Thị trấn hoài cổ trên đỉnh đèo
Các nhà thám hiểm từng cưỡi ngựa ngang qua thị trấn D'ran để khám phá ra Đà Lạt. Thế nhưng, sau hơn một thế kỷ, trong khi Đà Lạt thay đổi đến chóng mặt thì thị trấn trên đỉnh đèo Ngoạn mục này vẫn là miền khói sương mờ ảo.
Đèo Ngoạn mục
Sông Pha là một trong những đường đèo đẹp nhất Việt Nam nên còn được gọi là đèo Ngoạn mục. Từ độ cao 200m so với mực nước biển của huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), chỉ cần vượt qua con đèo dài gần 20 km này là đến thị trấn D’ran (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) với độ cao lên đến 1.000 m. Do có sự chuyển đổi “sốc” như vậy nên đèo Sông Pha là con đèo có độ dốc lớn nhất ở các tỉnh phía Nam nước ta.
Từng qua lại đường đèo này biết bao lần nhưng mỗi khi xe chạy đến chân đèo, “chạm trán” với dãy núi cao ngất, ẩn hiện giữa dải mây mù, tựa bức tường khổng lồ chắn ngang, tôi không khỏi bị choáng ngợp. Từ trên đỉnh núi, hai đường ống dẫn nước bằng thép sáng loáng dài tới 2 km, đường kính 1,5 m đổ xuống nhà máy thủy điện Đa Nhim dưới chân đèo. “Đây từng là một trong những công trình thủy điện lớn của nước ta vào giữa thế kỷ trước”, nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh cho biết.
Cũng theo lời ông Tranh, bác sĩ và là nhà thám hiểm nổi tiếng Alexandre Yersin đã phát hiện ra Đà Lạt năm 1893, sau đó tháp tùng Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer từ Ninh Thuận lên Đà Lạt. Họ đã cưỡi ngựa khảo sát vùng rừng núi hoang vu, hiểm trở này rồi quyết định làm đường đèo Sông Pha để nối liền đồng bằng Nam Trung Bộ với thiên đường nghỉ mát Đà Lạt.
Khi leo đèo, ô tô của chúng tôi phải vượt qua nhiều đoạn có độ dốc dựng đứng và những khúc cua khuỷu tay “chết người”, thỉnh thoảng ô tô lại chui dưới hai đường ống dẫn nước thủy điện, xuyên qua những khu rừng già cả ngàn năm tuổi. Là khu vực chuyển tiếp giữa đồng bằng ven biển và cao nguyên, đèo Ngoạn Mục có nhiều trạng thái cảnh quan và khí hậu khác nhau; trong đó, khúc ngoặt khuỷu tay Eo Gió đánh dấu sự thay đổi đột ngột của khí hậu, từ cái nắng gay gắt của tỉnh khô hạn nhất Việt Nam chuyển sang cao nguyên ôn đới quanh năm mát mẻ.
Nhờ vậy mà cảnh sắc trên đèo thay đổi liên tục theo thời gian và không gian. Lên đèo Ngoạn Mục vào buổi sáng, lữ khách dễ bị choáng ngợp bởi những tầng mây; nếu là buổi chiều đông, có thể thỏa thích ngắm những cánh rừng chuyển màu lá từ xanh, sang vàng hay đỏ rực tuyệt đẹp; còn vào những đêm trăng sáng, cảnh vật càng huyền ảo hơn.
Chúng tôi dừng xe gần đỉnh đèo để tận hưởng không khí trong lành, dịu mát, ngắm đường đèo ngoằn ngoèo khúc khuỷu; những bờ vực dựng đứng, sâu thẳm, lấp ló sau những rặng thông xanh ngắt. Xa xa là đồng bằng với dòng sông Cái uốn lượn và hai dải núi cao ôm bọc lấy thung lũng chạy ra tận biển. Nhà thơ Uông Thái Biểu chợt suy tư: “Vẻ đẹp kỳ vĩ của đường đèo xuyên qua núi non hiểm trở, qua rừng già nguyên sinh này được đổi bằng bằng máu và nước mắt của bao người. Ý tưởng là của người Pháp nhưng thi công con đường là công sức của lớp lớp người Việt”. Nhiều nhà nghiên cứu khác cùng quan điểm: Con đường này được xây dựng rất công phu, cam go, giữa lam sơn chướng khí và sự rình rập của thú dữ cùng những toán lục lâm thảo khấu.
Thị trấn cổ D’ran
Ngay trên đỉnh đèo là thị trấn D’ran, cái tên do người Pháp đặt. Thị trấn nhỏ bé này trông như ngôi làng châu Âu cách đây vài thế kỷ với những dãy nhà ngói kiểu Pháp, mái phủ đầy rêu và dương xỉ ven quốc lộ 27. Rời quốc lộ, chúng tôi rẽ vào xã Quảng Nghiệp, vùng đất lọt thỏm phía dưới bờ đập thủy điện Đa Nhim. Theo lão nông Nguyễn Văn Hưng, chúng tôi đi thăm những vườn rau bạt ngàn xanh tốt, vườn cam canh quả vàng ươm, vườn hồng đang mùa thu hoạch trái trĩu cành, ngọt thanh, thơm lừng. Chất đất phù sa màu mỡ ven sông Đa Nhim khiến cho rau quả vùng này có hương vị riêng, hiếm nơi nào có được. Còn khí trời quanh năm se lạnh khiến đôi má thiếu nữ ửng hồng như e thẹn làm xao xuyến các tao nhân mặc khách.
Đồng nghiệp ở D’ran đưa chúng tôi đến quán cà phê mới dựng bằng gỗ thông ở lưng chừng đèo D’ran. Phía trước quán là triền cỏ bạt ngàn hoa lau trắng, xa hơn một chút là rừng thông bạt ngàn xanh ngắt với làn sương mù mãi không tan trên đầu ngọn thông. Và gió, gió cao nguyên lồng lộng thổi ào ạt, bất tận. Đặc biệt, từ vị trí này có thể ngắm hồ thủy điện Đa Nhim mênh mông được ví như là “hòn ngọc xanh” của Tây Nguyên.
Ông kể, hàng chục năm trước, họa sĩ Đinh Cường, người được mệnh danh là “thi sĩ hoài niệm trong hội họa” đã sống ở D’ran, trong ngôi nhà gỗ thơm mùi nhựa thông giữa núi rừng hoang vu như thế này. Đinh Cường đã sống và vẽ trong không gian mơ màng sương khói cùng với tiếng vượn hú, chim ca. Người bạn tri kỷ của họa sĩ là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc bấy giờ đang dạy học ở B’Lao, cách xa hơn trăm cây số, nhưng cứ vào dịp cuối tuần là nhảy xe đò đến D’ran sống cùng bạn, sáng tác những ca khúc để đời như Tuổi đá buồn, Còn tuổi nào cho em…
“Dran, thị trấn lưng đèo, da diết như một bài “tùy bút” về những vẻ đẹp của hồ Đa Nhim lửng lơ treo giữa lưng chừng núi, những vòng cung uốn lượn đèo dốc, dòng sông lững lờ trôi bình yên qua xứ sở, những cánh rừng tốt tươi, những vườn hồng phối bức tranh sắc màu qua mùa”, nhà thơ Uông Thái Biểu.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/thi-tran-hoai-co-tren-dinh-deo-1759822.tpo