Thi tốt nghiệp THPT: Vì sao Ngoại ngữ không là môn bắt buộc?

Chiều nay (29/11), Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo thông tin về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Nhiều phóng viên đặt câu hỏi lo ngại về năng lực Ngoại ngữ của học sinh khi môn này không còn là môn thi bắt buộc.

Tại buổi họp báo, Bộ GD-ĐT chính thức công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Theo đó, từ năm 2025, thí sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, 2 môn học tự chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Theo phương án này, Ngoại ngữ không còn là môn học bắt buộc.

Thực tế nhiều năm liên tiếp, Ngoại ngữ đều là môn học có tỷ lệ học sinh đạt điểm dưới trung bình cao nhất, nhì trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong khi Ngoại ngữ được cho là phương tiện, công cụ để thế hệ trẻ hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi bày tỏ sự lo ngại về chất lượng dạy và học Ngoại ngữ khi đây không còn là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Môn học này vốn là "nỗi sợ" của nhiều học sinh, liệu các em có lựa chọn?

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) thông tin tại họp báo

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) thông tin tại họp báo

Trả lời vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, môn Ngoại ngữ hiện nay được bắt buộc học từ năm lớp 3 đến lớp 12 và các kỳ thi chuyển cấp đều có môn thi này. Khi lên bậc đại học, các trường đều có quy định về chất lượng đầu ra ngoại ngữ với sinh viên khi tốt nghiệp.

"Từ lớp 3 đến lớp 12 học sinh đều học và thi môn Ngoại ngữ, đây là điều kiện nền tảng để các em phát triển môn Ngoại ngữ. Ngoài ra, ở bậc đại học cũng có chuẩn đầu ra theo khung năng lực 6 bậc. Vì vậy, không thể nói vì một kỳ thi mà bỏ học Ngoại ngữ, việc học là liên tục, cả một quá trình", PGS.TS Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng khẳng định rằng, việc không thi môn Ngoại ngữ không làm giảm đi vai trò của môn học đó, quan trọng nhất vẫn là việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên.

Thí sinh không được thi nhiều hơn 2 môn tự chọn

Một số ý kiến băn khoăn về việc nếu thí sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học ở nhiều khối thi khác nhau, vậy các em có được quyền thi nhiều hơn 2 môn tự chọn hay không?

Trả lời vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, nguyên tắc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện tại không cho phép thí sinh thi hơn hai môn lựa chọn.

Với 36 tổ hợp môn, khả năng thời gian thi bị trùng rất cao. Bên cạnh đó, số thí sinh muốn thi 3-4 môn tự chọn không nhiều và điều này nếu có cũng gây lãng phí.

Ngoài ra, việc thí sinh lựa chọn nhiều tổ hợp để xét tuyển vào cùng một ngành có thể gây mất công bằng.

"Hiện tại, thí sinh sẽ chỉ được phép thi 2 môn tự chọn, phương án này tiết kiệm thời gian, công sức, giảm chi phí, áp lực cho cả thí sinh và xã hội, quan trọng nhất là có lợi cho số đông thí sinh", PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà thông tin.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thi-tot-nghiep-thpt-vi-sao-ngoai-ngu-khong-la-mon-bat-buoc-post1062395.vov