Thị trấn Mãn Đức: Hiệu quả công tác 'Dân vận khéo'

Thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) được thành lập mới từ đầu năm 2020 trên cơ sở sáp nhập thị trấn Mường Khến, xã Mãn Đức và xã Quy Hậu. Đến nay, bộ máy chính quyền mới đang dần khắc phục những khó khăn ban đầu và đi vào hoạt động phục vụ nhân dân. Kết quả đó cho thấy hiệu quả việc thực hiện công tác 'Dân vận khéo' tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.

Thường trực Đảng ủy thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) trao đổi cùng các ngành, đoàn thể nâng cao hiệu quả công tác "Dân vận khéo".

Thường trực Đảng ủy thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) trao đổi cùng các ngành, đoàn thể nâng cao hiệu quả công tác "Dân vận khéo".

Sau sáp nhập, thị trấn Mãn Đức có 27 khu dân cư với khoảng 1,5 vạn dân. Trong quá trình thực hiện sáp nhập, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh "Dân vận khéo” bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên loa phát thanh tại các khu dân cư; tiếp xúc, đối thoại, họp dân thông báo công khai... Đồng thời, lấy ý kiến nhân dân 3 xã, thị trấn về chủ trương sáp nhập, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thông qua đó làm căn cứ đánh giá tình hình, có giải pháp xử lý những vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở để thuận lợi cho việc sáp nhập đơn vị hành chính.

Năm 2020 được xác định là năm "Dân vận khéo”, do đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định cuộc sống, lao động, sản xuất trước và sau sáp nhập. Theo đó, để nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm, mong muốn của nhân dân, Đảng ủy thị trấn phân công các đồng chí đảng ủy viên phụ trách khu dân cư tích cực tham gia họp dân, sinh hoạt cùng các chi bộ khu dân cư, làm tốt công tác dân vận để nhân dân hiểu rõ chủ trương, có đề xuất, kiến nghị phù hợp. Trong quá trình đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung giải thích rõ những thắc mắc của người dân liên quan đến vấn đề sáp nhập. Nhờ đó, các khu dân cư đều đạt được sự thống nhất cao của nhân dân.

Đồng chí Bùi Minh Hải, Bí thư Đảng ủy thị trấn Mãn Đức cho biết: "Sau sáp nhập cần tiếp tục duy trì hoạt động và nhân rộng các mô hình "Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Tùy vào điều kiện thực tế của mỗi khu dân cư mà lựa chọn mô hình phù hợp để nhân rộng. Điển hình như mô hình "Khu dân cư kiểu mẫu” của khu Tân Phong; "Đoạn đường hoa” của chi hội phụ nữ khu 6, khu 7; "Hàng rào cây xanh” của Hội Cựu chiến binh… Ngoài ra, thị trấn sẽ sớm hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân về việc đổi tên các khu dân cư trên địa bàn theo định hướng của Đảng ủy, chính quyền địa phương đảm bảo phù hợp, ý nghĩa, đúng quy định và hợp lòng dân”.

Việc sáp nhập, mở rộng địa bàn thị trấn, tập trung dân số đông tạo nhiều cơ hội phát triển cho vùng trung tâm của huyện, tuy nhiên cũng đặt ra thách thức mới trong vấn đề đảm bảo ANTT trên địa bàn. Thị trấn xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình "Tổ tự quản an toàn về ANTT” là mô hình "Dân vận khéo” trên lĩnh vực QP-AN. Hiện, mô hình được duy trì và nhân rộng ở 100% khu dân cư, trường học, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết thêm: "Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tiếp tục ổn định về tư tưởng, công tác cho cán bộ, đảng viên và hoạt động sản xuất, đời sống của nhân dân không bị xáo trộn bởi việc sáp nhập. Làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để kịp thời giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn ngay tại cơ sở; đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân, nhất là cấp lại giấy tờ cho người dân sau sáp nhập nhanh gọn, kịp thời, đúng quy định. Chủ động xây dựng mỗi khu dân cư một mô hình "Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện thực tế nhằm tạo sự đồng thuận, tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân”.

Thanh Sơn

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/138777/thi-tran-man-duc-hieu-qua-cong-tac-dan-van-kheo.htm