Thi tốt nghiệp THPT: thay đổi để phù hợp – Bài 4: Có cần một kỳ thi quốc gia?

Sau nhiều năm thay đổi, từ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ĐH) thành một kỳ thi với mục đích '2 trong 1', được xem là bước đột phá trong đổi mới thi cử, khâu quan trọng của lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT).

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Quang Vinh.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Quang Vinh.

Tuy nhiên, những bất cập của kỳ thi đang dấy lên luồng tranh luận trái chiều về việc nên duy trì hay không kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường, UBTƯ MTTQ Việt Nam (khóa VIII).

PV: Nhìn lại lộ trình đổi mới thi cử từ năm 2015, với mục tiêu kỳ thi “2 trong 1” đến nay, ông đánh giá thế nào về những thay đổi, cải cách quy trình của kỳ thi?

GS Nguyễn Lân Dũng: Năm 2015 là năm đầu tiên Bộ GDĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH-CĐ. Một kỳ thi với 2 mục đích được xem là bước đột phá trong đổi mới thi cử, khâu quan trọng của lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, theo Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của Trung ương khóa XI.

Tuy nhiên, theo ông Lê Mỹ Phong - Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) thì bắt đầu từ năm 2025, học sinh sẽ học và thi theo chương trình mới, cách thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn mới. Đề thi đáp ứng mục tiêu vừa dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và vừa cung cấp dữ liệu cho các trường tuyển sinh.

Bộ GDĐT cũng vừa công bố và lấy ý kiến đóng góp cho phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Trong đó, thay đổi lớn nhất là Lịch sử sẽ là môn thi bắt buộc thứ 4 tại kỳ thi này. Bên cạnh quan điểm đồng tình, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng số môn thi sẽ tăng áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, trong tác phẩm nổi tiếng viết năm 1942 “Lịch sử nước ta”, Bác Hồ có 2 câu thơ này: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đây không đơn thuần chỉ là lời kêu gọi mà còn là chân lý, là khoa học, là mỹ học. Bác nói “cho tường” nôm na nhưng thật sâu sắc: Phải biết lịch sử một cách tường tận, rõ ràng, cụ thể.

Tốt nghiệp THPT như bằng Tú tài ngày xưa không thể không am hiểu lịch sử nước nhà. Coi trọng việc dạy và học môn Lịch sử ở bậc phổ thông là một yêu cầu chính đáng được mọi người đồng tình. Có gây áp lực hay không là do cách ra đề thi mà thôi. Biết về chiến thắng Điện Biên Phủ là hiểu biết về một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” chứ đâu yêu cầu biết rõ từng số lượng hàng binh và chiến lợi phẩm của từng trận đánh.

Có thể thấy, những vụ việc liên quan tới gian lận thi cử năm nào cũng có, đặc biệt là gian lận thi cử tại nhiều địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Từ lỗ hổng này nhiều người hoài nghi về tính minh bạch, công bằng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Những lỗ hổng dẫn đến các sự cố gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được khắc phục bằng các cách chẳng hạn như: Không để giáo viên, giảng viên đại học địa phương coi thi, chấm thi ở địa phương mình. Bên cạnh đó, cần tạo rào cản kỹ thuật chặt chẽ, có cơ chế kiểm soát, để cho những người có kinh nghiệm về công nghệ thông tin nếu có ý định gian lận cũng khó thực hiện. Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra. Tôi cho rằng, nhất thiết cần tính minh bạch, công bằng của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Một vài năm trở lại đây, các trường ĐH có xu hướng giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT và tăng mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng các kỳ thi riêng. Phải chăng kết quả của kỳ thi này không còn tin cậy, thưa ông?

- Kể từ khi Luật Giáo dục được ban hành, các trường ĐH bắt đầu mở rộng tuyển sinh với nhiều phương thức. Tuy nhiên, khi ra đề án về phương thức tuyển sinh, các trường phải tính toán cẩn thận xem có đủ năng lực để đề xuất phương thức xét tuyển đó hay không và đề án được Bộ GDĐT duyệt mới được áp dụng.

Hiện kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quá cao. Cụ thể, năm 2020 là 98,34%, năm 2021 là 98,6%, năm 2022 là 98,57%. Kỳ thi vào các trường ĐH không chấp nhận mức độ đó và mỗi trường còn cần có những yêu cầu riêng biệt về trình độ kiến thức có liên quan. Lệ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT là không phù hợp.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là rất tốn kém và áp lực quá lớn. Nhiều người đặt câu hỏi, chúng ta chi tiền tỷ cho kỳ thi chỉ để gạt đi vài ba học sinh yếu của mỗi trường liệu có quá tốn kém và phức tạp hay không?

- Tôi cho là cần một kỳ thi nhưng nhẹ nhàng và ít tốn kém hơn, chỉ là kỳ thi do các tỉnh tổ chức để nhằm cấp bằng tốt nghiệp THPT và có số liệu đánh giá chất lượng của địa phương, từ đó Nhà nước có các chính sách phù hợp, nhằm điều chỉnh đầu tư giáo dục cho các địa phương cân bằng trong cả nước.

Thưa ông, Chương trình GDPT 2018 đặt ra yêu cầu phải đổi mới cách kiểm tra, đánh giá và thi cử. Vậy theo ông, thay đổi kỳ thi này theo hướng nào cho phù hợp?

- Có những ý kiến đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu gõ vào Google cụm từ “Đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT” sẽ có ngay 27.500.000 kết quả trong vòng 0,5 giây. Thay vào đó nên thực hiện xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện ở trường phổ thông; qua đó định hướng thực hiện phân luồng học sinh ngay từ đầu cấp học.

Khoản 3 Điều 34, Luật Giáo dục 2019 đã ghi rõ: “Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT. Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Có nghĩa là không cần một kỳ thi quốc gia mà chỉ là một kỳ thi do các tỉnh tự tổ chức và cấp bằng tốt nghiệp THPT. Như đã nói, chi tiền tỷ chỉ để gạt đôi ba học sinh yếu của mỗi trường liệu có quá tốn kém và phức tạp hay không? nên chăng cần trả kỳ thi này về đúng vị trí của nó. Điều đó có nghĩa là vẫn cần kỳ thi tốt nghiệp THPT và trao trách nhiệm cho từng tỉnh. Như vậy, vẫn có thể đánh giá được kết quả đào tạo ở bậc THPT nhưng không quá nặng nề và tốn kém.

Trân trọng cảm ơn ông!

PGS.TS Phan Túy - Trưởng khoa Dược - Trường ĐH Hòa Bình, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội:

PGS.TS Phan Túy - Trưởng khoa Dược - Trường ĐH Hòa Bình, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội:

Tổ chức thi tốt nghiệp THPT là cần thiết

Nếu chất lượng đào tạo ở bậc phổ thông nghiêm túc, minh bạch thì học sinh học hết lớp 12 có thể được cấp bằng tốt nghiệp THPT mà không cần tổ chức thi cho đỡ tốn kém, tuy nhiên thực tế, vẫn còn những băn khoăn trong giáo dục phổ thông. Vì vậy, việc thi tốt nghiệp THPT là cần thiết. Trong khi đó, ở bậc ĐH, các trường vẫn cần phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên, hiện nay các trường được tăng tính tự chủ trong tuyển sinh, để bảo đảm chất lượng đầu vào. Tùy từng ngành, từng trường có thể đưa ra quy định thí sinh phải đạt điểm thi tốt nghiệp THPT tối thiếu mới được xét tuyển. Ví dụ như ngành y hiện nay yêu cầu, thí sinh tốt nghiệp THPT loại Giỏi mới được xét tuyển.

(còn nữa)

NGUYỄN HOÀI (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-tot-nghiep-thpt-thay-doi-de-phu-hop--bai-4-co-can-mot-ky-thi-quoc-gia-5713589.html