Thi tốt nghiệp THPT 2025: Thầy trò dốc sức trên đường đua 'vượt vũ môn'
Thời điểm này, học sinh lớp 12 trên cả nước đang tăng tốc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Những thay đổi về nội dung, phương pháp dạy - học và cả cấu trúc đề thi khiến công tác ôn tập trở nên gấp rút, nhiều áp lực hơn bao giờ hết.
Căng mình ôn tập, thích ứng với điểm mới của kỳ thi
Năm học 2024–2025, gần một triệu học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT kỳ thi đầu tiên áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cho đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đều đã tổ chức các kỳ thi thử cho học sinh lớp 12 theo quy mô cấp trường hoặc Sở GD-ĐT.
Là lứa thí sinh đầu tiên theo chương trình 2018 nên nhiều học sinh bất ngờ khi đề thi được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, tăng tính thực tiễn. Nguyễn Thu Hà, học sinh lớp 12 tại một trường THPT ở Bắc Giang chia sẻ: “Trong đợt thi khảo sát vừa qua, kết quả thi thử không như mong đợi, em nghĩ mình cần cố gắng hơn nhiều. Đề thi năm nay có ma trận phân hóa rõ ràng, cụ thể ở đề thi môn Hóa có phần liên hệ thực tế làm em thấy khá sốc”.
Còn em Lê Minh Huyền, học sinh lớp 12D4, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) chia sẻ: “Kết quả kỳ thi khảo sát lớp 12 vừa qua của thành phố trường em xếp thứ 4 nên áp lực thi cử cũng rất lớn. Năm nay không còn hình thức xét tuyển sớm nên chúng em phải tập trung toàn lực để ôn thi và chờ kỳ thi chính thức, điều này cũng gây không ít áp lực”.

Trường THPT Việt Đức triển khai mô hình “lớp học tăng cường” sau các kỳ kiểm tra
Là thuộc nhóm trường top đầu của thành phố nên đến hết học kỳ 1 lớp 12, hơn 80% học sinh của Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đã chuẩn bị các phương án xét tuyển đại học khác nhau, chỉ 20% chờ kết quả thi THPT để xét tuyển... Nhà trường đã kế hoạch ôn tập đã được triển khai từ đầu học kỳ II, với mục tiêu phân hóa và cá nhân hóa theo năng lực.
Cô Nguyễn Thị Minh, giáo viên môn Hóa học, cho biết: “Sau mỗi đợt khảo sát, học sinh yếu sẽ được tham gia lớp tăng cường, ôn tập theo chuyên đề sát đề minh họa. Tuy nhiên, việc xây dựng câu hỏi theo định hướng phát triển năng lực, lồng ghép thực tiễn là không dễ, nhất là khi ngân hàng câu hỏi tình huống hiện vẫn còn thiếu”.
Tuy nhiên, những điểm mới trong cấu trúc đề thi cùng khối lượng công việc gia tăng cũng là một gánh nặng đối với giáo viên. Theo quy định mới, đề thi phải có ma trận phân hóa rõ ràng, được nhân bản thành 48 mã đề khác nhau. “Về chuyên môn, giáo viên hoàn toàn đáp ứng được, nhưng để đảm bảo kỹ thuật, quy trình mã hóa như vậy thì thực sự rất tốn thời gian, đòi hỏi làm việc nhiều ngoài giờ”, Hiệu trưởng Nguyễn Bội Quỳnh chia sẻ.
Còn thầy Nguyễn Sỹ Cường, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết: “Công tác ôn tập cho học sinh được chia làm hai giai đoạn: Trong năm học và sau khi kết thúc chương trình. Học sinh được chia nhóm theo năng lực, ôn tập chuyên sâu dựa trên kết quả khảo sát. Nhờ phương pháp chủ động, trường lọt top 4 trường có kết quả thi thử cao nhất Hà Nội…”.
Chiến lược ôn tập “may đo” theo học sinh để giảm áp lực
Với mục tiêu hỗ trợ học sinh yếu mà không tạo cảm giác kỳ thị hay quá tải, Trường Việt Đức triển khai mô hình “lớp học tăng cường” sau các kỳ kiểm tra. “Học sinh chỉ tham gia khi thật sự cần và có thể rút ra nếu kết quả cải thiện. Chúng tôi muốn khơi gợi động lực, không tạo áp lực lớn cho các em tại thời điểm này”, cô Nguyễn Bội Quỳnh nhấn mạnh.
Ngoài các lớp tăng cường, trường THPT Việt Đức đã tổ chức 6 đợt thi thử để học sinh làm quen với dạng đề mới bao gồm ba loại câu hỏi: trắc nghiệm chọn đáp án đúng, đúng/sai và điền khuyết. Việc tập dượt nghiêm túc giúp học sinh bớt bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi thật.
Thầy Đàm Thanh Lạc, Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Giềng, tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, trường đã lên kế hoạch ôn tập từ đầu năm, chia lớp theo môn thi bắt buộc và tự chọn. Kết quả các kỳ thi thử do Sở GD-ĐT ra đề thi được phân tích kỹ để điều chỉnh chiến lược ôn tập. Nhà trường đã phân nhóm học sinh theo môn thi bắt buộc và tự chọn, giáo viên hỗ trợ sát sao, kết quả thi thử được phân tích kỹ để điều chỉnh chiến lược ôn tập.

Học sinh xem kết quả thi khảo sát để điều chỉnh chiến lược ôn tập của mình.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên cũng cho rằng, học sinh nên tăng cường tự học, tự làm chủ kiến thứ không nên học thêm tràn lan, thi thử tràn len, bởi tự học, tự đọc sẽ giúp các em tăng cường kết nối liện hệ thưc tiễn-những vấn đề có thể xuất hiện trong câu hỏi phân hóa đặc biệt dành cho mục đích tuyển sinh
“Không nên học thêm hay tham gia quá nhiều kỳ thi thử mà nên tăng cường tự học. Tự học sẽ giúp các em phát triển năng lực thật, đặc biệt là với các câu hỏi phân hóa cao. Chúng tôi định hướng học sinh học để thích ứng, không chỉ để vượt qua kỳ thi mà còn làm hành trang cho đào tạo suốt đời”, thầy Nguyễn Sỹ Cường nhắn nhủ thí sinh.
Theo GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), việc thiết kế đề thi năm nay có sự điều chỉnh vừa bảo đảm mục đích xét tốt nghiệp vừa nhằm đảm bảo khả năng phân hóa tốt hơn. Điều này giúp các trường đại học có cơ sở tin cậy hơn trong việc xét tuyển, tránh tình trạng điểm số quá cao nhưng vẫn không đủ sức cạnh tranh vào những ngành học "hot".