn", truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc. Khí thế của cả dân tộc cùng ra trận thật hào hùng, mãnh liệt, không một thế lực nào có thể ngăn cản được.

Bài thơ "Việt Bắc" còn đánh dấu sự thành công của Tố Hữu ở phương diện nghệ thuật mang đậm tính dân tộc biểu hiện ở thể thơ, ngôn từ, nhạc điệu, hình ảnh. Tố Hữu vốn là người xứ Huế - nơi có những làn điệu dân ca ngọt ngào. Những lời ru của mẹ đã thấm vào tâm hồn thơ Tố Hữu, đi vào trang thơ của ông.

Bài thơ "Việt Bắc" được viết theo thể thơ lục bát với lối kết cấu đối đáp như câu hát giao duyên của đôi trai gái yêu nhau. Vì thế câu chuyện chính trị đã được tác giả chuyển hóa giống như câu chuyện tình yêu đôi lứa.

Tác phẩm "Tây Tiến"

Nhận xét cảm hứng lãng mạn trong thơ Quang Dũng

Cảm hứng lãng mạn: cảm xúc mãnh liệt, vượt lên trên thực tại gian khổ, khắc nghiệt hướng tới những vẻ đẹp quyến rũ, bí ẩn của thiên nhiên và con người miền Tây, thể hiện tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của người lính Tây Tiến.

Với cảm hứng lãng mạn, ngòi bút Quang Dũng đã khắc họa nên hình tượng người lính Tây Tiến trên phông nền của khung cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ. Cảm hứng lãng mạn của bài thơ đến từ cảm thức của nhà thơ khi nhớ về rừng núi hoang vu, hiểm trở, dữ dội và sáng lên nỗi nhớ những cảnh đẹp huyền ảo nên thơ. Ngoài ra cảm hứng này còn đến từ trí tưởng tượng bay bổng của nhà thơ.

Bằng cảm hứng lãng mạn Quang Dũng đã khắc họa vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, sự hi sinh bi tráng của người lính Tây Tiến cùng vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên miền Tây, tạo nên một tác phẩm độc đáo trong thơ ca thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bài thơ "Sóng" do nhà thơ Xuân Quỳnh sáng tác vào năm 1967, trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền, Thái Bình. Ảnh: dulichthaibinh.gov

Bài thơ "Sóng" do nhà thơ Xuân Quỳnh sáng tác vào năm 1967, trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền, Thái Bình. Ảnh: dulichthaibinh.gov

Tác phẩm "Sóng"

Nhận xét vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu

Bài thơ đã thể hiện nổi bật vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu: chân thành, say đắm, nồng nàn, mãnh liệt, thủy chung, trong sáng, cao thượng. Nó vừa mang nét đẹp tình yêu của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, vừa có nét táo bạo, chủ động đến với tình yêu của người phụ nữ Việt Nam hiện đại.

Đó là vẻ đẹp của một người phụ nữ luôn giữ trong mình nhiệt huyết và tin vào sức mạnh của tình yêu mặc dù đôi khi tình yêu có mơ hồ và không thể định nghĩa được. Đó là sự thể hiện tiếng nói của trái tim tuổi trẻ mang khát vọng tình yêu muôn thuở, đó là nỗi nhớ sục sôi, đó là khát khao tìm thấy sự vĩnh hằng trong tình yêu, là sự thủy chung, son sắt.

Người phụ nữ không ngừng vượt ra khỏi những điều nhỏ bé để khẳng định giá trị tình yêu, để rồi ta thấy quan niệm rằng: tình yêu không đến với những trái tim ngủ yên, nguội lạnh. Và tình yêu cho ta một khát vọng phải đi tìm kiếm, đi chinh phục. Với người phụ nữ, đi tìm ở đây không đơn thuần là tìm để được yêu, mà tìm để khẳng định giá trị trái tim mình.

Với "Sóng", người và thơ đã hòa chung một nhịp thở, tiếng thơ như mang cả những đớn đau, những băn khoăn lo lắng, cả những rung động thuở ban đầu trào sôi trong huyết quản của người phụ nữ. Qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh diễn tả cụ thể, sinh động những trạng thái, cung bậc tình cảm, tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu: nhân hậu, khao khát yêu thương và luôn hướng tới một tình yêu cao thượng, lớn lao.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thi-tot-nghiep-mon-ngu-van-luu-y-them-lenh-phu-trong-tac-pham-tho-179230427004637507.htm