Thi tốt nghiệp THPT trên máy tính: Không phải nói là làm được ngay

Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi, xét tốt nghiệp THPT giai đoạn 2015-2020, định hướng giai đoạn 2021-2025. Theo đó, toàn bộ quá trình đổi mới kỳ thi được nhìn nhận khách quan, kỹ lưỡng và kế hoạch cho những năm tiếp theo được đề ra cụ thể.

Những chuẩn bị cho việc tiến tới thi trên máy tính cũng được tính đến, nhưng theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh, quá trình này cần chuẩn bị kỹ lưỡng.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm 2020, công tác tổ chức thi đã chắt lọc, kế thừa tất cả thành tựu giai đoạn trước đó, vừa đúng Luật vừa phù hợp thực tiễn.

“63 địa phương đã làm hết trách nhiệm và rất sáng tạo, đảm bảo mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn kỳ thi vừa an toàn trong dịch bệnh”, ông Trinh ghi nhận và cho rằng, sự phối hợp giữa các bên cùng năng lực tổ chức thi của các địa phương gia tăng là tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức kỳ thi giai đoạn tới đây.

Tổng kết giai đoạn thi từ 2015-2020, ông Mai Văn Trinh đúc rút 3 bài học căn bản, đó là: Kiên định mục tiêu, vốn là thử thách lớn nhất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Đảm bảo nguyên tắc về tính khoa học, thực tiễn và khả thi; Phân định trách nhiệm của từng tổ chức cá nhân.

“Thành công này mới chỉ là ban đầu. Chúng ta duy trì tâm thế này, quyết tâm này, trách nhiệm này, mới có thể làm tốt trong những năm tiếp theo”, Cục trưởng Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Lộ trình thi trên máy tính cần có sự tính toán kỹ lưỡng. Ảnh: VNU

Lộ trình thi trên máy tính cần có sự tính toán kỹ lưỡng. Ảnh: VNU

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, định hướng kỳ thi giai đoạn 2021-2025 cần được tính toán từng bước để chủ động thực hiện, tăng cường khắc phục lỗi kỹ thuật và ứng dụng CNTT mạnh mẽ hơn. Phương thức thi căn bản ổn định như năm 2020, đặc biệt, năm 2021 ổn định như năm 2020; đồng thời nỗ lực điều chỉnh kỹ thuật tốt hơn, đảm bảo không ảnh hưởng tới học sinh, giáo viên và xã hội.

Trong đó, cần thực hiện hai nhiệm vụ lớn là tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi phong phú, chuẩn hóa để sử dụng hiệu quả hơn nữa; tăng cường ứng dụng CNTT theo hướng đưa dần hình thức thi trên máy tính vào kỳ thi. Hình thức thi trên máy tính đồng thời với việc khai thác các Trung tâm khảo thí quốc gia, khai thác các trường ĐH và các tổ chức, cá nhân có đủ nguồn lực để hình thành trung tâm khảo thí.

“Nói vậy không phải là chúng ta làm được ngay. Quá trình này sẽ mất nhiều thời gian, cần tính toán, chuẩn bị kỹ, sớm thí điểm ở những địa phương đáp ứng điều kiện và dần mở rộng. Đảm bảo sự tương đồng giữa hai hình thức thi và không gây bất an cho xã hội”, ông Trinh lưu ý.

Ông Nguyễn Tiến Thảo, GĐ Trung tâm khảo thí, Phó Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN cho rằng: Thi trên máy và thi trên giấy không đơn thuần là lấy mô hình trên giấy để số hóa mà cần quy định rõ ràng bằng các văn bản pháp quy. Ta lấy ví dụ, như thi trên máy sẽ có yêu cầu tối thiểu đơn giản như số lượng đề, ma trận đề, tỷ lệ sẽ khác. Thí sinh có thể thi nhiều lần trong một năm, do đó, đề thi phải có tính phân loại và tính không trùng lặp cao, đồng thời, đảm bảo tính cân bằng, tương thích trong hệ số tương quan cho phép. Hệ thống phần mềm cũng cần đảm bảo tính khách quan, trung thực, an toàn, bảo mật. Bên cạnh đó, cách thức xét tốt nghiệp, thời gian công nhận kết quả thi ra sao cũng phải tính toán phù hợp mục đích xét tốt nghiệp và cung cấp cơ sở để xét tuyển sinh.

Trong bất cứ kỳ thi nào, dù là kỳ thi trên giấy hay trên máy tính, truyền hình,… đều có những vấn đề kỹ thuật, sự cố có thể xảy ra. Do đó, cần phải tính toán kỹ lưỡng, với lộ trình từng bước, áp dụng thí điểm, tập huấn, xây dựng các văn bản cụ thể. Tôi cho rằng, lộ trình mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng rất cụ thể, chi tiết và tránh gây sốc cho thí sinh.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thi-tot-nghiep-thpt-tren-may-tinh-khong-phai-noi-la-lam-duoc-ngay-212434.html