Thi tốt nghiệp THPT: Khi bố và con cùng là thí sinh
Nhiều cán bộ xã vượt hàng trăm km đi dự thi tốt nghiệp THPT 2020. Có gia đình, bố và con cùng đi thi. Người bố mong muốn sẽ làm gương cho các con noi theo.
Vượt hơn 300km đi thi
Sau 2 ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, chiều 10/8 các sĩ tử đã hoàn thành môn thi cuối, kết thúc kỳ thi quan trọng. Trong quá trình diễn ra kỳ thi, tại các điểm thi đa số thí sinh được gia đình đưa, đón và được lực lượng chức năng hỗ trợ nhằm đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc.
Hòa cùng dòng sĩ tử tại điểm thi trường THPT Duy Tân (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), ông A Thê (44 tuổi) với nước da ngăm đen, chậm rãi bước ra từ điểm thi.
Ông A Thê cho hay, ông là Chủ tịch hội cựu chiến binh Mường Hoong (huyện Đăk Glei, Kon Tum). Nhà thuộc vùng sâu vùng xa lại cách điểm thi hơn 300km nên ông thuê trọ ở thành phố để thuận tiện việc đi thi.
Ông Thê kể, trước kia do gia đình khó khăn, nhà ông ở xa trường nên chỉ học đến lớp 9 rồi nghỉ. Sau đó ông Thê đi bộ đội rồi phục viên và được bầu làm cán bộ xã. Thời gian gần đây với yêu cầu phải bổ sung bằng tốt nghiệp nên ông Thê đăng kí học bổ túc tại Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Kon Tum. Sau đó, ông đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT với hy vọng nhận được tấm bằng tốt nghiệp do ông đã trải qua 4 lần thi.
Cùng chung cảnh ngộ, ông A Ban (45 tuổi, Phó chủ tịch UBND xã Mường Hoong) cho hay, để đến được điểm thi ông và một số người nữa phải bắt xe vượt hơn 300 km. Sau khi qua 2 chuyến xe, mất hơn 6 tiếng đồng hồ cả đoàn mới đến nơi.
Theo ông A Ban, trước đây do là vùng sâu vùng xa nên thế hệ của ông ở xã Mường Hoong không có ai học quá lớp 9. Ông mong muốn hoàn thành tốt kỳ thi để có tấm bằng vừa để bổ sung bằng cấp vừa để làm gương cho thế hệ sau.
Bố cùng con đi thi
Không chỉ tại Kon Tum, ở Gia Lai cũng có hàng chục thí sinh là cán bộ đang công tác tại các xã tham dự kỳ thi lần này.
Là thí sinh lớn tuổi nhất điểm thi Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Păh, Gia Lai), nhiều đêm liền trôi qua, ông Rơ Châm Hyat (54 tuổi) - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Ia Ka miệt mài ôn tập với mong muốn hoàn thành tốt kỳ thi.
Ông Hyat tâm sự, ông bắt đầu đi học bổ túc hệ THPT từ năm 2017. Tuy nhiên, với mong muốn cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay nên ông cố gắng ôn tập để đạt được kết quả tốt nhất. Trong quá trình công tác tại xã, ông cũng vận động gần 10 cán bộ, công chức xã đi học lớp bổ túc văn hóa nhằm chuẩn hóa bằng cấp.
Không những vậy, ông cũng vận động người con gái 22 tuổi của mình theo học tại Trung tâm GDTX tỉnh Gia Lai. Kỳ thi này ông và con mình cùng tham gia.
“Mình lớn tuổi rồi nên cũng chẳng muốn thăng tiến. Tuy nhiên, mình muốn học để lấy tấm bằng tốt nghiệp. Qua đó, mình có thể làm gương cho một số cán bộ trong xã. Đặc biệt làm gương cho con, cháu noi theo”, ông Hyat tâm sự.
Anh Rơ Châm Prunh (35 tuổi) - Bí thư đoàn xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) cũng đã trải qua 2 lần thi tốt nghiệp. Tuy nhiên những lần trước anh chưa may mắn đậu nên năm nay anh quyết tâm học tập để lấy được tấm bằng.
“Mình vừa ôn tập, vừa làm việc cơ quan nên không có nhiều thời gian. Tuy nhiên, năm nay mình quyết tâm đậu tốt nghiệp nên có nhờ một số thầy cô ôn tập thêm. Hy vọng mình sẽ đạt được kết quả tốt”, anh Prunh nói.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, tỉnh Gia Lai có 13.384 thí sinh đăng ký dự thi và 589 phòng thi, với 37 điểm thi chính thức. Trong đó có 17 điểm thi dự phòng trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Tổng số giáo viên tham gia coi thi là 2.634 giáo viên. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai rà soát có 22 giáo viên đi từ vùng dịch về nên đơn vị đã cho nghỉ làm công tác coi thi. Còn tại Kon Tum có 4.317 thí sinh dự thi, được bố trí tại 12 điểm thi với 189 phòng thi.