Thị trấn Cành Nàng: 30 năm - một chặng đường phát triển

Sau 30 năm kể từ khi thành lập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) đã phát huy nội lực, đoàn kết, thống nhất, không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế, tranh thủ mọi nguồn lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nên những bước phát triển toàn diện, là nền tảng vững chắc trong giai đoạn tới.

Toàn cảnh thị trấn Cành Nàng (Bá Thước). Ảnh: CTV

Toàn cảnh thị trấn Cành Nàng (Bá Thước). Ảnh: CTV

Từ khó khăn, thách thức...

Những ngày Thu lịch sử trên quê hương “Phố Long Giang xưa” tiết trời cũng trở nên dịu mát hơn. Trong ngôi nhà nhỏ ở khu phố 3, thị trấn Cành Nàng, ông Nguyễn Thế Thức, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Cành Nàng kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm của những năm tháng mới thành lập thị trấn. Theo ông Thức, ngày 23/8/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/NĐ-CP thành lập thị trấn Cành Nàng (tách ra một phần từ xã Lâm Xa). Và đến tháng 9/1994, Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Thanh Hóa ban hành Hướng dẫn số 148-HD/BTC về việc chia tách đơn vị hành chính xã Lâm Xa và thị trấn Cành Nàng. Khi mới thành lập, thị trấn được chia thành 5 khu phố trải dọc theo Quốc lộ 217 từ Km93 đến Km95. Thị trấn có diện tích tự nhiên 81,1ha.

Thời điểm bấy giờ, toàn thị trấn mới duy nhất có đoạn Quốc lộ 217 chạy qua được dải cấp phối, đường nối giữa các phố chỉ là những con đường đất nhỏ; cơ sở vật chất tạm bợ, trụ sở làm việc của thị trấn chưa có mà phải sử dụng dãy nhà cũ của cửa hàng mua bán xã Lâm Xa làm nơi làm việc chung cho cả cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và cán bộ y tế thị trấn. Các phòng học chủ yếu là trưng dụng lại từ các cơ sở cũ của xã Lâm Xa đã xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Nhà sinh hoạt văn hóa các phố chưa có; Nhân dân thị trấn phải dùng điện máy nổ và đèn dầu để thắp sáng; thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 1 triệu đồng/người/năm... Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của thị trấn, tháng 9/1994, Ban Thường vụ Huyện ủy Bá Thước đã ra quyết định thành lập Chi bộ Đảng thị trấn Cành Nàng và Ban Chấp hành Chi ủy lâm thời. Chi bộ lúc đó có 27 đảng viên và 4 chi bộ (Phố 1 và Phố 2 là chi bộ ghép). Và, đến tháng 1/1995, Ban Thường vụ Huyện ủy ra Quyết định số 01-QĐ/HU về việc thành lập Đảng bộ thị trấn Cành Nàng. Cũng trong năm 1995 (ngày 16/1/1995), thực hiện kế hoạch chung của Đảng về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 1995–2000, Đảng bộ thị trấn tổ chức thành công đại hội lần thứ nhất, đại hội đã bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, đồng chí Nguyễn Thế Thức được bầu làm Bí thư, đồng chí Bùi Thanh Linh được bầu làm Phó Bí thư phụ trách chính quyền.

Đứng trước những bộn bề khó khăn, thách thức trên, đảng ủy thị trấn lúc bấy giờ đã đề ra các chủ trương, nghị quyết để lãnh đạo phát triển thị trấn một cách vững chắc. Trong đó, chủ trương tập trung ưu tiên phát triển về tiểu thủ công nghiệp với các nghề mộc, nề, cơ khí, điện dân dụng, may mặc, vận chuyển hàng hóa bằng các phương tiện vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng... từ đó, đã thu hút và giải quyết việc làm và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho một lực lượng lớn lao động trên địa bàn. Song song với phát triển tiểu thủ công nghiệp, Đảng bộ thị trấn tập trung lãnh đạo chính quyền, Nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh để tăng năng suất cây trồng, đồng thời duy trì diện tích lúa màu xen canh tại xã Lâm Xa. Đến năm 1995, sản lượng lương thực quy thóc đạt 70 tấn/năm đã góp phần ổn định tình hình lương thực tại địa phương.

“Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, Đảng bộ thị trấn đã huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần dân chủ trong Nhân dân nên bất kỳ việc gì chúng tôi cũng đưa ra dân bàn bạc, dân quyết định, nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ đó, tốc độc tăng trưởng kinh tế của thị trấn luôn đạt cao và ổn định; cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi được củng cố, đầu tư nâng cấp, bộ mặt thị trấn dần khởi sắc. Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, qua 7 kỳ đại hội, những thành tựu nổi bật thị trấn đã đạt được thật đáng tự hào” - ông Nguyễn Thế Thức nói.

Ông Nguyễn Thế Thức cho biết thêm: “Tôi được học tập và trưởng thành tại thị trấn Cành Nàng, chứng kiến một thị trấn có xuất phát điểm thấp, đến nay bức tranh tổng thể của thị trấn đã có sự thay đổi rất lớn. Tháng 12/2019, thực hiện Nghị quyết số 786 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa, đã sáp nhập các xã Lâm Xa, Tân Lập vào thị trấn Cành Nàng. Sau khi sáp nhập, diện mạo đô thị dần lắp ghép thêm những mảng màu mới mang tính đột phá. Thị trấn đã được Nhà nước đầu tư xây dựng Cầu Trung tâm thị trấn Cành Nàng, đường nối thị trấn Cành Nàng đi đường tỉnh 523D, hệ thống đèn chiếu sáng đường Quốc lộ 217 qua địa bàn thị trấn; quy hoạch tỷ lệ 1:500 khu đô thị khu phố Đắm, khu đô thị phố 1 thị trấn; chuẩn bị khởi công xây dựng công trình bờ kè sông Mã, công trình lát đá vỉa hè Quốc lộ 217...

Từ sự phát triển trên, những năm qua, trên địa bàn thị trấn thu hút được nhiều doanh nghiệp đứng chân, đã, đang và sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, Công ty CP giày Bá Thước nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp tại thị trấn Cành Nàng, với tổng mức vốn đầu tư là 252,235 tỷ đồng, kỳ vọng sẽ giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động địa phương.

Xứng đáng là trung tâm huyện lỵ

“Để có những đổi thay trong chặng đường 30 năm phát triển của thị trấn là có sự quan tâm, chăm lo, hỗ trợ hiệu quả của các đồng chí lãnh đạo huyện, sự giúp đỡ thiết thực của các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, không thể không kể đến công sức, trí tuệ, đóng góp của các thế hệ cán bộ, đảng viên và 10.265 người dân Cành Nàng đã cần cù lao động sáng tạo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ phát triển nông, lâm nghiệp làm trọng tâm sang thương mại và dịch vụ làm chủ yếu; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn, giải quyết việc làm cho lao động, góp phần nâng cao đời sống của người lao động. Từ đó, trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thị trấn qua 7 nhiệm kỳ (từ 1995 đến nay) đều có chung định hướng phát triển kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp đô thị” - đồng chí Trương Văn Minh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Cành Nàng cho biết.

Phong trào thể dục - thể thao trên địa bàn thị trấn phát triển mạnh mẽ.Ảnh: CTV

Phong trào thể dục - thể thao trên địa bàn thị trấn phát triển mạnh mẽ.Ảnh: CTV

Cũng theo Bí thư Đảng ủy thị trấn, trong lĩnh vực kinh tế, hiện cơ cấu thương, mại dịch vụ của thị trấn chiếm 38,9%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 7,5%; nông, lâm nghiệp 53,6%. Thị trấn đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó tập trung chỉ đạo Nhân dân chuyển đổi một số diện tích thâm canh cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả, như: cây mía tím, mía nguyên liệu, cây sắn, cây ngô, và các mô hình nhà lưới trồng rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP.

Lao động nông nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ sang lao động phi nông nghiệp, đến nay tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 66,7% trong cơ cấu lao động tại địa phương; toàn thị trấn có 86 doanh nghiệp, 695 hộ kinh doanh. Chính vì vậy mà đời sống Nhân dân có nhiều chuyển biến, thu nhập bình quân đầu người nâng lên 60 triệu đồng/năm. Cơ sở hạ tầng của địa phương từng bước được đầu tư, tập trung cho điện, đường, trường, trạm, chợ,... Đến nay, 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 94% đường khu dân cư được bê tông hóa, đường 2 thị trấn được đầu tư nâng cấp, đường đô thị trung tâm thị trấn được xây dựng mở rộng và kéo dài; đồng thời nâng cấp, đầu tư rãnh dọc hai bên đường và trải nhựa asphalt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến tiến bộ; chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể có chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền được nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố.

Ba thập kỷ xây dựng và trưởng thành, những thành tích, kết quả đạt được của thị trấn Cành Nàng luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp Đảng bộ thị trấn và các chi bộ trực thuộc. Sự trưởng thành và lớn mạnh đó, trước hết là từ tổ chức đảng cả ở số lượng và chất lượng đảng viên. Từ chi bộ đầu tiên khi mới thành lập với 27 đảng viên, đến nay đã có gần 700 đồng chí với 34 chi bộ trực thuộc và trải qua 7 kỳ đại hội. Mặc dù có lúc thăng trầm, song các thế hệ lãnh đạo của Đảng bộ thị trấn đã, đang từng bước khẳng định được vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Với những kết quả đạt được trong suốt quá trình phát triển, Đảng bộ và Nhân dân thị trấn Cành Nàng đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành ghi nhận và tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2014, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Nhân dân và cán bộ thị trấn Cành Nàng. Thành tích này là nguồn động viên và cổ vũ to lớn, đối với đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn.

“Có thể nói chặng đường đầu đầy khó khăn, thử thách đã đi qua trên mảnh đất Cành Nàng. Trên những chặng đường tiếp theo, dẫu biết sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới, song bằng chiến lược đúng đắn, tầm nhìn xa trông rộng cùng những kinh nghiệm vượt lên gian khó, sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thị trấn Cành Nàng sẽ bước qua những thách thức đó một cách đầy tự hào, đưa Cành Nàng ngày càng phát triển toàn diện, vững chắc, tự tin hội nhập phát triển cùng đất nước, xứng đáng là trung tâm huyện lỵ của huyện Bá Thước” - đồng chí Bí thư Đảng ủy thị trấn nhấn mạnh.

Ngân Hà

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/thi-tran-canh-nang-30-nam-mot-chang-duong-phat-trien-32494.htm