'Thi trắc nghiệm phải phát triển được tư duy của học sinh'
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trình Chính phủ phương án đổi mới thi THPT quốc gia sau năm 2020, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về mức độ 'may rủi' khi triển khai hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính. Để thông tin rõ hơn cho bạn đọc về vấn đề này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội.
+ Bộ GD&ĐT vừa đề xuất phương án đổi mới thi THPT quốc gia sau năm 2020. Xin ông cho biết việc triển khai thi THPT quốc gia trên máy tính liệu có khả thi?
- Theo tôi, xét về mặt công nghệ, việc triển khai thi THPT quốc gia trên máy tính hoàn toàn có khả năng thực hiện được và không có gì cản trở.
Việc thi trên máy tính đã được triển khai ở nhiều nơi và không có gì mới. Thi nhiều lần trên máy tính sẽ giúp học sinh phát huy được năng lực của bản thân, đạt được mức điểm tối đa trong bài thi, chứ không chỉ có thi đỗ và trượt, điểm cao và điểm thấp.
Ở các nước trên thế giới, nếu học sinh muốn vào trường đại học có chất lượng tốt, điểm số các em phải cao và đúng với năng lực thực chất. Vì vậy, các em phải cố gắng học tập và rèn luyện để đạt được kết quả tốt nhất. Do đó, chúng ta nên ủng hộ việc thi THPT quốc gia trên máy tính.
+ Hiện, có nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả của hình thức thi trắc nghiệm và cho rằng hình thức thi này có nhiều “may rủi”. Ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
- Tôi cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính cần có sự tác động nhất định đến hai đối tượng là thầy và trò, để cả hai đối tượng này đều tích cực dạy và học. Từ đó, chống được tư tưởng ỷ lại, thiếu trách nhiệm trong quá trình học tập của học sinh. Chỉ khi học sinh tích cực học, thầy tích cực dạy thì việc đổi mới kỳ thi mới đạt được hiệu quả cao nhất.
+ Theo ông, thi THPT quốc gia trên máy tính cần đáp ứng những tiêu chí gì?
- Để triển khai thi THPT quốc gia trên máy tính đạt hiệu quả, theo tôi kỳ thi cần có một bộ câu hỏi toàn diện, không chỉ kiểm tra kiến thức của học sinh mà còn giúp quá trình dạy và học được triển khai đúng tiến độ.
Nếu các câu hỏi được đưa ra chỉ để kiểm tra học sinh có thuộc kiến thức hay không, thì sẽ không thể phát triển dược tư duy của các em.
Thực tế cho thấy, tình trạng học sinh làm bài thi trắc nghiệm đánh bừa đáp án vẫn còn rất phổ biến. Điều này chứng tỏ các em chưa có ý thức tự rèn luyện và phát triển bản thân. Vì thế, bộ câu hỏi thi trắc nghiệm phải phát triển được tư duy của học sinh, hạn chế việc học sinh lười tư duy, suy nghĩ, không chịu tiếp thu kiến thức.
+ Cần làm gì để kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo tính khách quan, công bằng thưa ông?
- Theo tôi, các địa phương cần chủ động khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tăng cường kiểm tra, giám sát bằng công nghệ. Khi kỳ thi diễn ra, thanh tra tại các điểm thi không cần phải xuống tận phòng thi mà có thể ngồi một chỗ xem hình ảnh kết nối qua mạng nếu lắp camera tại các điểm thi. Giám sát coi thi bằng công nghệ thông tin và tiến hành chấm chéo sẽ hạn chế tiêu cực, đảm bảo được tính khách quan, công bằng cho kỳ thi.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!